Tham nhũng, tiêu cực ngành hải quan vẫn nóng, vì sao?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng thẳng thắn thừa nhận: Hằng năm, xử lý kỷ luật cán bộ thuế, hải quan trên dưới 300 người. Bộ đã rốt ráo rà soát, xử lý… Mới đây, Tổng cục Hải quan tiếp tục phát đi văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn.

Hàng chục công chức bị kỷ luật, vào tù

Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), qua công tác điều tra chống buôn lậu, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo thời gian qua, ngành đã phát hiện một số doanh nghiệp (DN) xuất khống hàng hóa để hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với số lượng lớn. Nghiêm trọng hơn, trong một số vụ việc có sự tiếp tay của công chức hải quan. Quyết không để “con sâu làm rầu nồi canh”, TCHQ đã chủ động khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.

Trong số các vụ việc có sự tiếp tay của công chức hải quan, nghiêm trọng nhất là vụ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) tại Cục Hải quan tỉnh An Giang hồi năm 2013. Theo hồ sơ, năm 2013, TCHQ phát hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang có dấu hiệu vi phạm xuất khống hàng để được hoàn thuế VAT với số lượng lớn. TCHQ đã khởi tố vụ án và chuyển Bộ Công an tiếp tục điều tra, xác minh đối với 11 DN theo thẩm quyền.

Bộ Công an và Công an TPHCM đã khởi tố 46 công chức Cục Hải quan An Giang có liên quan về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và 3 công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 4 thuộc Cục Hải quan TPHCM về tội: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Ngay sau đó, TCHQ đã đình chỉ công tác đối với công chức bị khởi tố, bắt tạm giam và điều chuyển công tác khác đối với công chức bị khởi tố nhưng được tại ngoại, đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan. Cụ thể, ra quyết định kỷ luật 54 công chức (1 hạ bậc lương, 2 cảnh cáo, 51 khiển trách). Trong số 54 công chức này có tới 9 lãnh đạo chi cục (cảnh cáo 2, khiển trách 7), 8 lãnh đạo đội/tổ (cùng bị khiển trách), 37 công chức thừa hành (khiển trách 36, hạ bậc lương 1 người). Đặc biệt, TCHQ cũng cảnh cáo, chuyển công tác khác đối với cục trưởng và khiển trách 2 phó cục trưởng Cục Hải quan An Giang.

Một thời gian sau đó, trong số các DN bị khởi tố, xét xử, vụ án của Cty Công nghệ thực phẩm Sài Gòn được đưa ra xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM tuyên phạt 26 công chức hải quan (thuộc Cục Hải quan TPHCM và Cục Hải quan An Giang) từ 1 đến 12 năm tù giam. Cục Hải quan TPHCM và Cục Hải quan An Giang đã có quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với 26 công chức trên.

Đầu tháng 6/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Kiên Giang phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Công an tỉnh Kiên Giang đối với 23 người về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can này nguyên là cán bộ của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và cửa khẩu quốc gia Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Tất cả những người này liên quan đến vụ án Trần Hữu Thọ và Võ Thanh Tuyến (con rể Thọ, nguyên Giám đốc Công ty Khánh Ly có trụ sở đặt tại huyện Giang Thành) chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT từ năm 2010 đến tháng 7/2013.

Trước đó vào giữa tháng 6/2016, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt Thọ tù chung thân, Tuyến 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 10 cựu cán bộ hải quan khác bị phạt từ 2-6 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, bị cáo Lâm Văn Giao (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) bị phạt 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Võ Văn Toàn (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc gia Giang Thành) bị phạt 6 năm tù.

Theo TCHQ, ngay sau khi Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố vụ án, ngành đã kiểm điểm trách nhiệm đối với 27 công chức (giáng chức 3 người, hạ bậc lương 2 người, cảnh cáo 15 người, và khiển trách 7 người). Trong số 27 công chức này có 5 lãnh đạo chi cục. Sau phiên tòa sơ thẩm đầu tháng 6/2016, các công chức này đã kháng cáo, đến nay tòa chưa xử phúc thẩm.

Ngoài 2 vụ việc điển hình trên, theo TCHQ còn một số vụ việc nghiêm trọng khác, chủ yếu do một vài cá nhân công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố tình làm sai quy trình thủ tục để xảy ra sai phạm. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số công chức hải quan được các cơ quan báo chí đưa tin.

Nguy cơ tham nhũng

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến trung tuần tháng 11, lực lượng thanh tra đã tiến hành 134 cuộc thanh tra chuyên ngành, 270 cuộc kiểm tra nội bộ, ra quyết định truy thu, xử phạt 79,5 tỷ đồng, đã thu nộp ngân sách 31 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo TCHQ, đặc thù của ngành thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và hàng hóa, tiền bạc nên tiềm ẩn nguy cơ về tham nhũng, tiêu cực. Để ngăn chặn, phòng ngừa các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực của công chức trong thực thi công vụ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo TCHQ triển khai hàng loạt nhóm giải pháp.

Bên cạnh các giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quy trình thủ tục hải quan, ngành đặc biệt chú trọng đến các giải pháp nội ngành. Trong đó, TCHQ quán triệt tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp lãnh đạo, công chức trong thực thi công vụ từ tổng cục đến địa phương. Tổng cục cũng thành lập các tổ kiểm tra đột xuất nhằm xử lý kịp thời những thông tin, phản ánh của báo chí, người dân và DN liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của hải quan.

Đồng thời, TCHQ cũng thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về luân chuyển, luân phiên, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, đặc biệt tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, khắc phục tình trạng trì trệ, cục bộ.

Tuấn Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tham-nhung-tieu-cuc-nganh-hai-quan-van-nong-vi-sao-1216062.tpo