''Thắm màu thời gian'' - Tri ân quê hương Lâm Đồng
Tròn 45 năm sinh sống và làm việc tại Lâm Đồng, năm nay khi vừa tròn 80 tuổi, tác giả Phan Hữu Giản đau đáu, ấp ủ và tiếp tục cho ra đời tập thơ 'Thắm màu thời gian'. Ông coi đây như là món quà tri ân dành tặng quê hương Lâm Đồng - nơi ông đã gây dựng sự nghiệp, vun đắp xây dựng, gắn bó cuộc đời...

Tập thơ “Thắm màu thời gian” của tác giả Phan Hữu Giản được coi như món quà tri ân quê hương Lâm Đồng
“Thắm màu thời gian” được tác giả chắt chiu, đầu tư sáng tác qua một quá trình dồn nén của nhiều cung bậc cảm xúc, thời gian của đời người. Tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, in tại Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt. Với trọn bộ 109 tác phẩm thơ được tác giả chọn lọc, sắp xếp theo từng cung bậc thời gian, gắn với cuộc đời, sự nghiệp của ông từ khi đi khai hoang lập vùng đất mới Lâm Hà theo nhiệm vụ của Thủ đô Hà Nội giao phó (năm 1976), trải qua nhiều cương vị công tác, đến nay năm 2021, ông và gia đình, họ hàng, người thân, bạn bè, đồng hương đã tâm huyết xây dựng đời sống, góp phần xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu đẹp.
Ngay từ bài thơ đầu tiên trong tập thơ mới phát hành này với tựa đề “ Đôi điều muốn ngỏ”, tác giả Phan Hữu Giản viết như để giãi bày, trải lòng với độc giả “Văn thơ đâu có dễ làm. Cũng “liều” rong ruổi trọn đam mê này… Chắc là “Duyên - nghiệp” trước sau. Gặp là yêu, đến bạc đầu… càng yêu…”. Cho đến các bài thơ “Tự bạch” , “Người Hà Nội đi xa”, tác giả luôn đau đáu nỗi niềm nhớ quê, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình khi cha và anh đã hy sinh cho Tổ quốc. Những vần thơ là tình yêu đất nước, quê hương Lâm Đồng tha thiết. Mỗi bài thơ có một kỷ niệm, nỗi niềm riêng. Nhưng ẩn sau vần thơ giản dị, mộc mạc ấy là tấm lòng chân thành, sự tri kỷ, thủy chung mà ông muốn bày tỏ qua từng con chữ...
Có nhiều độc giả cho rằng, thơ Phan Hữu Giản có màu sắc chính trị, ông cười hiền và nói “bởi con người của tôi vốn như vậy, thơ chính là hơi thở, là cuộc sống, là công việc hàng ngày của tôi - tôi muốn qua thơ để giãi bày với bạn bè, đồng nghiệp, với bà con nhân dân hiểu và cùng chia sẻ với mình trong mọi hoạt động, đời sống”.
Đọc thơ ông, độc giả hiểu hơn về hơn 40 năm trước, một thế hệ “chiết xuất từ Thủ đô” đã mang nhiệt huyết, sức trẻ và khí chất người Hà thành đi vào lòng Nam Tây Nguyên. Và suốt chừng ấy, trải qua bao cuộc bể dâu để xây dựng nên một vùng kinh tế mới trù phú, phát triển, họ vẫn giữ gìn những nét tinh túy của Hà thành, vẫn nồng nàn một tình yêu Hà Nội. Sau này, đã có nhiều chương trình nhằm kết nối cung - cầu để sản phẩm nông nghiệp của Lâm Hà tiêu thụ trên thị trường Hà Nội như cà phê, rau công nghệ cao, chuối La ba, chè ô long… Sự phát triển của Lâm Hà có sự tiếp sức không nhỏ từ phía Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội, cũng là sợi dây gắn kết vô cùng chặt chẽ, khăng khít giữa Lâm Hà với các quận, huyện của Hà Nội.
Qua trò chuyện, chúng tôi nhận ra ông là một người rất khiêm nhường, ông không dám nhận mình là “Nhà thơ” mà chỉ dám nhận là người sáng tác thơ nghiệp dư, người yêu thơ, mong tâm sự bằng thơ. Ông đến với thơ cũng thật ngẫu nhiên. Chính từ những ngày gian khó cùng thanh niên Hà Nội vào Lâm Hà xây dựng vùng kinh tế mới, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, vất vả, rồi tạo nên những thành công, bà con được mùa sản xuất đã giúp ông có những vần thơ với mong muốn qua thơ để anh em hiểu hơn và cùng làm theo. Nhiều bài thơ trong tập thơ “Thắm màu thời gian” được tác giả viết về Đà Lạt, viết từ Đà Lạt, nơi mình cống hiến, trưởng thành. Tác giả mượn thơ để nói về vẻ đẹp của nhiều vùng đất Hà Nội, Tuyên Quang, Nông trường Sông Lô, Tây Hồ, Đường Lâm - Sơn Tây, hay sau này là Lâm Hà, Bảo Lộc, Đức Trọng…. Ông bày tỏ sự xúc động và cảm ơn các vùng quê nơi ông đã đến, đi qua và dừng chân, cám ơn cuộc đời, cám ơn bạn bè thân hữu, bà con Hà Nội, Hà Tây và nhiều vùng quê khác trên quê hương Đà Lạt - Lâm Đồng. Đã có nhiều bài thơ của Phan Hữu Giản được phổ nhạc và cũng được giới thiệu trong tập thơ “Thắm màu thời gian”. Trong đó, có bài “Mải nghe chim hót” vinh dự được cố nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, “về Đà Lạt” Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc, “Bài ca trên quê hương mới” Mai Sao phổ nhạc, “Mai biển xa bờ” Đình Nghĩ phổ nhạc, “Đam Rông - vùng đất yêu thương” và “Đà Lạt - mong mãi bên người” Vi Quốc Hiệp phổ nhạc…
Thơ Phan Hữu Giản, nói như các nhà phân tích, bình luận là chất chứa tình đất, tình người sâu nặng của một người con Hà Nội dành cả thanh xuân của mình đi khai hoang mở đất. Tác giả đã chắt chiu, chọn lọc những bài thơ của mình trong suốt 45 năm công tác, gắn bó tại Lâm Đồng để cho ra các ấn phẩm gắn với từng sự kiện lịch sử của Lâm Đồng như các tập thơ: “Đất ấm tình người”, “Lâm Hà trong tôi”, “Đất ngàn hoa”… và nay là “Thắm màu thời gian” khi ông vừa tròn 80 tuổi.
Nhà thơ Trần Ngọc Trác chia sẻ: Tôi biết đến anh Phan Hữu Giản từ rất lâu, từ những ngày đầu xây dựng vùng kinh tế mới tại Lâm Hà, anh đã dành cả thanh xuân đi khai hoang lập ấp xây dựng, phát triển quê hương Lâm Đồng. Đọc thơ anh, tôi nhận ra anh lại là người nặng nợ với quê hương Lâm Hà, Đà Lạt, với Lâm Đồng. Bạn đọc nhận ra bên cạnh việc quản lý của Đảng, Nhà nước giao phó, anh còn dành thời gian sáng tác thơ, văn, dành tình cảm cho vùng đất này. Lời thơ giản dị, mộc mạc, chất chứa tình đất tình người sâu nặng của người Hà Nội.
“Thắm màu thời gian” thực sự là tập thơ nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều dấu ấn sâu sắc, những vần thơ giản dị có sức lay động lòng người. Thơ của ông đã toát lên tình yêu quê hương đất nước, quê hương Lâm Đồng tha thiết, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ ...