THAM LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TẠI HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC TRONG KHUÔN KHỔ AIPA 41

Tại Hội nghị quốc tế về Hợp tác văn hóa, giáo dục trong khuôn khổ AIPA 41 được tổ chức vào chiều ngày 30/7 ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã có bài phát biểu tham luận. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Kính thưa Ngài Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa các vị Lãnh đạo, Trưởng đoàn Nghị viện các quốc gia thành viên ASEAN,

Kính thưa Quý vị đại biểu,

Trong khuôn khổ sự kiện ngày hôm nay, với vai trò lãnh đạo Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Việt Nam, tôi chia sẻ một số ý kiến liên quan đến thực trạng công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN gắn với hợp tác phát triển du lịch bền vững, nguồn lực và kiến nghị, giải pháp như sau:

Đến nay, khu vực ASEAN có 37 di sản đã được UNESCO ghi danh, gồm 23 di sản văn hóa, 13 di sản thiên nhiên, và 1 di sản văn hóa-thiên nhiên, trong đó, Việt Nam có 05 di sản văn hóa, 02 di sản thiên nhiên và 01 di sản văn hóa-thiên nhiên duy nhất của toàn khu vực. Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa thời gian qua, các nước ASEAN đã đạt được nhiều kết quả thiết thực thông qua nhiều hình thức hợp tác đa dạng, bao gồm xây dựng, thực hiện các khuôn khổ pháp lý trong việc bảo vệ các di sản văn hóa, thực hiện các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa; triển khai các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong khu vực ASEAN bằng nhiều hình thức đa dạng.

Hội nghị quốc tế về Hợp tác văn hóa, giáo dục AIPA 41 được tổ chức tại Việt Nam.

Việc kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN với hợp tác phát triển du lịch bền vững được các nước ASEAN đặc biệt đề cao, được thực hiện thông qua sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các quốc gia thành viên ASEAN cùng sự phối hợp và nguồn lực của nhiều quốc gia, tổ chức đối tác khác. ASEAN là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương. Hầu hết, các nước thành viên ASEAN đều chú trọng phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Năm 2019 khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 170,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018. Trao đổi khách nội khối ASEAN chiếm 37% tổng lượng khách đến khu vực cho thấy tầm quan trọng của thị trường gần với mỗi nước ASEAN.

Việt Nam tích cực tham gia vào công tác xúc tiến kết nối di sản khu vực và đã tổ chức Hội nghị Du lịch ASEAN với chủ đề “Kết nối di sản thế giới ASEAN trong thời đại số” trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch 2019 tại Hạ Long. Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững hiện nay gặp phải thách thức khi nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đang phải đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến đổi khí hậu, sự phát triển xã hội... Việt Nam và nhiều quốc gia sở hữu di sản thế giới phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa phát triển và bảo tồn trong điều kiện phát triển đô thị và công nghiệp ngày càng gia tăng.

Về nguồn lực, kiến nghị và giải pháp, xác định vai trò, tầm quan trọng của di sản văn hóa là một trong các loại tài nguyên để phát triển du lịch, cũng như mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam và các nước ASEAN luôn coi trọng nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngày nay, khái niệm về bảo tồn di sản được hiểu theo hướng “bảo tồn tích cực”, nghĩa là đưa di sản vào phục vụ cuộc sống. Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã được xác định không chỉ là việc của các cơ quan văn hóa mà cần có sự tham gia trực tiếp của người dân và phải gắn với lợi ích của cộng đồng. Người dân - chủ thể văn hóa, là người đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn một cách bền vững di sản văn hóa.

Trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, việc phát huy các tiềm năng du lịch của di sản văn hóa ASEAN không chỉ dừng lại ở phát triển bền vững để bảo tồn các giá trị của di sản, mà còn phải đảm bảo lợi ích kinh tế của các quốc gia, cộng đồng. Trong chiến lược phát triển, nguồn lực cho bảo tồn và kết nối di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững được xác định bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực kinh tế. Tuy nhiên, các nguồn lực này chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, tạo ra những thách thức trong phát triển bền vững. Các nước ASEAN chưa thực sự có đủ điều kiện đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong đợi của các nước.

Nhằm mục đích triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như sau:

- Tích cực, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Cộng đồng ASEAN.

- Đề xuất hình thành tổ chức Hiệp hội bảo tàng các nước ASEAN, thành viên của Hiệp hội bảo tàng - ICOM quốc tế, thiết lập mạng lưới hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý di sản văn hóa.

- Xây dựng những trung tâm đào tạo về công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di sản mang tầm quốc tế.

- Để kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN, cần có những hành động tích cực và chủ động từ các quốc gia thành viên, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để hình thành mạng lưới kết nối các di sản thế giới ASEAN thông qua phương tiện kỹ thuật, công cụ phù hợp.

- Kiến nghị Nghị viện các nước thành viên ASEAN xem xét, thông qua khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa hợp tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN vì mục tiêu phát triển bền vững./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47337