Tham nhũng làm xói mòn niềm tin của người dân

Trọn ngày 13-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2018; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Gia tăng “mù luật, lờn luật” và thách thức coi thường pháp luật?

Hàng loạt các loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp hiện nay như: nạn buôn bán người, tội phạm ma túy, ngáo đá ma túy, bán hàng đa cấp trái phép, tội phạm công nghệ cao, tín dụng đen... là nỗi lo lắng của các đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận), Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội).

Các ĐB cho rằng, những bất an về tội phạm ngày càng lớn với người dân, nhưng trong các báo cáo của các cơ quan chức năng thì yếu kém đó vẫn lặp đi lặp lại qua nhiều năm.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, việc đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như tình trạng “bôi trơn”, sân sau, lợi ích nhóm, bảo kê… cho thấy thái độ kiên quyết, không né tránh của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, tình hình tội phạm diễn ra phức tạp, diễn ra công khai. Dù có một hệ thống pháp luật gần 200 luật, bộ luật, có hệ thống các cơ quan hành pháp, tư pháp hùng hậu từ Trung ương đến địa phương nhưng người dân vẫn cảm thấy bất an.

“Việc một cô giáo viết đơn gửi các anh xã hội đen xin tha cho gia đình để chị được yên ổn dạy học là một câu chuyện buồn. Đó là những mảng tối trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Người dân đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Hay như tình trạng bảo kê cho tội phạm ở bệnh viện, bến xe… kéo dài nhiều năm không được phát hiện xử lý”, ĐB Mai Hoa nói.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, chiến dịch dẹp vỉa hè cho người đi bộ được phát động rầm rộ ở quận 1 (TPHCM) sau đó lan tỏa ra nhiều nơi; có nhiều chỉ đạo quyết liệt của ngành công an, lãnh đạo tỉnh thành, tốn nhiều giấy mực của báo chí và người dân đã chờ đợi, hy vọng nhưng thất vọng vì không có hồi kết.

“Đây có phải minh chứng cho sự bất lực của bộ máy nhà nước trong cuộc chiến này. Và người dân đã giảm sút niềm tin vào năng lực và quyết tâm của bộ máy công quyền trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm?”, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa đặt câu hỏi và cho rằng, cần tập trung làm rõ tại sao gia tăng tình trạng “mù luật, lờn luật” và thách thức coi thường pháp luật. Trong công tác phòng chống tội phạm, đâu là vùng trũng, đâu là điểm nghẽn, đâu là khâu bế tắc cần tháo gỡ?

ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng đánh giá: “Có lẽ đây là năm mà hoạt động phòng chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến nay. Nhân dân tin tưởng hơn, nhưng “thuyên giảm hơn” (như nhận định của Chính phủ - PV) thì chưa rõ vì dư luận, báo chí hàng ngày đều nêu nhiều việc sai trái. Có những ý kiến bức xúc cho rằng, 1 bao cát bỏ trong hẻm, hay việc đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy, nhưng nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản thì “không ai thấy”.

“Vậy cái đó là cái gì?”, ĐB Nguyễn Minh Sơn đặt câu hỏi và thuật lại lời ta thán của cử tri qua các buổi tiếp xúc trước, sau kỳ họp Quốc hội là “muốn xin vào làm việc chỗ này, chỗ kia, lên chức này, chức kia, được việc này, việc khác cho nhanh thì đều có “giá” cả. “Giá đó không mặc cả, không cò kè thêm bớt. Không ưng thì có người khác sẵn sàng thay thế”, ĐB Nguyễn Minh Sơn nói.

Tham nhũng vặt đang làm giảm lòng tin của người dân

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, nếu các nhóm tham nhũng trục lợi chính sách làm suy kiệt nền kinh tế thì tham nhũng vặt với số lượng đông đảo cũng gây hại rất lớn đối với đời sống kinh tế xã hội và đặc biệt làm giảm lòng tin của người dân với bộ máy công quyền.

“Hành vi của loại tội phạm tham nhũng vặt như: đưa phong bì lót tay, hoặc nhờ người chạy trường, chạy việc, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành thói quen”, ĐB Mai Hoa nói và cho rằng, xử lý loại tội phạm này không dễ vì số lượng đông, diễn ra mọi lúc, mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực. Do đó, cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể và làm rõ nguyên nhân, tác hại cũng như có giải pháp để ngăn chặn loại tội phạm này.

Chẳng hạn như đẩy nhanh cải cách hành chính, hạn chế cơ hội tiếp xúc của người dân với công chức thi hành công vụ; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân với công tác cán bộ; chuyển sang hình thức thi tuyển các chức danh bổ nhiệm theo nhiệm kỳ… ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cảnh báo, đang có sự cấu kết giữa những người có tiền - quyền, thậm chí là tiền - quyền - xã hội đen để tham nhũng, tiêu cực, cần triệt tiêu điều này.

Đề cập đến việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, theo ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, nguyên nhân là người tham nhũng có mối quan hệ rộng, tiêu hủy tài liệu chứng cứ nên khi đưa ra xét xử thì tài sản đã được tẩu tán.

“Biện pháp kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo. Như vậy chỉ áp dụng sau khi khởi tố vụ án. Đây là thời gian để đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản, ĐB Võ Thị Như Hoa nói và cho rằng, Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật Tố tụng hình sự theo hướng: kê biên, phong tỏa tài sản ngay khi có dấu hiệu tham nhũng chứ không chờ tới khi có kết luận. Đồng thời áp dụng biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo bí mật cũng như xử lý nghiêm với cán bộ làm lộ thông tin.

Nhân dân mong người không đủ uy tín hãy từ chức

Theo một số ĐB, hàng loạt vụ đại án gần đây như Vũ “nhôm”, Út “trọc”, đại án trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng; vụ án đánh bạc ngàn tỷ đồng qua mạng… đang ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. ĐB Nguyễn Hữu Cầu thừa nhận, những sai phạm của một số cán bộ công an cao cấp đã làm giảm sút niềm tin trong nhân dân và đang được Đảng, Nhà nước xử lý với quan điểm không có vùng cấm. Những sai phạm đó được ngành công an tự phát hiện, xử lý nghiêm minh để lấy lại lòng tin của nhân dân.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, trong 7 nguyên nhân của những tồn tại trong công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng mà Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ ra có nguyên nhân trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế. Cá biệt còn có trường hợp vi phạm ảnh hưởng tới hiệu lực của pháp luật. “Đây là đánh giá rất xác đáng. Ví dụ như vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, rất nhiều tướng công an; vụ tướng công an liên quan đến đường dây đánh bạc hàng ngàn tỷ đồng trên mạng...

“Bộ trưởng đã chỉ ra rồi, nhân dân rất mong có bước chuyển tích cực trong thời gian tới”, ĐB Nguyễn Anh Trí nói và đặt câu hỏi: “Tại sao Đảng, Chính phủ quyết liệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm thực sự, công an rất tích cực, tòa án làm việc liên tục như vậy mà tội phạm vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng?”.

“Bên cạnh sự quyết liệt, nghiêm khắc hơn thì cần phải phát huy tính gương mẫu, tự giác của cán bộ đảng viên thực hiện theo quy định nêu gương được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua. Nếu có lỗi, không còn uy tín, không đủ điều kiện, năng lực thì nên chủ động từ chức. Sắp hết năm 2018 rồi, nhân dân chờ đợi sự chủ động của những người không đủ đức, tài. Còn hơn 1 năm nữa, phải chuẩn bị cho được đội ngũ cán bộ chiến lược cho Đại hội Đảng XIII. Nhân dân mong người không đủ uy tín hãy từ chức, “đừng như con lươn, con trạch mà leo cao”. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội xây dựng luật từ chức để luật hóa quy định của Đảng”, ĐB Nguyễn Anh Trí thẳng thắn.

PHAN THẢO - ANH THƯ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tham-nhung-lam-xoi-mon-niem-tin-cua-nguoi-dan-63115.html