Tham luận tại Đại hội XIII: Phát triển công nghệ 'Make in Viet Nam' vươn tầm thế giới

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ 'Make in Viet Nam' sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia.

Tiếp tục chương trình làm việc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng 28/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội điều hành phiên thảo luận.

Sáng 28/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện. Ảnh: Thành Duy

Sáng 28/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện. Ảnh: Thành Duy

4 “LÀM CHỦ” ĐỂ TĂNG TỐC CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

Trình bày tham luận của Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập đến chủ đề: Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tham luận. Ảnh: Thành Duy

Cách đây hơn 20 năm, khi lần đầu tiên kết nối Internet, Việt Nam đã đặt những “dấu chân” đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới - không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đi được một hành trình dài trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu: Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số.

Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.

Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số được thay đổi đột biến. Năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Thành Duy

Đề cập đến các giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nêu lên 4 nội dung Việt Nam cần “làm chủ”.

Đó là hạ tầng số; các nền tảng số; không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp; công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

“Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh và phân tích thêm: Việt Nam làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, dựa trên công nghệ mở, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới.

THÚC ĐẨY HÌNH THÀNH CÁC TẬP ĐOÀN

KINH TẾ LỚN, ĐA SỞ HỮU

Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, phát biểu tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương trình bày nội dung với chủ đề: “Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO).

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương trình bày tham luận. Ảnh: Thành Duy

Việt Nam trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

Đến nay, nước ta đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Để có thể tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định".

Theo đó, trọng tâm là tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt là khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp của đất nước.

Các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Thành Duy

Nước ta cũng tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.

Tại phiên thảo luận sáng nay, các tham luận cũng đề cập đến các nội dung như: về đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên trong thanh niên; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương...

Thành Duy

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/tham-luan-tai-dai-hoi-xiii-phat-trien-cong-nghe-make-in-viet-nam-vuon-tam-the-gioi-281399.html