Thăm những di tích lịch sử của Đầm Hà

Đầm Hà nơi có các di tích cột cờ Núi Hứa, nơi chi bộ đảng đầu tiên của huyện được thành lập và đồn Đen, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta tiến tới giải phóng huyện Đầm Hà. Các công trình này đều đã được nâng cấp để trở thành các điểm tham quan, đồng thời nhắc nhở người dân, nhất là thế hệ trẻ về một thời cha ông đã chiến đấu anh dũng trên mảnh đất này.

Các di tích đồn Đen, đồn Đỏ do người Pháp xây dựng từ hàng trăm năm trước và đều nằm ở thị trấn Đầm Hà. Di tích Đồn Đen còn khá nguyên vẹn và là 1 trong 5 di tích của huyện Đầm Hà nằm trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh Quảng Ninh. Đồn Đen là sào huyệt cuối cùng của bọn thổ phỉ cố trụ lại sau khi quan thầy Pháp của chúng đã rút khỏi. Đồn Đen sạch bóng giặc, cũng là giờ phút lịch sử chính quyền cách mạng giải phóng hoàn toàn huyện Đầm Hà.

Di tích lịch sử Đồn Đen.

Di tích lịch sử Đồn Đen.

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Đầm Hà (1945 - 2005) của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đầm Hà xuất bản năm 2008, có ghi chép về cuộc tiến công giải phóng huyện Đầm Hà ngày 26/1/1946. Ta chia làm 3 mũi tấn công. Mũi tiếng công thứ 3 do đồng chí Sùng Lãm chỉ huy nhanh chóng đánh vào Đầm Buôn (nay thuộc xã Đầm Hà, giáp với thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà). Bọn giặc trong đồn Đỏ ở gần Đầm Buôn hoảng sợ, vội vàng vượt sông chui vào sào huyệt đồn Đen. Địch cố thủ giữ đồn, ta áp sát vây hãm vừa kêu gọi đầu hàng và nhử địch để cho chúng cạn kiệt đạn dược, chờ trời sáng đồng loạt tiến công tiêu diệt chúng.

Bọn địch bị đói khát mệt mỏi lại sa sút về tinh thần, biết không thể đối phó được với sức mạnh của ta, chúng phải mở đường máu dựa vào đêm tối để tháo chạy vào rừng, một số ra hàng. Quân ta chiếm được đồn Đen và ngày 27/1/1946, huyện Đầm Hà hoàn toàn được giải phóng.

Trải qua thời gian, khu di tích đồn Đen đã nhiều chỗ xuống cấp. Di tích đã được đầu tư tu bổ lại từ tháng 10/2018 gồm hệ thống kè chắn cát, cống thoát nước mưa, điện chiếu sáng, đường vào khu di tích. Các hạng mục cũ của đồn Đen như đài quan sát đông, tây, nam, bắc, hệ thống các hầm, tường thành của di tích vẫn được giữ nguyên.

Một công trình nữa cũng mang nhiều ý nghĩa lịch sử của huyện Đầm Hà là công trình Cột cờ Núi Hứa, được xây dựng tại xã Đại Bình và hoàn thành vào tháng 9/2018. Nơi đây ngày 28/10/1948, Chi bộ Đảng đầu tiên của Đầm Hà được thành lập. Từ đây, phong trào cách mạng của nhân dân huyện Đầm Hà đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới và lớn mạnh. Khu di tích khảo cổ - lịch sử - danh thắng Núi Hứa, xã Đại Bình được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2012. Đường dẫn lên công trình có 559 bậc. Đây là công sức của nhiều tổ chức ban ngành trên địa bàn huyện, đóng góp hàng nghìn ngày công xây dựng.

Núi Hứa còn là nơi sinh sống của hàng vạn con cò.

Dưới chân cột cờ núi Hứa còn có rừng cò nơi sinh sống của hàng vạn con cò, tạo thêm sự hấp dẫn của cảnh vật thiên nhiên nơi này. Để rừng cò tồn tại và ngày càng phát triển, đó là công lao lớn của ông Phạm Văn Hà, thôn Làng Ruộng. Rừng cò là đất rừng nhà ông được chia để trồng keo, nhưng suốt hơn 40 năm, ông Hà đã hy sinh lợi ích cá nhân giữ lại khu rừng nguyên sinh mà không chặt đi trồng keo, để làm nơi trú ngụ cho cò. Rồi ông Hà, lại suốt mấy chục năm lặng lẽ trông coi và bảo vệ rừng cò. Khi công trình Cột cờ Núi Hứa được xây dựng, ông hiến luôn hơn 3.000m2 phần đất liên quan để làm công trình.

Ngày nay có nhiều du khách và người dân địa phương đã chọn địa điểm Cột cờ núi Hứa và di tích đồn Đen để làm điểm đến vào dịp cuối tuần và dịp nghỉ lễ dài ngày.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202005/tham-nhung-di-tich-lich-su-cua-dam-ha-2484805/