THAM LUẬN CỦA ĐOÀN VIỆT NAM TẠI HỘI NGHỊ ĐỐI TÁC NGHỊ VIỆN VỀ HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (AIPA-ECC)

Thay mặt Đoàn Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa đã có bài tham luận tại Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững (AIPA-ECC).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa tham luận tại Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững (AIPA-ECC).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa tham luận tại Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững (AIPA-ECC).

Theo Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa, chúng ta đang sống trong một thế giới đã khác trước rất nhiều và ngày càng bất định. Cách đây 5 năm, thế giới đã chuyển từ việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ sang các Mục tiêu phát triển bền vững. Mười bảy mục tiêu phát triển bền vững SDG mà các nước thành viên Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua và cam kết thực hiện phản ánh một nhận thức chung rằng thế giới đã và đang đứng trước những thách thức của sự phát triển không bền vững trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.

Nhưng không chỉ có vậy, năm 2016, từ Diễn đàn kinh tế thế giới, chúng ta hiểu rằng thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) với những tác động cơ bản và sâu xa đến đời sống của mỗi người chung ta. Trong khi lời giải của bài toán vẫn đang còn ở phía trước thì đại dịch covid-19 ập đến. Nó chưa đi qua, nhưng đã đủ để khiến chúng ta nhận thức rằng thế giới đã thay đổi và chúng ta đang bước vào một thế giới bình thường mới. Trong thế giới này, chúng ta bắt đầu nghĩ khác, sống khác, học khác, giao tiếp khác và làm việc khác.

Toàn cầu hóa đã làm lu mờ đường biên giới quốc gia, thu hẹp khoảng không gian trên các khía cạnh của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa thế giới. Hội nhập để phát triển, hợp tác nhằm tạo nên sức mạnh để thay đổi, thích ứng với một thế giới mới là rất cần thiết, đặc biệt là các nước đang phát triển như đa số thành viên ASEAN chúng ta.

Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh, các nước ASEAN nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cũng là nơi giao thoa hội tụ các nền văn hóa đặc sắc của thế giới. Sự đa dạng văn hóa trong khu vực góp phần kết nối, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, đóng góp vào ổn định, hòa bình và phát triển trong khu vực, và tiếp tục sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, là nền tảng cơ bản để chúng ta cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung ASEAN tốt đẹp hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa.

Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa khẳng định, Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững” để cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA, tạo hành lang pháp lý cho bước phát triển mới về hợp tác giáo dục, văn hóa giữa các nước ASEAN vì sự phát triển bền vững của khu vực.

Trong bước tiến của hội nhập khu vực ASEAN, hướng đến “Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một cộng đồng” giáo dục, văn hóa cũng đã có bước tiến đáng kể.

Về văn hóa, ngay từ khi thành lập, ASEAN đã chú trọng tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa trong ASEAN và ngoài khu vực. Ngày nay ASEAN đang xây dựng một cộng đồng văn hóa-xã hội, do đó ASEAN, càng cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, cần huy động các nguồn khác nhau kể cả nhân lực, vật lực, trí lực để duy trì và làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa rất quan trọng này.

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030. Trong công tác hợp tác, bảo tồn di sản văn hóa thời gian qua, các nước ASEAN đã đạt được những kết quả thiết thực thông qua nhiều hình thức hợp tác như: Hợp tác thực hiện các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa; triển khai các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong khu vực ASEAN; hợp tác về nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa; trao đổi thông tin tư liệu; tổ chức trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác di sản văn hóa.

Công tác phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với bảo tồn và phát triển bền vững được ASEAN thực hiện thông qua sự hợp tác của các quốc gia thành viên ASEAN cùng sự phối hợp và nguồn lực của nhiều quốc gia, tổ chức đối tác khác. Việt Nam tích cực tham gia vào công tác xúc tiến kết nối di sản khu vực khi tổ chức Hội nghị Du lịch ASEAN với chủ đề “Kết nối di sản thế giới ASEAN trong thời đại số” nhân dịp Diễn đàn Du lịch 2019 tại Hạ Long; đồng thời, kết hợp với một số nước trong khu vực hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn..

Về giáo dục, tại Diễn đàn giáo dục ASEAN tổ chức tại Hà Nội (2007), các đại biểu đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung "Thăng Long - Hà Nội về không gian giáo dục ASEAN". Năm 2008, sáng kiến hài hòa hóa GDĐH hướng tới một không gian GDĐH ASEAN trong cộng đồng kinh tế ASEAN đã được các Bộ trưởng giáo dục thông qua tại cuộc họp Hội đồng SEAMEO.

Mục tiêu phát triển bền vững 4 đã nhấn mạnh giáo dục có chất lượng với việc thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình, không bạo lực, tôn vinh sự đa dạng của văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào việc phát triển bền vững.

Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững (AIPA-ECC).

ASEAN đã có Nghị quyết số 6GA/RES.8/83 hợp tác ASEAN về văn hóa; Nghị quyết ngày 19 tháng 9 năm 2014 về thúc đẩy vai trò Nghị viện trong phát triển giáo dục nghề nghiệp và nguồn nhân lực có kỹ năng phục vụ cho quá trình hội nhập của thị trường lao động ASEAN; Nghị quyết ngày 11 tháng 9 năm 2015 về thúc đẩy giáo dục đại học ASEAN hướng tới một cộng đồng ASEAN toàn diện.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa, hiện chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý của AIPA để thể chế hóa chính sách về các vấn đề có liên quan về hợp tác văn hóa, giáo dục ASEAN.

Công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững hiện nay gặp phải thách thức khi nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đang phải đối mặt không ít ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến đổi khí hậu; thách thức giữa phát triển và bảo tồn. Trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, việc phát huy các tiềm năng du lịch của di sản văn hóa ASEAN vừa phải đảm bảo phát triển bền vững, bảo tồn các giá trị đồng thời đảm bảo lợi ích kinh tế. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho ngành du lịch, đòi hỏi sự sáng tạo để thúc đẩy những khám phá mới và cần thiết tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao chất lượng du lich.. rất cần thiết có khung pháp lý hợp tác.

Giáo dục từ xa, trực tuyến và mở được coi là các phương thức giáo dục quan trọng để góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG4. Đó là “Bảo đảm giáo dục bao trùm, bình đẳng, chất lượng, và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời (HTSĐ) cho mọi người”. Trong Khung hành động giáo dục 2030 việc phát triển giáo dục từ xa, tăng cường đào tạo trực tuyến... được đề cập đến nhiều lần với tư cách là các nhiệm vụ và giải pháp mà các quốc gia cần phối hợp hành động để nâng cao tính tiếp cận, bình đẳng, chất lượng và phù hợp của giáo dục. Có điều, cho đến trước đại dịch covid-19, giáo dục từ xa, trực tuyến và mở vẫn thường được nhìn nhận như các phương thức giáo dục không chính quy để hỗ trợ cho dòng chẩy chính là giáo dục chính quy, với không gian trường lớp xác định, thời gian học tập nhất định, và phương pháp dạy và học mặt đối mặt.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa cho rằng, một mô hình mới của giáo dục đang trên đường hình thành, trong đó các ranh giới giữa giáo dục chính quy và không chính quy, giữa giáo dục ban đầu và giáo dục tiếp tục, đang bị xóa nhòa. Mô hình này kéo theo những bước chuyển quan trọng về giáo dục. Thứ nhất là bước chuyển từ coi trọng bằng cấp sang coi trọng kỹ năng, khi mà các chủ lao động ngày càng có xu hướng tuyển dụng nhân sự không phải trên cơ sở bằng cấp mà chủ yếu dựa vào bộ hồ sơ kỹ năng mà người lao động đã học tập và tích lũy được. Thứ hai là bước chuyển về thời gian đào tạo, khi mà nhiều trường đại học trên thế giới đã nghĩ tới việc thay thế chương trình 4 năm bằng chương trình 60 năm nhằm đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người học. Thứ ba là bước chuyển về không gian học tập khi mà người học tại Hà Nội vẫn có thể theo học một khóa học về Quản lý công chẳng hạn tại Đại học Quốc gia Singapore.

Với các bước chuyển trên, giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến, giáo dục mở đem lai cho người học những lợi ích to lớn trên nhiều phương diện, bao gồm tiếp cận giáo dục miễn phí hoăc chi phí thấp; thụ hưởng giáo dục có chất lượng; thực hiện liên thông giáo dục, bao gồm liên thông dọc, liên thông ngang, liên thông quốc tế; bảo đảm tốt hơn công bằng trong giáo dục; hiện thực hóa HTSĐ.

Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ dàng để có được các lợi ích trên. Các nước đang phát triển đều đứng trước các thách thức về tri thức cần thiết, về năng lực thực hiện và về hạ tầng kỹ thuật. Một trong những giải pháp chính để vượt qua các thách thức này là đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục, trước hết là hội nhập khu vực về giáo dục. Hoặc nữa là, trong khi Liên minh Châu Âu có tuyên bố chính thức về khung pháp lý, chính sách và lộ trình xây dựng không gian GDĐH Châu Âu thì ASEAN chưa có được điều đó. Đề xuất về không gian GDĐH ASEAN chỉ dừng lại ở một tuyên bố của các bộ trưởng giáo dục ASEAN hoan nghênh đề xuất này. Từ đó đến nay những trao đổi về chính sách và học thuật liên quan đến việc xây dựng không gian GDĐH chung xem ra vẫn còn chưa đạt được tới một nhận thức cần thiết để có thể ban hành một chính sách ở cấp độ ASEAN. Một khung pháp lý do AIPA để thể chế hóa chính sách càng là vấn đề chưa được bàn tới. Đây là một vấn đề thực tiễn rất cần được bàn bạc thấu đáo để tiến tới một cơ chế hợp tác theo cả hai chiều, từ dưới lên và từ trên xuống.

Vì thế, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa cho rằng, dù đã có một số bước tiến đáng kể, nhưng con đường để đến với không gian văn hóa, giáo dục ASEAN vẫn còn rất dài ở phía trước.

Nhìn từ góc độ của các vấn đề đặt ra như trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, với tư cách là cơ quan trong bộ máy lập pháp và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa, giáo dục của Quốc hội Viêt Nam có một số đề xuất sau với mục đích phát huy vai trò của AIPA trong việc tạo dựng một khuôn khổ pháp lý chung để tăng cường sự hợp tác khu vực về giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững:

Một là, cần thiết tổ chức Hội nghị thường niên của AIPA trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và trong hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Trước hết, thực hiện mục tiêu SDG 4 trong bối cảnh hình thành mô hình giáo dục mới, trong đó giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến, giáo dục mở trở thành các phương thức giáo dục đan xen với giáo dục chính quy để bảo đảm giáo dục là bao trùm, bình đẳng, chất lượng, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời.

Hình thành cơ chế hợp tác khu vực nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo tồn, kết nối di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Hai là, thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA trong việc xây dựng và hoàn thiện luật pháp văn hóa, giáo dục; tạo hành lang pháp lý cho việc liên thông giáo dục trong khối ASEAN và các hình thức đào tạo mới từ xa, trực tuyến để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và tình hình mới.

Đồng thời, khuyến nghị nghị viện các nước hài hòa hóa pháp luật, áp dụng chính sách công nhận lẫn nhau nhằm tạo tiền đề cho việc hợp tác, trao đổi lĩnh vực văn hóa, giáo dục trong phát triển bền vững.

Ba là, phát huy vai trò của AIPA trong việc khuyến nghị để ASEAN và các chính phú thành viên xây dựng cơ chế hợp tác trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào việc thực hiện mục tiêu SDG4 trên cơ sở tạo lập một nền tảng tri thức chung cùng các yêu cầu về năng lực và nguồn lực cần thiết để đổi mới mô hình phát triển giáo dục thích ứng với bối cảnh hậu covid-19 cùng những thách thức và cơ hội của cuộc CMCN4, góp phần thiết thực thực hiện Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN 2025.

Gắn kết giữa thành viên AIPA với các cơ chế hợp tác khu vực hiện có về văn hóa, giáo dục, như Tổ chức các bộ trưởng giáo dục ASEAN (SEAMEO) và Hội đồng Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN (ASCC);

Bốn là, hoàn thiện cơ chế giám sát của AIPA để thúc đẩy ASEAN nói chung, các chính phủ thành viên nói riêng thực hiện các cam kết khu vực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Trước mắt là cam kết về sự công nhận lẫn nhau về trình độ và văn bằng thông qua việc kết nối các Khung trình độ quốc gia với Khung tham chiếu AQRF.

Năm là, chia sẻ, thông tin các điển hình và bài học giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong huy động và phát huy nguồn lực cho phát triển giáo dục và văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Sáu là, khuyến nghị xây dựng bản đồ di sản văn hóa để bảo tồn toàn vẹn không gian và văn hóa dân tộc mình. Đồng thời, xây dựng con đường di sản văn hóa nhằm kết nối giao lưu các nền văn hóa ASEAN, bảo tồn tính đa dạng văn hóa vốn được cho là điều kiện của sự phát triển bền vững của hòa bình, an ninh ở qui mô quốc gia, khu vực và quốc tế.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47460