Thăm ngôi làng tái định cư của MAG tại Quảng Trị

Xóm Rú (thôn Trúc Khê, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), trước kia là đồn C1 của Mỹ đầy rẫy đạn, bom bi, mìn M14, nay đã có hơn 70 hộ dân sinh sống.

Xóm Rú (Đồn C1) - khu vực có hàng tấn bom đạn, đã gây bao đau thương cho người dân - nay là nhà của hơn 70 hộ dân. Ảnh: Bùi Ngọc Vũ

Xóm Rú (Đồn C1) - khu vực có hàng tấn bom đạn, đã gây bao đau thương cho người dân - nay là nhà của hơn 70 hộ dân. Ảnh: Bùi Ngọc Vũ

Xóm Rú là khu tái định cư do Nhóm tư vấn bom mìn Vương quốc Anh (viết tắt là MAG) hỗ trợ xây dựng vào năm 2002, hay còn biết đến với cái tên “Ngôi làng của MAG” như người dân địa phương thường gọi.

Được biết, xóm Rú thời chiến tranh là khu căn cứ quân sự Đồn C1 của Mỹ. Gần 20 năm về trước, nơi đây là bãi mìn dày đặc gây ra nhiều vụ tai nạn cho người dân đi tìm phế liệu sau chiến tranh.

Thời cao điểm của phong trào cưa bom lấy thuốc nổ và lấy kim loại quý là từ những năm 1991 đến năm 1996. Không chỉ những người dân trong xóm mà cả những người dân quanh vùng cũng rầm rộ “học” theo.

Những năm trước, có thời điểm giá thu mua sắt vụn đắt nên thu nhập của người dân từ nghề này khá cao. Do vậy, nghề cưa bom, mìn dù biết là cực kỳ nguy hiểm nhưng nó vẫn được coi là lựa chọn hàng đầu và gần như là duy nhất đối với những người dân nơi đây.

Trước những hiểm nguy đó, năm 1999, MAG quyết định huy động nhân lực rà phá bom mìn, giải phóng đất đai tại căn cứ C1.

Trong hơn 3 năm (1999-2002), 65 nhân viên MAG đã rà phá trên diện tích hơn 1,2 triệu m2 ở căn cứ C1, tìm thấy 2.019 vật liệu nổ bao gồm các loại mìn định hướng M18, mìn nhảy M16 và nhiều nhất là mìn sát thương cá nhân M14. Sau khi dọn sách bom mìn, MAG phối hợp với tổ chức Plan International tại Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng khu tái định cư cho người dân (gồm đường giao thông, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, 78 ngôi nhà cho 78 hộ dân, một nhà mẫu giáo và một nhà sinh hoạt cộng đồng).

Đầu tiên đội MAG rải dây theo từng ô dọc, sau đó dùng máy rà loại lớn quét qua để tìm tín hiệu vật liệu nổ, đánh dấu lại bằng những tấm sắt tam giác màu đỏ. Tiếp đến, dùng máy nhỏ để xác định vị trí chính xác rồi nhẹ nhàng làm lộ thiên và tiến hành các bước tiếp theo cho đến khi hủy nổ thành công. Ảnh: Bùi Ngọc Vũ

Gia đình chị Hoàng Thị Phương (32 tuổi) là một trong hơn 70 hộ dân đang sinh sống tại vùng đất mà cách đây vẫn đầy rẫy bom mìn. Chị kể, trước đây từng lên đồi C1 bứt tranh, lượm củi nhưng sau khi biết có người bỏ mạng vì tai nạn bom mìn tại đây, chị rất sợ và không dám lên đó lần thứ hai.

Năm 2007, vợ chồng chị lấy nhau với hai bàn tay trắng, cuộc sống rất vất vả. Sau khi thấy cuộc sống của các hộ dân tại khu tái định cư xóm Rú ổn định, chị mới dám đánh liều, xin cha mẹ cho đến đây sống.

“Lúc lên định cư ở xóm Rú, chị được phân một ngôi nhà vững chãi, có sẵn giếng khoan, điện cùng 3.000 m2 vườn để canh tác. Nhờ vậy, chúng tôi mới quyết tâm ở lại và lập nghiệp tại đây”, chị Phương kể lại.

Sau đó hai vợ chồng chị chăm chỉ canh tác, trồng mít và nhiều loại cây ăn quả khác, buôn bán hàng tạp hóa, và nhiều nghề khác để có thêm thu nhập. Sau hơn 10 năm, tuy thu nhập chưa dư dả nhưng cũng đủ để gia đình bốn người của chị ổn định.

Khác với vợ chồng chị Phương đến sống ở xóm Rú khi đã “sạch” bom, nhà chị Hoàng Thị Hải Lý (49 tuổi) đã lên xóm Rú dựng nhà, khai hoang đất sinh sống từ năm 1997 – một trong những cư dân đầu tiên ở đây. “Bom bi, mìn M14 nổi trên mặt đất,” chị Lý nhớ lại. “Tôi đã cuốc trúng hàng chục quả bom bi, may mà không quả nào nổ.”

Sau khi nhân viên của MAG đến rà phá bom mìn năm 1999, nhà chị Lý là nơi được chọn rà phá đầu tiên và phát hiện đến 70 quả bom bi quanh nhà.

Thấy hoàn cảnh gia đình chị Lý khó khăn, tổ chức MAG đã gợi ý chị nộp hồ sơ dự tuyển vào làm ở đội MAG hoạt động ở địa bàn. Sau quá trình phỏng vấn, tập huấn chị Lý được nhận vào làm nhân viên kỹ thuật của đội MAG 4, đến nay đã được 18 năm. Nhờ mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, dù còn vất vả nhưng ba con của chị đều được ăn học đàng hoàng. Hiện con gái đầu của chị Lý đang học ở Nhật Bản, cậu trai thứ hai là sinh viên năm 2 Đại học Kiến trúc Đà Nẵng còn con trai út đang học lớp 8.

Theo số liệu từ Đơn vị Cơ sở dữ liệu về hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị (DBU), trong 6 tỉnh miền Trung Việt Nam, tỉnh Quảng Trị có mức độ ô nhiễm bom mìn cao nhất, chiếm khoảng 83,8% tổng diện tích đất. Đến nay, các tổ chức như MAG đã rà phá bom mìn, giải phóng an toàn 147.984.516m2 đất, hủy nổ 681.585 các loại bom đạn, giáo dục phòng tránh rủi ro bom mìn cho 388.698 người tại Quảng Trị.

Riêng MAG, sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam, đã rà được gần 100.000.000m2 đất, xử lý hơn 324.000 vật liệu chưa nổ các loại, góp phần mang lại cuộc sống an toàn và tương lai tốt đẹp hơn cho gần một triệu người dân Việt Nam.

Dù vậy, một lượng lớn vật liệu chưa nổ vẫn còn sót lại, đang từng ngày từng giờ đe dọa sự an toàn của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.

Ánh Ngọc (t/h)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tham-ngoi-lang-tai-dinh-cu-cua-mag-tai-quang-tri-86581.html