Tham luận đầu tiên tại Đại hội XIII của Đảng

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, xác định đội ngũ cán bộ mặt trận phải có năng lực, trình độ, tâm huyết, biết 'lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin'...

Đại hội XIII sáng nay, 27-1, bước vào ngày làm việc chính thức thứ hai, thảo luận các văn kiện. Tham luận đầu tiên được chọn trình bày là về chủ đề đại đoàn kết dân tộc.

Trình bày tham luận trước 1.587 đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc, đại biểu Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ôn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “việc gì có lợi cho dân, ta hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải dứt khoát phải tránh”. Đây là kim chỉ nan dẫn dắt, chỉ đạo MTTQ thường xuyên đổi mới, phù hợp thực tiễn.

Trong các bài học mà Bí thư Đảng đoàn MTTQ báo cáo trước Đại hội có ý tương đồng với điểm nhấn của văn kiện lần này. Theo đó, trong hoạt động của mình, MTTQ giữ phương châm thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đoàn kết gắn với đấu tranh, có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc.

Tham luận của ông Trần Thanh Mẫn cũng nhìn nhận những mặt hạn chế của chính MTTQ cũng như các tổ chức chính trị - xã hội thành viên. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ.

Trong hoạt động, có việc chưa sâu sát, thiết thực, hiệu quả, chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới. Việc phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc của dân có nơi chưa kịp thời; nhiều khi chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh, chính kiến.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, đại biểu khối mặt trận đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Cần thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho đất nước.

Ông đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo. Vận động đồng bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp trí tuệ, tài năng, nguồn lực để xây dựng đất nước.

Thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế, hình thành mặt trận rộng rãi, ủng hộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Về phía MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia hiệu quả hơn trong xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, ông Mẫn xác định đội ngũ cán bộ MTTQ phải có năng lực, trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, biết "lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin".

Trong phiên khai mạc sáng qua (26-1), “đại đoàn kết” được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc tới tám lần trong phần trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện. Đây là một thành tố, được đặt ở vị trí cao trong của chủ đề Đại hội XIII. Đại đoàn kết cũng được Trung ương xác định là một phần động lực, nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước.

Đây là một trong năm quan điểm chỉ đạo, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XII yêu cầu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần quán triệt trong cả nhận thức và hành động thực tiễn.

Cụ thể: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

NGHĨA NHÂN - THU NGUYỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tham-luan-dau-tien-tai-dai-hoi-xiii-cua-dang-963975.html