Thăm làng 'xuất ngoại'

Khoảng 5 năm trở lại đây, xã Đông Khê (Đông Sơn) thường được nhắc đến là 'xã xuất khẩu lao động' (XKLĐ) và nhiều người dân sinh sống ở những vùng lân cận thường gọi bằng cái tên thân mật là làng 'xuất ngoại'. Bởi, đây là địa phương có số người đi XKLĐ nhiều nhất của huyện Đông Sơn.

Thăm làng “xuất ngoại”

Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu lao động, diện mạo xã Đông Khê có nhiều đổi mới.

Khoảng 5 năm trở lại đây, xã Đông Khê (Đông Sơn) thường được nhắc đến là “xã xuất khẩu lao động” (XKLĐ) và nhiều người dân sinh sống ở những vùng lân cận thường gọi bằng cái tên thân mật là làng “xuất ngoại”. Bởi, đây là địa phương có số người đi XKLĐ nhiều nhất của huyện Đông Sơn.

Chúng tôi về thăm xã Đông Khê vào một ngày tháng 6 và không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê này. Khác với hình ảnh cách đây khoảng hơn 10 năm về trước, khi nơi đây chỉ là một vùng quê nghèo khó, quanh năm người dân “đầu tắt, mặt tối” với đồng ruộng mà vẫn chẳng đủ ăn thì hôm nay, những ngôi nhà cấp bốn đã được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, biệt thự khang trang nối tiếp nhau trên các trục đường làng, những con đường đất chật hẹp được thay thế bằng những con đường bê tông sạch đẹp... Và, hiện rõ trên những gương mặt người là nụ cười, là niềm vui của sự no ấm, an yên.

Đến thăm gia đình ông Lê Huy Chương ở thôn 2, chúng tôi thực sự bất ngờ trước ngôi nhà hai tầng đồ sộ được gia đình ông xây dựng hơn 2 năm nay cùng với nhiều thiết bị, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Ông Chương cho biết, trước đây, cuộc sống của gia đình ông rất vất vả do không có công việc ổn định. Cả gia đình 6 người chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và một số nghề phụ, các khoản chi tiêu như tiền học, tiền thuốc thang khi ốm đau, bệnh tật... đều phải vay mượn. Năm 2014, vợ chồng ông vay mượn người thân và vay lãi ngân hàng để 2 người con trai lớn đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Một năm sau, khi cuộc sống gia đình ổn định, 2 người con dâu đã gửi các con cho ông bà ở nhà chăm sóc để sang Hàn Quốc lao động cùng chồng. Công việc của các anh chị là làm cơ khí và gia công đồ nhựa với mức lương dao động từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/tháng. Chỉ sau hơn 2 năm, các con ông đã tích cóp đủ tiền trả nợ và xây nhà.

Từ ngày các con ông Chương đi XKLĐ, cuộc sống vật chất của gia đình khá lên, đời sống tinh thần được cải thiện, vợ chồng ông Chương yên tâm an hưởng tuổi già. Hiện tại, cả 4 người con của ông vẫn đang lao động tại Hàn Quốc. Ông dự định: “Sau khi hết thời hạn lao động tại Hàn Quốc, tôi sẽ khuyên các con trở về quê hương, dùng những đồng vốn đã tích cóp được để mở cửa hàng kinh doanh. Vừa góp phần làm giàu cho quê hương, vừa được gần bố mẹ và các con”.

Cũng như gia đình ông Chương, cuộc sống gia đình bà Lê Thị Thúy, trú tại thôn 5 cũng đã đổi thay nhanh chóng sau khi hai người con của bà là Phạm Thị Mỵ và Phạm Ích Đồng “xuất ngoại” sang Đài Loan làm việc. “Cách đây 5 năm về trước, ông nhà tôi ốm đau bệnh tật triền miên, chi phí điều trị khá tốn kém. Các con lúc đó đang tuổi học, mọi chi phí học hành cho con, thuốc thang cho bố và sinh hoạt gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Có những khi, tôi phải vay mượn lo từng bữa ăn. Sau khi học hết cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình nên các con tôi không thi vào đại học mà quyết định đi XKLĐ, đến nay cũng đã được hơn 4 năm. Bây giờ, tôi không phải lo lắng về vật chất như trước đây nữa”. Bà Thúy chia sẻ với chúng tôi trong sự vui mừng khi nhớ lại những ngày gian khó trước đây.

Được biết, năm 2015, bà Thúy đã cầm cố nhà cửa và vay mượn họ hàng để thu xếp cho người con gái sang làm việc tại Đài Loan. Hai năm sau, người em trai cũng theo chị sang Đài Loan làm việc trong một nhà máy sản xuất bánh kẹo với thu nhập bình quân từ 18 triệu đến 23 triệu đồng/tháng. Đến nay, gia đình bà Thúy đã thoát nghèo và trả hết số tiền nợ lên đến hàng trăm triệu đồng trước đó. Không những vậy, gia đình bà còn xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang với nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình, nhiều người đi XKLĐ về đã tích cực đóng góp xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi của địa phương. Chỉ tính riêng trong việc hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, các gia đình có người thân đi XKLĐ ở xã Đông Khê đã đóng góp được hơn 500 triệu đồng xây dựng cổng làng, đường làng, ngõ xóm. Đến nay, 100% đường giao thông thôn, xóm trong xã đã được đổ bê tông, nhiều gia đình hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà văn hóa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Tại các đường làng, ngõ xóm, đêm đến rực sáng ánh điện... Năm 2018, những hộ gia đình có người đi XKLĐ còn đóng góp được hơn 200 triệu đồng để ủng hộ gia đình có người bị nạn khi đang lao động tại Đài Loan.

Theo thống kê, toàn xã hiện có 407 người đi XKLĐ, tập trung ở một số thị trường, như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... trong đó số lao động đang làm việc tại Hàn Quốc và Đài Loan chiếm khoảng 90%. Mỗi năm, nguồn thu nhập từ XKLĐ đạt khoảng 95 tỷ đồng, nhờ vậy, diện mạo xóm làng cũng từng ngày “thay da đổi thịt”. Hôm nay, trên mảnh đất này đã chẳng còn những tiếng thở dài lo lắng chuyện “cơm áo gạo tiền”, hình ảnh khó khăn của người dân những ngày trước đây đã lùi vào quá khứ. Thay vào đó là sự hiện hữu của một làng quê đầy thịnh vượng với hàng trăm ngôi nhà cao tầng mọc lên, có những ngôi biệt thự trị giá từ 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ đồng. Cũng nhờ XKLĐ, nhiều người có vốn đã mở được doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh quy mô lớn. Hiện tại, trong 5 thôn của xã, thôn 2 là thôn có số người đi XKLĐ đông nhất. Theo nhiều người dân trong thôn, trước đây, do không có việc làm, thu nhập chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng và một số nghề phụ nên cuộc sống của họ rất bấp bênh. Những năm 2006, 2007, trong thôn có một vài người đi làm việc ở nước ngoài, cuộc sống của gia đình được nâng lên trông thấy. Từ đó, nhiều gia đình khác cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư cho người thân đi XKLĐ, cứ “người trước rước người sau”, tạo thành một phong trào sôi nổi. Và từ năm 2012 trở lại đây, nhiều gia đình đã coi XKLĐ là con đường giúp họ thay đổi cuộc sống và bộ mặt nông thôn nơi đây.

Ông Lê Lệnh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê, cho biết: Nhận thấy XKLĐ mang lại nguồn thu nhập cao nên nhiều gia đình có người thân đi XKLĐ những năm trước đã gửi tiền về cho gia đình hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đưa anh em, họ hàng cùng sang làm việc. Nhờ vậy, những năm gần đây, số người đi XKLĐ trong xã ngày càng nhiều. Riêng thôn 2, gần như gia đình nào cũng có ít nhất 1 người đi XKLĐ, nhiều gia đình có 3 - 4 người đã và đang đi XKLĐ. Nhờ vậy, số hộ nghèo trong xã những năm gần đây giảm đáng kể, hiện chỉ còn 17/1.048 hộ trong diện hộ nghèo. Nhiều gia đình đã sử dụng tiền vốn tích cóp từ XKLĐ để phát triển kinh tế, làm giàu tại địa phương”.

Từ một miền quê nghèo khó, hàng nghìn người ở vùng đất Đông Khê đã lựa chọn đi XKLĐ để tìm cho mình những hy vọng đổi thay cuộc sống. Và ngày trở về, họ đã dùng số tiền có được bằng mồ hôi, công sức để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, cho quê hương. Giờ đây, không chỉ bám lấy ruộng đồng, họ làm những công việc khác, với nhịp sống khác. Giai đoạn nào, công việc gì cũng có những khó khăn riêng nhưng khi ngoảnh lại để nhìn về ký ức một thời gian khó, họ có đủ lý do để bằng lòng với sự lựa chọn ấy.

Lê Tình

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tham-lang-xuat-ngoai/102360.htm