Thăm ngôi chùa nghìn tuổi nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười từng hoạt động cách mạng

Thời điểm những năm 1930, Hưng Long cổ tự không chỉ là nơi ẩn náu an toàn để hoạt động bí mật, trao đổi thông tin giữa những đồng chí cách mạng với nhau mà còn là 'kho thóc' quý giá nhờ sự giúp đỡ của các phật tử.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917 tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông sớm giác ngộ cách mạng, và tham gia phong trào Mặt trận bình dân và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23h12 ngày 1/10/2018 (tức ngày 22/8 năm Mậu Tuất) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Ngày 6/10/2018, song song với lễ Quốc tang được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), rất đông người dân đã về quê nhà của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.

Rất đông người dân đã dành thời gian thăm ngôi nhà cấp 4 đơn sơ ở thôn 3, xã Đông Mỹ - nơi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh ra và lớn lên.

Ngôi nhà cấp 4 nơi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã sinh ra và lớn lên.

Ngôi nhà cấp 4 nơi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã sinh ra và lớn lên.

Trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Duy Yên (cháu ruột của nguyên Tổng Bí thư) cho biết, ngôi nhà này vẫn giữ được gần như nguyên trạng so với ban đầu, chỉ tu sửa lại những chỗ bị hỏng nặng như tường, mái...

Dấu ấn của nguyên Tổng Bí thư còn hiện diện ở nhiều nơi trong xã như nhà ông Nguyễn Hữu Bằng (thôn 2) - nơi nguyên Tổng Bí thư được kết nạp Đảng.

Nhà thờ họ Nguyễn Duy vào những năm 1939 - 1941 có căn hầm bí mật - địa điểm hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, cất giấu vũ khí, tài liệu, họp bàn phong trào kháng chiến…

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một lần về thăm chùa Hưng Long. Ảnh tư liệu

Chùa Hưng Long, ngôi chùa hơn 1.000 năm tuổi là nơi nguyên Tổng Bí thư sinh hoạt Đảng và hoạt động cách mạng.

Theo lời kể của các cụ cao niên, thời điểm những năm 1930, các Phật tử trong chùa hết lòng giúp đỡ hoạt động cách mạng cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Đây không chỉ là nơi ẩn náu an toàn để hoạt động bí mật cung cấp, trao đổi thông tin giữa những đồng chí cách mạng với nhau mà còn là nơi nương tựa vững chắc với những cán bộ cách mạng, “kho thóc” quý giá của các anh em đồng chí.

Năm 1929, chi hội cách mạng Việt Nam cách mạng Thanh Niên đầu tiên của huyện Thanh Trì ra đời. Tháng 5/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đông Trù được thành lập. Tối 17/8/1945, tại cổng Tam quan của chùa, Ủy ban khởi nghĩa Đông Phù được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Đây là ngôi chùa được khởi dựng từ năm 1011 do chính vua Lý Thái Tổ ban chiếu và cấp tiền xây dựng.

Sau khi chi hội cách mạng được thành lập, các đồng chí cách mạng hoạt động trong chùa để tránh sự nhòm ngó từ quân thù.

Ngày ấy, xung quanh khu vực Đông Phù là đồng ruộng, quang cảnh hoang vắng, ở giữa khu vực vắng là một cái gò cao, hình dáng giống con rùa xung quanh cây cối mọc lên um tùm nên tránh được sự truy lùng của quân địch, thích hợp cho hoạt động cách mạng bí mật.

Trụ trì Thích Minh Tiến cho biết, trước đây, khi sức khỏe còn tốt, mỗi khi có dịp lễ Tết, cụ Đỗ Mười thường về thăm nhà, thăm con cháu rồi ghé qua thăm chùa.

Toàn cảnh chùa Hưng Long nhìn từ tam quan.

Đặc biệt, mỗi lần về thăm hỏi, cụ Mười đều động viên tăng ni phật tử tích cực hoạt động để làm sao đóng góp vào sự phát triển, ổn định của địa phương.

Nhiều cán bộ, lãnh đạo cách mạng và nhiều chiến sĩ cộng sản đã từng sống, chiến đấu dưới sự đùm bọc, ủng hộ, bảo vệ tận tình của nhiều tăng ni, phật tử, nhiều chùa có phong trào phật giáo yêu nước. Vì vậy, cụ không quên căn dặn các tăng ni, cư sĩ, phật tử cùng đồng bào tôn giáo khác tiếp tục sống tốt đời đẹp đạo để không ngừng cống hiện cho sự phát triển của đất nước.

Cao Tuân – Ngọc Tuấn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tham-ngoi-chua-nghin-tuoi-noi-nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-tung-hoat-dong-cach-mang-20181006164028628.htm