Thâm nhập 'chợ' mua bán tiền ảo giữa Hà thành (2): Tỉ phú tiền ảo, con nợ tiền thật

Sau thời gian tham gia vào sàn giao dịch tiền ảo, nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc mà không có khả năng thu hồi. Truy cập vào hệ thống, chúng tôi cũng không tìm thấy thông tin nào thể hiện yếu tố pháp lý, lợi nhuận của chủ sàn ngoài giới thiệu một số chức năng kinh doanh…

Chị L.V.A (33 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng vì không thể thu hồi lại vốn sau khi tham gia sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin. Ảnh: Cao Tuân

Nguy cơ trắng tay

Như Báo GĐ&XH thông tin, hoạt động kinh doanh đồng tiền Bitcoin (loại tiền tệ kỹ thuật số được trao đổi qua Internet) lan rộng tại Hà Nội trong thời gian gần đây. Với quảng cáo sinh lời cao, những sàn giao dịch điện tử nhanh chóng thu hút sự tham gia của nhiều người, nhất là tầng lớp tri thức.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động kinh doanh tiền ảo đều có kẻ thắng, người thua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực, nhất là khi người thua thiệt cố gắng tìm cách thu lại nguồn vốn và tài sản bị mất với hình thức ngày càng đa dạng. Trong số này, sự xuất hiện đồng tiền ảo như Bitcoin là những điển hình.

Anh N.C.T (39 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi tham gia sàn giao dịch đồng tiền Bitcoin từ tháng 5/2016. Thời điểm đó, tỉ giá trung bình ở mức 10 triệu đồng/Bitcoin, đến tháng 7 vừa qua, tỉ giá đã tăng lên 12 triệu đồng/Bitcoin khiến tôi thấy rất hào hứng. Tôi nghĩ tỉ giá sẽ còn tăng cao nên tôi đã vay tiền đầu tư gần 1 tỉ vào đồng tiền này. Thế nhưng gần đây, chẳng hiểu sao sàn báo lỗi khiến tôi không giao dịch được. Giờ tôi đang hoang mang vì số nợ ngày càng tăng mà tiền đầu tư chẳng thể rút lại được”.

Cùng chung nỗi lo lắng, chị L.V.A (33 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: “Khi tư vấn cho tôi, các nhân viên của Bitcoin đều khẳng định rằng hệ thống Bitcoin rất chuyên nghiệp, thuận tiện cho việc mua bán. Tuy nhiên gần đây, tôi không nhận được lệnh giao dịch chuyển về trên hệ thống. Khi tôi thắc mắc thì những người lôi kéo tôi tham gia trước đó bảo rằng phải mua thêm Bitcoin để gối lệnh (lúc này một Bitcoin giá khoảng 14 triệu đồng). Tôi đã vay nhiều tiền để đầu tư rồi giờ không còn khả năng về tài chính. Giờ tôi muốn bán lại số Bitcoin còn lại trong tài khoản để thu hồi vốn thì tá hỏa thực tế nhiều người cũng đang cần bán mà chẳng ai muốn mua”.

Vừa nói, chị V.A vừa vào tài khoản giao dịch trên hệ thống máy chủ Bitsun cho chúng tôi xem. Theo quan sát, sàn giao dịch này không rõ danh tính, năng lực tài chính của nhà cái. Trong mọi hoạt động mua bán tiền ảo cũng không thể hiện yếu tố pháp lý, lợi nhuận của chủ sàn ngoài một số thông tin giới thiệu chức năng kinh doanh.

Tối 12/10, chị V.A tiếp tục liên lạc với Nguyễn Trà G và một số người trong nhóm tư vấn hỗ trợ nhà đầu tư BitSun tại Hà Nội, phản ánh việc tài khoản không giao dịch được. Khi chị V.A ngỏ ý muốn bán số Bitcoin còn lại trong tài khoản để “dừng cuộc chơi” thì không lâu sau đó, tài khoản giao dịch của chị V.A bị khóa.

“Để đầu tư vào đây tôi đã phải lấy toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình, giờ tài khoản bị khóa đồng nghĩa với việc tôi mất trắng tiền đầu tư. Thực sự bây giờ tôi rất lo lắng, muốn kiện để đòi lại tiền cũng chẳng biết kiện ai vì việc mua bán đều giao dịch qua mạng Internet chứ không có hóa đơn, chứng từ gì”, chị V.A buồn rầu.

Lộ diện “bánh vẽ”

Người chơi sàn giao dịch tiền ảo họp nhóm tối 12/10 tại Hà Nội.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về vấn đề trên, ông Nguyễn Như Hòa, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh Online tại Hà Nội cho biết: “Hoạt động kinh doanh đồng tiền ảo hiện nay theo mạng lưới đa cấp. Nghĩa là lợi nhuận được lấy từ người sau sang túi người trước. Khi người chơi muốn dừng và lấy lại số tiền đã đầu tư là cực kỳ khó. Nhiều sàn cũng lợi dụng tình trạng này để tuyên bố phá sản nhằm “bùng” tiền của khách hàng. Chưa kể, với loại hình kinh doanh này, các “chìa khóa cá nhân” đều nằm trên mạng hay trong ổ cứng máy tính, nếu máy tính hỏng hay tài khoản bị hack thì toàn bộ tiền mất hết”.

“Phải nói rõ rằng với loại hình kinh doanh này, nếu xảy ra tranh chấp thì không có cơ sở pháp lý để phân xử. Vấn đề nguy hiểm lớn nhất là sau khi giao dịch điện tử, người chơi vài lần được trả lãi đúng thời hạn. Khi thấy có lãi nhiều, người chơi tiếp tục vay mượn hay bán tài sản để mua - gửi thêm nhằm kiếm lợi nhuận nhiều hơn. Khi sàn xảy ra sự cố, chỉ có người chơi lãnh hậu quả vì không được pháp luật bảo vệ”, ông Hòa nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng chính thức về việc không công nhận sử dụng tiền ảo Bitcoin và các giao dịch tương tự. Theo đó, Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng Internet ngang hàng. Sự xuất hiện của Bitcoin đã gây nhiều rủi ro cho người sử dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng lưu ý, các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh thì cho rằng: “Dùng tiền thật để mua tiền ảo, rồi lợi nhuận tăng khi tiền ảo tăng giá và nhận hoa hồng, tiền thưởng khi kêu gọi thêm được người đầu tư cùng chơi... Thực ra là lấy tiền người sau trả hoa hồng cho người trước. Đến khi không cầm cự được thì tất yếu là hệ thống sẽ bị vỡ và người chơi sẽ chịu thiệt đơn, thiệt kép”.

Bên cạnh đó, ông Khánh cho biết: Những người cầm đầu luôn biết rằng cách dễ dàng nhất để lôi kéo mọi người tham gia chơi tiền ảo là đánh vào lòng tham của họ. Với những lời quảng cáo kiểu mật ngọt như “bạn chẳng cần làm gì cũng trở thành người giàu, tâm huyết mang đến sự giàu có cho người dân Việt”, “bạn sẽ giàu lên nhanh chóng mà không hiểu vì sao”… Chưa hết, những kẻ lừa đảo còn trưng ra những hồ sơ, tài khoản ảo mà trong đó số dư luôn ở mức vài tỉ đồng.

“Nếu thực sự tiền ảo đem lại lợi nhuận cao như vậy thì giới kinh doanh tài chính, chứng khoán đã sớm tham gia rồi, chứ không có chuyện thấy kiếm được nhiều tiền dễ dàng như vậy mà họ quay lưng với loại tiền này. Những người hiểu biết thì họ thấy khoản lợi nhuận khủng thực chất chỉ là bánh vẽ mà thôi”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

11 ngày chiếm đoạt hàng tỉ đồng

Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 – Bộ Công an) vừa phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ cùng cơ quan chức năng phá chuyên án website huy động vốn để giao dịch tiền ảo theo mô hình đa cấp vào ngày 3/10.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Trung tá Lâm Văn Vinh, Trưởng phòng An ninh Kinh tế (PA81 - Công an tỉnh Phú Thọ) cho biết, qua điều tra xác định, Trần Văn Hạnh (SN 1988, Phú Thọ) thuê Phạm Văn Trường (SN 1987, Quảng Ninh) lập trang web www.gold889.com để thu hút người gửi tiền. Theo đó, người chơi sẽ chi 150.000 đồng để mua mã PIN của trang web và khi chuyển 2,6 triệu đồng, họ sẽ nhận về 4 triệu đồng sau 9 ngày tham gia. Hạnh thừa nhận chủ động đánh sập trang web khi người chơi giảm, không còn đủ tiền để chi trả như đã hứa hẹn. Mới hoạt động được 11 ngày nhưng trang web này đã huy động gần 10 tỉ đồng tiền giao dịch, chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng của nhiều người chơi.

Cao Tuân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tham-nhap-cho-mua-ban-tien-ao-giua-ha-thanh-2-ti-phu-tien-ao-con-no-tien-that-20161014080819703.htm