Tham mưu và huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho quân đội

Cách đây 45 năm, ngày 20-3-1975, trước yêu cầu cấp bách về công tác bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), vật tư phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) đã ký Quyết định số 44/QĐ-TM thành lập Cục Vật tư, tiền thân của Cục Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày nay, trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Từ đó, ngày 20-3 trở thành Ngày truyền thống của Cục KH&ĐT.

Là cơ quan tham mưu chiến lược, quản lý đầu ngành toàn quân về trang bị cho quân đội, ngay năm đầu thành lập, Cục Vật tư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm kịp thời, đầy đủ VKTBKT, vật tư quân sự cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Cục Vật tư kịp thời tham mưu giúp BQP chỉ đạo, triển khai thu hồi, quản lý vật tư chiến lợi phẩm; xây dựng kế hoạch, tiếp nhận viện trợ quân sự từ các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em; tổ chức khai thác, cung ứng nguồn vật tư phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), xây dựng quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Khi nguồn viện trợ nước ngoài không còn, để bảo đảm yêu cầu huy động các nguồn lực đầu tư cho quân đội, ngày 24-12-1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 249/1998/QĐ-TTg thành lập Cục KH&ĐT thuộc BQP, trên cơ sở tổ chức lại Cục Vật tư. Trong suốt chặng đường vừa qua, Cục KH&ĐT đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ cơ quan tham mưu chiến lược giúp Quân ủy Trung ương (QUTƯ), BQP về tổng hợp, quản lý, xây dựng kế hoạch bảo đảm cho quốc phòng và đầu tư phát triển cho quân đội. Cục đã nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế điều hành, quản lý và thực hiện công tác KH&ĐT trong BQP, phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước, tạo dựng hành lang pháp lý cho công tác huy động nguồn lực, quản lý đầu tư đúng quy định và đáp ứng đặc thù quốc phòng. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác KH&ĐT; tham mưu cho BQP tăng cường phân cấp, ủy quyền; công khai, minh bạch trình tự, thủ tục đầu tư; chấn chỉnh và tăng cường công tác thẩm định dự án đầu tư, giám sát đánh giá đầu tư; thương mại quân sự... tạo bước đột phá về cải cách thủ tục đầu tư và công tác đấu thầu trong quân đội.

 Đoàn công tác Cục Kế hoạch và Đầu tư-Bộ Quốc phòng kiểm tra dự án công trình cầu cảng Vùng 1 Cảnh sát biển. Ảnh: XUÂN HIẾU

Đoàn công tác Cục Kế hoạch và Đầu tư-Bộ Quốc phòng kiểm tra dự án công trình cầu cảng Vùng 1 Cảnh sát biển. Ảnh: XUÂN HIẾU

Trong điều kiện khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ngày càng phát triển, công tác KH&ĐT đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng từng giai đoạn và khả năng bảo đảm của Nhà nước. Cục thực hiện tốt công tác nghiên cứu dự báo, chủ động tham mưu giúp QUTƯ, thủ trưởng BQP đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều cơ chế, huy động nguồn lực cho quốc phòng. Quân đội đã triển khai được nhiều đề án, chương trình trọng điểm về: VKTBKT hiện đại; xây dựng, củng cố các công trình phục vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển; xây dựng đường tuần tra biên giới; đồn, trạm biên phòng, khu kinh tế-quốc phòng; xây dựng các cơ sở doanh trại quân đội và tiềm lực quốc phòng.

Công tác quản lý thương mại quân sự đã có sự phát triển nhiều mặt; đã xây dựng cơ chế quản lý thương mại quân sự phù hợp với đặc điểm từng thời kỳ; có bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính trong xử lý thủ tục xuất, nhập khẩu, hải quan, miễn thuế. Nhờ đó, từ chỗ quan hệ thương mại quốc phòng chủ yếu với một số nước truyền thống, đến nay đã mở rộng quan hệ với hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, cục đã tham mưu cho bộ tham gia có hiệu quả trong đàm phán song phương, đa phương và đa biên, tiêu biểu như: Tham gia đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan (LB Nga, Belarus và Kazakhstan)... được Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đánh giá cao và tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Bên cạnh đó, cục đã tham mưu cho bộ thực hiện tốt và có hiệu quả công tác dự trữ quốc gia trong quốc phòng, công tác thống kê, tổng điều tra, thanh xử lý vật tư cấp 5 trong quân đội...

Trong thời gian tới, Cục KH&ĐT tiếp tục nỗ lực làm tốt chức năng cơ quan tham mưu chiến lược đầu ngành toàn quân về xây dựng KH&ĐT phát triển tiềm lực quân sự, quốc phòng. Đảng ủy, chỉ huy cục lãnh đạo, chỉ đạo ngành chủ động, nhạy bén nắm, dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu cho QUTƯ, BQP, Bộ Tổng Tham mưu trong quản lý nhà nước, triển khai công tác KH&ĐT hiệu quả. Trước hết là tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2020 và xây dựng kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025. Năm 2020 là năm có ý nghĩa quyết định trong công tác KH&ĐT giai đoạn 2016-2020 để tiến tới Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Đại hội XIII của Đảng. Kết quả Cục KH&ĐT đạt được đã góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Cục KH&ĐT được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Quân công hạng Ba, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (1 hạng Nhì và 2 hạng Ba); Thủ tướng Chính phủ tặng 2 cờ thi đua, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tham-muu-va-huy-dong-su-dung-hieu-qua-nguon-luc-dau-tu-cho-quan-doi-612638