Thâm nhập điểm nóng phá rừng Ea Kar

Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất ở khu vực giáp ranh huyện Ea Kar với huyện Krông Bông và huyện M'Đrắk đang diễn ra ráo riết.

Những cánh rừng tự nhiên ở đây bị đốt phá rất nghiêm trọng. Chính quyền địa phương và chủ rừng vẫn loay hoay, chưa có được giải pháp cụ thể.

Rừng hóa tàn tro

Tại một quả đồi ở tiểu khu 704, lâm phần Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, (huyện Ea Kar) chúng tôi bắt gặp cảnh một người đàn ông bật chiếc hộp quẹt châm lửa đốt mảnh vải thấm xăng quấn ở đầu thanh củi rồi quăng vào bụi cây khô khốc. Trong giây lát, ngọn đồi nhanh chóng bị lửa bao trùm, tre nứa nổ lốp đốp và khói lửa mịt mù.

Rừng hóa tro than.

Rừng hóa tro than.

Khi đám rừng đang cháy đã ở phía sau chúng tôi, phía trước hiện ra một triền đồi khác, chỉ còn những gốc cây to ngổn ngang vẫn cháy âm ỉ. Trèo lên cao, nhìn ra xa, vẫn còn nhiều lắm những vạt đồi phủ lên màu xám của tro tàn và màu vàng khô của những vạt cây chết đứng vì hơi lửa. Một người đàn ông từ Hà Giang di cư tự do vào đốt phá rừng làm nương rẫy ở đây cho biết, từ năm ngoái đến nay, gia đình ông đã phát được 2 héc ta rừng.

Tiếp tục tiến vào sâu trong rừng thuộc tiểu khu 704, lâm phần Công ty Lâm Nghiệp Ea Kar, cảnh rừng bị đốt phá càng nghiêm trọng. Hầu như không quả đồi nào ở đây còn nguyên vẹn. Nhiều khoảnh rừng mới bị đốt, khói vẫn còn nghi ngút. Nếu tính cả phá mới và cũ, ở khu vực này có thể cả trăm ha rừng đã bị thiệt hại hoàn toàn. Trước thực trạng nhức nhối, ông Nguyễn Văn Hậu, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 2, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, được giao trực tiếp bảo vệ tiểu khu 704, phân bua rằng, rừng quá rộng nên không thể quản lý nổi: “Hiện tại quản lý rải rác ở đây là 386ha, địa bàn rộng mà người thì được 3 người. Bây giờ quản lý thì thực chất thì đi không nổi”.

Cách tiểu khu 704 chừng 20km, tiểu khu 701 cũng do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, giáp ranh giữa xã Cư Bông, huyện Ea Kar và xã Cư San, huyện M’Đrăk, rừng càng bị đốt phá nghiêm trọng. Xót xa hơn ở đây, là cả những cánh rừng còn nhiều cây gỗ lớn, cũng bị chặt- đốt không thương tiếc. Ngay tại điểm đặt cột mốc tiểu khu 701, những cây gỗ lớn vẫn chưa cháy hết. Những cây cổ thụ đường kính cả mét cũng dần biến thành than tro. Càng đi vào rừng, càng thấy rừng ở Ea Kar đã và đang bị tàn phá rất nghiêm trọng. Các tiểu khu 701 và 704 đang trở nên tan hoang..

Bất thường xử lý vi phạm

Trong khi những cánh rừng ở Ea Kar bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều vấn đề được đặt ra. Thờ ơ, thiếu trách nhiệm, hay có những bất thường, khuất tất gì đằng sau những vụ phá rừng nơi đây.

Ông Hồ Trung Thành, Phụ trách phân trường 4, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, quản lý tiểu khu 701 cho biết, ngoài việc lực lượng bảo vệ rừng quản lý không xuể, việc rừng bị phá càng ngày càng nghiêm trọng có nguyên nhân sâu xa từ những bất thường trong xử lý các vụ việc, đối tượng vi phạm. Ông Thành nêu dẫn chứng, đơn vị đã nhiều lần phát hiện các vụ việc, thậm chí bắt giữ các đối tượng phá rừng bàn giao cho lực lượng chức năng, thế nhưng không hiểu vì sao, nhiều vụ việc, các đối tượng không được xử lý.

Một vạt rừng bị cháy dở dang.

“Cơ quan đã bắt được nhiều vụ có đương sự nhưng không được xử lý. Ở trong này thì mình chỉ phát hiện, bắt giữ, báo cáo và đưa về cơ quan và cơ quan báo cáo cho các ban ngành xử lý. Không rõ vì sao lại không được xử lý”, Ông Thành nêu thắc mắc.

Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Cư Bông (huyện Ea Kar) cho biết, những năm gần đây, rừng trên địa bàn thuộc Lâm phần công ty lâm nghiệp Ea Kar bị tàn phá rất nghiêm trọng. Ông Vỹ khẳng định, chủ rừng hiện nay không bảo vệ được rừng trên địa bàn. Việc phối hợp xử lý các vụ việc, các đối tượng thời gian qua cũng có những dấu hiệu không ổn. Một số vụ việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, xã phát hiện và báo với chủ rừng, hạt kiểm lâm để phối hợp lý nhưng không nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Thậm chí, bắt được đối tượng rồi bàn giao cho cơ quan chức năng nhưng việc xử lý chậm trễ, chiếu lệ khiến lâm tặc ngày càng hoành hành, xem thường pháp luật.

“Ở đây là cơ chế xử lý, đâu đó còn vướng mắc nhiều vấn đề. Do vậy, các đối tượng vi phạm nhìn đó cho rằng, có bắt được thì xử lý chưa được, do vậy các đối tượng xem thường kỷ cương pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ rừng", ông Nguyễn Văn Vỹ khẳng định.

Về phía chủ rừng, ông Trần Lê Chinh, Phó giám đốc phụ trách Công ty Lâm nghiệp Ea Kar cho biết, công tác bảo vệ rừng tại đơn vị đang gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất lại chính là hậu quả của những tiêu cực, sai phạm trước đây ở đơn vị, khiến 4 cán bộ, nhân viên trong công ty bị bắt vào tháng 1/2020. Những cán bộ, nhân viên này bị bắt sau khi Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra tình trạng phá rừng, khai thác gỗ nghiêm trọng tại lâm phần công ty, địa phận xã Cư Yang. Đề cập việc rừng tại công ty vẫn đang bị tàn phá nghiêm trọng, ông Chinh cho rằng, bài học vẫn còn nguyên đó, các cán bộ ở các phân trường khó lòng tái diễn tiêu cực, sai phạm.

“Tình trạng tiếp tay cho lâm tặc thì theo nhận định của tôi là không còn nữa. Bởi vì qua vụ việc, trước khi tôi về, có 4 anh em bị bắt tạm giam, cho nên hiện tại không đồng chí nào dại gì dính vào vấn đề đó.” – Ông Trần Lê Chinh nói.

Né tránh trách nhiệm?

Trong khi đó, về phía Hạt kiểm lâm huyện Ea Kar, ông Lê Văn Trọng, Hạt trưởng lại cho rằng, rừng đã giao cho Công ty làm chủ thì trách nhiệm thuộc về công ty. Ông Trọng cho rằng, cán bộ kiểm lâm địa bàn của hạt đã làm hết trách nhiệm, đã làm tốt vai trò. “Quả bóng” trách nhiệm được ông Trọng đá sang cho chủ rừng, còn kiểm lâm coi như vô can.

“Rừng này là có chủ rồi, nôm na là Nhà nước đã giao cho công ty lâm nghiệp thì anh có trách nhiệm quản lý trong đó. Còn kiểm lâm địa bàn thì một đồng chí phụ trách một xã, tham mưu cho UBND cấp xã chứ không phải làm việc thay. Kiểm lâm địa bàn ở đây đã làm tốt, trách nhiệm của các đồng chí đấy trong tình hình hiện nay là đảm bảo, đạt yêu cầu.”-ÔngLê Văn Trọng nói.

Đi tìm câu trả lời cho những bất thường cũng như truy trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng tại Lâm phần Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, chúng tôi có buổi làm việc với UBND huyện Ea Kar.

Ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, tình hình phá rừng tại tiểu khu 701, 703 và 704 đang rất trầm trọng. Huyện đang chỉ đạo chủ rừng cũng như ngành chức năng điều tra, làm rõ các vụ vi phạm để báo cáo tỉnh, xin ý kiến xử lý. Huyện cũng đã họp bàn để thành lập 2 chốt liên ngành ngăn chặn tình trạng phá rừng ở xã Cư ELang giáp ranh với huyện Krông Bông và xã Cư Bông giáp ranh với huyện M’Đrắk. Mặc dù nhận định là rừng bị phá trầm trọng, ông Chiến cho rằng các đơn vị chủ rừng và kiểm lâm không bị động, bất ngờ. Cũng vì lẽ đó, huyện chưa truy trách nhiệm của các đơn vị:

“Trong việc đốt phá rừng giai đoạn hiện nay thì huyện chưa có ý kiến về trách nhiệm của hai đơn vị này. Là vì, các đơn vị có tuần tra do đó phát hiện, phát hiện từng tiểu khu một, mà không bị bất ngờ, bị động.”- Ông Lê Đình Chiến giải thích.

Rừng bị phá trong thời gian dài nhưng lại không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Khi phát hiện ra thì hàng chục ha rừng đã bị phá tan hoang nhưng chính quyền huyện Ea Kar lại cho rằng không bị động, bất ngờ.Để rồi, rừng Ea Kar đã và đang mất đi trong sự bất lực của chủ rừng, trong sự bất thường của chính quyền, ngành chức địa phương khi xử lý những vụ phá rừng./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tham-nhap-diem-nong-pha-rung-ea-kar-1054161.vov