Tham nhũng trở thành lực cản lớn đối với sự phát triển của đất nước

Thời gian qua, cuộc chiến chống tham nhũng đã thu được một số kết quả tích cực, làm nức lòng cử tri và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thì tình hình phòng, chống tham nhũng chưa thực sự mang tính đột phá; tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, trở thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, khai thác tài nguyên và đầu tư công.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Ảnh: Văn Bình

Theo Báo cáo tổng kết 10 năm của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thiệt hại được phát hiện là 59.759 tỷ đồng và 400ha đất. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi chỉ được 7,82% về tiền, tài sản và 54,75% về đất, năm 2016, tỷ lệ thu hồi mới đạt 38,3%. Năm 2017, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, qua công tác thanh tra thì tỷ lệ thu hồi tài sản là 54%, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, tỷ lệ thu hồi giảm xuống còn 25,8%, qua công tác thi hành án thì tỷ lệ thu hồi này chỉ còn 19,1%.

Tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết là do một số chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế chưa đồng bộ, khó áp dụng, thậm chí một số văn bản chuyên ngành còn trái với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật liên quan đến tội phạm tham nhũng chức vụ, kinh tế, quản lý đất đai chưa rõ ràng, việc áp dụng Luật Tố cáo năm 2011 còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là những quy định bảo vệ người tố cáo. Cán bộ, công chức ở một số lĩnh vực nhạy cảm lợi dụng nhiệm vụ được giao để trục lợi cá nhân bằng nhiều hình thức chưa được đẩy lùi, thậm chí có dấu hiệu tham nhũng ngay cả trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm toán.

Nhiều vụ án tham nhũng rất khó phát hiện do người phạm tội thường là người có chức vụ, trình độ học vấn cao. Vì vậy, việc phạm tội được chuẩn bị kỹ càng, thủ đoạn tinh vi và tài sản do phạm tội thường được che giấu kỹ lưỡng, nếu có phát hiện phần lớn do mất đoàn kết nội bộ, tranh giành địa vị, chạy chức, chạy quyền không thành, do đơn thư tố cáo, dư luận nhân dân phản ánh, báo chí vào cuộc thì các cơ quan chức năng mới điều tra, kết luận và xử lý nên việc thu thập thông tin, chứng cứ và thu hồi tài sản phạm pháp gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: Văn Bình

Cho ý kiến về vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định nhấn mạnh: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát có làm tốt công tác điều tra, truy tố, tòa án tuyên những bản án nghiêm khắc mà lại không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để. Chính vì vậy, đại biểu Mai Thị Phương Hoa kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng mở rộng một cách hợp lý diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản. Đồng thời, trong quá trình tố tụng khi đã xác định được khối tài sản do hành vi phạm tội tham nhũng mà có, cần có biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn đầu quá trình giải quyết vụ án, để tránh tài sản tham nhũng bị tẩu tán.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm, Đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam thì cho rằng, các vụ việc tham nhũng vẫn chưa giảm, một số vụ còn giải quyết cầm chừng, nhất là các vụ phạm tội tham nhũng về kinh tế lớn, làm thất thoát ngân sách và tài sản quốc gia do vướng mắc về thực thi chính sách pháp luật. Để tăng cường giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt, đại biểu Hà Thị Minh Tâm đề nghị Quốc hội sớm chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng như: Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Tố cáo năm 2011.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu mô hình các cơ quan chức năng hoạt động độc lập về công tác phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công tác điều tra, truy tố, xét xử các án về tham nhũng và cần chỉ đạo các giải pháp hữu hiệu về kê khai thu nhập, đăng ký tài sản đối với cán bộ, công chức một cách minh bạch, công khai và nghiêm túc. Có giải pháp làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ trực tiếp làm việc ở những cơ quan, đơn vị có nguy cơ tham nhũng và những cơ quan, đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Trần Thị Dung, Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên đề nghị cần nhận diện rõ thực trạng cả họ làm quan cũng chính là hành vi tham nhũng, tham nhũng vặt của cán bộ công chức tại xã cũng chính là hành vi tham nhũng, để từ đó có biện pháp xử lý triệt để, nếu không sẽ làm hư hỏng nền công vụ ngay tại cơ sở.

Tham gia giải trình trước Quốc hội, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, kiên quyết thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đưa ra truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật các vụ án kinh tế nghiêm trọng theo đúng tinh thần không có vùng cấm. Thời gian qua, đã đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức Nhà nước vi phạm, có cả cán bộ, công chức cấp cao. Qua công tác thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách 46.268 tỷ đồng và 5.308ha đất, ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền là 5.403 tỷ, phát hiện và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra so với năm 2016 tăng 52,1% số vụ và 100% số đối tượng.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan thông tin báo chí và nhân dân, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính; tăng cường thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền.

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tham-nhung-tro-thanh-luc-can-lon-doi-voi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc/