Thâm nhập thị trường châu Mỹ: Cần hiểu tập quán, đáp ứng tốt tiêu chuẩn

Châu Mỹ là thị trường lớn và khó tính bậc nhất với nhiều tiêu chuẩn riêng đối với sản phẩm xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp phải biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp.

Toàn cảnh Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020. Ảnh: T.U

Toàn cảnh Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020. Ảnh: T.U

Các chuyên gia đánh giá tại Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020 kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến được tổ chức ngày 25/9.

Cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường châu Mỹ

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19, nhưng trong 8 tháng năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.

“Hiện bước đầu các doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường châu Mỹ và người tiêu dùng ở đây rất có thiện cảm với các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Thời gian tới, cơ hội để hàng hóa Việt thâm nhập sâu vào thị trường châu Mỹ tiềm năng đang rất rộng mở với “bệ phóng” chính là các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết cùng nhiều nước tại châu Mỹ. Điển hình như FTA với Chile, Cuba…Trong đó, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có 4 quốc gia thuộc châu Mỹ là Peru, Chile, Canada, Brazil…”, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong đó, đánh giá về thị trường Canada, bà Đỗ Thị Thu Hương - Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, nền kinh tế của hai nước Việt Nam và Canada mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt với nông sản, thực phẩm. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Canada đánh giá có chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả, chính trị ổn định, dân số trẻ…có sức thu hút lớn trong việc thiết lập chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp này. “Thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp Canada tìm nhà cung ứng, cơ sở đặt nhà máy tại Việt Nam khá nhiều, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ”, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada chia sẻ thêm.

Bên cạnh Canada thì Argentina cũng là thị trường xuất khẩu lớn của nước ta. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Argentina đạt mức tăng trưởng hơn 30%. Các DN Argentina đều đánh giá khá tốt chất lượng hàng hóa Việt Nam. “Hiện doanh nghiệp Argentina đang định vị lại thị hiếu và nhu cầu khách hàng, có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường cố định. Đây là cơ hội để hàng Việt vào thay thế sản phẩm truyền thống mà Argetina vẫn nhập khẩu trong chuỗi cung cấp của mình. Đặc biệt là các mặt hàng tiềm năng như da giày, đồ gỗ, mây tre, vật tư y tế…".

Hiểu tập quán, đáp ứng tốt tiêu chuẩn để chinh phục thị trường

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, đường vào châu Mỹ của doanh nghiệp Việt cũng có không ít trở ngại. Đầu tiên phải kể đến là khoảng cách xa xôi về địa lý, giao thông bởi hiện chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam tới các quốc gia châu Mỹ. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

“Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt chưa nắm được quy định về nhập khẩu hàng hóa, quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và nhiều quy tắc đặc thù của thị trường châu Mỹ”, ông Hải nhấn mạnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp có thể thâm nhập sâu vào thị trường châu Mỹ, thời gian qua, Bộ Công thương tổ chức rất nhiều hoạt động để phổ biến thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, gặp gỡ các đối tác trong khu vực châu Mỹ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều quan trọng là doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt, bài bản để thâm nhập thị trường châu Mỹ. Trong đó cần chú trọng những mặt hàng có thế mạnh về xuất khẩu như: các mặt hàng điện tử, các linh kiện điện tử, mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm gỗ, các sản phẩm nông sản và may mặc, da giày....

Thực tế cho thấy, việc tìm hiểu về phong tục, tập quán, kinh nghiệm, kinh doanh, mặt hàng là hết sức quan trọng và cũng có thể nói là sống còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. “Hiện thị trường châu Mỹ rất chuộng mặt hàng thực phẩm, đồ uống, trái cây... của Việt Nam. Song, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện tại thị trường này như kiểm dịch, chất lượng an toàn thực phẩm, phong tục tập quán... Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tìm hiểu kỹ lưỡng và đáp ứng các tiêu chuẩn này”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, Châu Mỹ là thị trường lớn và khó tính bậc nhất với nhiều tiêu chuẩn riêng đối với doanh nghiệp xuất khẩu, một số đối tác thường đưa ra những yêu cầu riêng về nhà xưởng phải đảm bảo vệ sinh, tiêu chuẩn cải tiến quy trình sản xuất... Tất cả những điều này doanh nghiệp phải chứng minh thực tế năng lực của mình với đối tác nếu muốn vượt và đạt các tiêu chuẩn xuất hàng./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-26/tham-nhap-thi-truong-chau-my-can-hieu-tap-quan-dap-ung-tot-tieu-chuan-92708.aspx