Tham nhũng trong giáo dục ở Pakistan

Cơ quan Phòng, chống và Điều tra tham nhũng Pakistan (ACED) thông báo đang tiến hành điều tra tham nhũng với số tiền lên đến 17 tỷ rupee (khoảng 146,8 triệu USD) tại tất cả các cơ sở giáo dục thuộc tỉnh Sindh (Đông Nam Pakistan).

Pakistan dậm chân trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh: Hina Baloch

Vụ bê bối liên quan đến nhiều công chức tại các phòng giáo dục, cơ quan tài chính, kiểm toán, cảnh sát... Tính riêng tại quận Shaheed Benazirabad (còn gọi là Nawabshah), có khoảng 679,583 triệu rupee (khoảng 5,6 triệu USD) đã bị gian lận.

Tổ điều tra do Sở Tài chính tỉnh Sindh thành lập đã phát hiện, trong 2 năm 2016 và 2017, khoản tiền này được lập dự toán, chia nhỏ và chuyển đi dưới dạng phụ cấp, chi lương vượt mức cho giáo viên và công chức phục vụ trong ngành giáo dục. Theo báo cáo, mỗi 150.000 rupee (khoảng 1.300 USD) chuyển trót lọt, các nghi phạm nhận 40.000 - 60.000 rupee (khoảng 345.000 - 518.000 USD) hoa hồng từ chủ nhân của các khoản tiền thông qua bên thứ ba.

60 hồ sơ cá nhân liên quan đã được thu thập chứng cứ phục vụ điều tra. Điều tra viên khẳng định sẽ không để bất kỳ nghi phạm nào lọt lưới.

Hiện Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Sindh Iqbal Durrani từ chối bình luận.

Giáo dục thường chiếm hơn 1/5 tổng chi tiêu của Chính phủ cho khu vực công, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển cá nhân, kinh tế cũng như xã hội. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), ngành Giáo dục dễ có nguy cơ tham nhũng và TI định nghĩa hành vi tham nhũng trong giáo dục là “lạm dụng quyền hạn được giao để tư lợi”.

Tham nhũng trong trường học có thể bao gồm mua sắm xây dựng, trang thiết bị trường học, “giáo viên ma”, “trường học ma” (gần 8.000 kiểu trường này ở Pakistan), phân bổ nguồn chi dự kiến cho sách giáo khoa hay hối lộ chạy vào ngành, mua bằng, bằng giả, chạy chức quyền, dạy thêm thay vì dạy chính khóa. Ngoài ra, lạm dụng tình dục trong lớp học thông qua lạm quyền cũng được xem là hành vi tham nhũng.

Tham nhũng trong cơ sở giáo dục đại học có những loại hình riêng, đó có thể là khoản hối lộ chạy nhập học, chạy ở ký túc xá, chạy tuyển dụng, chạy ký hợp đồng dài hạn, đạo văn hay chạy xét duyệt đề tài nghiên cứu.

Dù ở cấp độ nào đi chăng nữa, tham nhũng trong giáo dục gây ra những hệ lụy khôn lường cho thế hệ hiện tại và tương lai. Vì vậy, cần thiết kế chiến lược phòng, chống phù hợp với bối cảnh từng quốc gia, từng khu vực nhằm hướng tới một nền giáo dục phi tham nhũng.

Võ Như Uyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/tham-nhung-trong-giao-duc-o-pakistan_t114c52n132397