Tham nhũng có xu hướng được ngăn chặn, đẩy lùi

Có thể nhận định, tình hình tham nhũng có suy giảm, có xu hướng được ngăn chặn, đẩy lùi.

Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Tư pháp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Tư pháp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Năm 2018 công tác chống tham nhũng đã quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ nét hơn các năm trước. Một điểm đáng ghi nhận nữa là công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng làm tốt hơn năm trước rất nhiều.

Về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong năm 2018, có thể nói chúng ta đã tiến hành bài bản, đồng bộ và quyết liệt hơn năm 2017.

Chúng ta chú trọng cả công tác phòng và công tác chống, nhưng có điểm mới trong năm 2018 là công tác chống tham nhũng đã quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ nét hơn các năm trước. Một điểm đáng ghi nhận nữa là công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng làm tốt hơn năm trước rất nhiều. Việc phát hiện, kê biên, niêm phong, bảo đảm cho xử lý thu hồi cũng làm tốt hơn nhờ có kinh nghiệm hơn từ năm trước.

Về tình hình tham nhũng, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ được rõ. Năm 2017, chúng ta nói tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi. Nhưng năm nay có tinh vi nữa không? Tôi vẫn thấy tình hình tham nhũng nghiêm trọng, tinh vi, nhưng cách thể hiện khác hơn, các vụ lớn nghiêm trọng không như giai đoạn trước nữa.

Qua kết quả đấu tranh như vừa qua có thể nhận định, tình hình tham nhũng có suy giảm, có xu hướng được ngăn chặn, đẩy lùi. Từ đó, nhân dân đồng tình, xã hội đồng tình, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước tốt hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề rất cần lời giải đáp. Ví dụ như chúng ta thấy, những vụ án kinh tế lớn chủ yếu ta điều tra, truy tố xét xử được về các tội danh như cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mà rất ít vụ chúng ta chứng minh, điều tra được về hành vi tham ô, nhận hối lộ. Vì sao lại như vậy? Rồi hiện nay có tình trạng “trên nóng dưới lạnh” không? Có ý kiến nói trên T.Ư làm rất quyết liệt, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, rồi thanh tra, kiểm toán làm rất mạnh nhưng dưới địa phương lại chưa chuyển biến, nhận định này có đúng không?

Chính phủ đưa ra 3 kiến nghị. Một là, Quốc hội tăng cường giám sát công tác PCTN. Hai là, các cơ quan chức năng tập trung thu hồi tài sản tham nhũng. Ba là, vai trò MTTQ và các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong PCTN. Nhưng 3 kiến nghị này quá chung chung. Vì thế, bây giờ phải bám vào thể chế. Thể chế của ta chưa đồng bộ, chặt chẽ, có chỗ sơ hở, bị lợi dụng. Ví dụ, chúng ta vẫn có chủ trương xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho xã hội như: PPP, hình thức công - tư, BT, cổ phần hóa DNNN… nhưng rõ ràng nhìn lại mảng pháp luật trong lĩnh vực này ta đang còn thiếu, chưa đồng bộ. Vậy, cần phải hoàn thiện, nếu không cuối cùng vẫn tạo ra những sơ hở có thể lợi dụng.

Còn việc làm sao để không dám tham nhũng, tôi nghĩ luật pháp của chúng ta nghiêm rồi, nhưng vấn đề áp dụng để xử lý lại chưa nghiêm. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu.

Nói một cách lý luận là phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế để vận hành nó dưới ánh sáng mặt trời, tức là phải công khai, minh bạch. Để làm được điều này thì cần thiết phải hoàn thiện được hệ thống pháp luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Vĩnh Phú, Hoài Thu (Ghi)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tham-nhung-co-xu-huong-duoc-ngan-chan-day-lui-d270793.html