Tham nhũng chính sách

Một cuộc hội thảo do VCCI vừa tổ chức đã làm rõ khái niệm 'tham nhũng chính sách'. Đó là những văn bản, chỉ thị, quyết định của những người có quyền lực nhằm điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho họ ngay lập tức cũng như trong tương lai.

Quá trình thực thi chính sách này đã tước đoạt lợi ích của cộng đồng cư dân và doanh nghiệp. Vấn đề tham nhũng chính sách đã được thảo luận nhiều lần trong các diễn đàn Quốc hội.

Các chuyên gia chỉ rõ, tham nhũng chính sách là một loại hình tham nhũng đặc biệt vì nó tạo ra hành lang pháp lý “thênh thang” cho việc trục lợi trong 5 năm, 10 năm hay lâu hơn thế.

Nó có thể là một dự án BT, BOT hay BTO, một cuộc đổi đất lấy hạ tầng đáng nghi ngờ. Nó có thể là một cuộc bán đấu giá tài sản nhà nước bị chi phối. Nhưng nó cũng có thể là một ưu đãi - nhưng mang tính hệ thống mà nếu không phát hiện sẽ giúp cho sự bất bình đẳng kéo dài.

Tham nhũng chính sách hoạt động công khai khi những dự thảo luật, những đề án, dự án lớn được đưa ra. Khác với những vụ tham nhũng bí mật, tham nhũng chính sách có thể được ngăn chặn từ đầu. Không khó khăn khi nhận diện việc tham nhũng chính sách của các quan chức chính quyền Đà Nẵng khi quyết định cho Vũ “Nhôm” mua các biệt thự đất vàng. Tham nhũng chính sách khi Phó Chủ tịch UBND TP HCM ký quyết định về quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm… Và mới đây nhất là Thông tư 15 của Bộ Y tế khác với Nghị định 54 của Chính phủ về đấu thầu thuốc …

“Khắc tinh” của tham nhũng chính sách là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đạo luật này có những qui định rất rõ ràng về công khai, minh bạch và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật. Thế nhưng, trong thực tế vẫn còn có rất nhiều văn bản trái luật được soạn thảo và ban hành không theo những quy định này hoặc chưa có đánh giá tác động kinh tế- xã hội của văn bản một cách toàn diện…

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp xây dựng pháp luật trong thời gian tới là cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân…

Theo đó, chất lượng văn bản pháp luật rất quan trọng, có tác động ngày càng lớn tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người dân. Trong số những yếu tố đảm bảo chất lượng của một văn bản pháp luật, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi và tính minh bạch là những yếu tố vô cùng quan trọng.

Các chuyên gia lưu ý, trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo văn bản để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia góp ý kiến, hạn chế tối đa việc áp dụng các thủ tục rút gọn.

Bên cạnh đó, nhất thiết phải tiến hành đánh giá tác động kinh tế- xã hội của các văn bản pháp luật và chính sách mới trước khi ban hành để không tạo ra kẽ hở cho tham nhũng và những hệ quả không mong đợi.

Bảo Dân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/tham-nhung-chinh-sach-318062.html