Thầm lặng với công việc văn thư, bảo mật

Anh ngủ lại với tôi một đêm, anh nhé? - Thượng tá Trần Văn Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Kho K380 (Binh chủng Pháo binh) đề nghị với tôi.

Rồi Thắng nói như trút nỗi niềm riêng: Ở đây đêm yên tĩnh, vắng vẻ. Nói thật là đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa nên cán bộ, nhân viên bám trụ ở đây tới mười năm đã là một sự ghi nhận lớn. Xa gia đình, vợ con, thu nhập chủ yếu là đồng lương theo quân hàm nên anh em yên tâm công tác là một nỗ lực lớn của đơn vị chúng tôi. Mà anh ở đây, tối đến, tôi giới thiệu với anh một nhân viên của đơn vị, làm công tác văn thư, bảo mật, ở đơn vị đã gần mười lăm năm rồi đấy...

Trần Văn Thắng là bạn học với tôi từ những ngày ở Học viện Chính trị. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Cũng hơn 20 năm rồi, tôi chưa trở lại Kho K380 nên nghe Thắng đề nghị vậy, tôi lưu lại một đêm, cũng là muốn tìm hiểu thêm về đời sống của cán bộ, nhân viên ngành kho vũ khí tên lửa pháo binh hiện đại của Binh chủng Pháo binh anh hùng.

 Trung úy QNCN Phạm Ngọc Huân trong phòng làm việc. Ảnh: VĂN CHIỂN

Trung úy QNCN Phạm Ngọc Huân trong phòng làm việc. Ảnh: VĂN CHIỂN

Người mà Chủ nhiệm Chính trị Kho K380 muốn giới thiệu là Trung úy QNCN Phạm Ngọc Huân, nhân viên văn thư, bảo mật thuộc Ban Tham mưu của đơn vị. Trong suy nghĩ của nhiều người, nhân viên văn thư là người làm công việc "bàn giấy", rất nhẹ nhàng, đơn giản như đóng dấu, nhận và cấp phát công văn, quản lý, bảo mật tài liệu trong tủ... Song, tôi hình dung công việc của Huân không đơn giản vậy. Vì đây là đơn vị kỹ thuật, quản lý số lượng lớn vũ khí, khí tài hiện đại nên hồ sơ, tài liệu, bản vẽ thiết kế rất nhiều, nhất là những văn bản chỉ đạo cải tiến, hiện đại hóa và nghiệm thu, đánh giá, bố trí sử dụng vũ khí, khí tài của đơn vị. Những loại hồ sơ này là đối tượng để kẻ gian muốn đột nhập, đánh cắp thông tin tình báo. Nếu sơ sểnh, hiểm họa là khôn lường.

Hơn 40 năm trước đây, khi mới thành lập Lữ đoàn Tên lửa pháo binh 380 (nay là Kho K380), Bộ Quốc phòng, Binh chủng Pháo binh đã lựa chọn rất nhiều kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giỏi, nhiều kinh nghiệm biên chế cho đơn vị để nghiên cứu, khai thác hiệu quả vũ khí, khí tài mới. Khi thế hệ cán bộ, kỹ sư ban đầu dần chuyển đơn vị hoặc chuyển ngành, nghỉ công tác, những cán bộ, nhân viên đi sau tiếp nhận, tiếp tục duy trì hoạt động thành nền nếp công tác huấn luyện, quản lý và bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài, góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng, chàng trai quê xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình Phạm Ngọc Huân về nhận nhiệm vụ tại Kho K380. Nghề đào tạo ở trường là thợ tiện, nghĩ là được công tác ở xưởng sửa chữa-bảo dưỡng kỹ thuật, song Huân lại được biên chế về Phân kho 1 với chức trách nhân viên bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, khí tài. Dù chưa đúng nguyện vọng, song Huân nghĩ, đã là người lính, dù ở cương vị nào đơn vị phân công, anh đều phải nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ đó, Huân luôn tận tụy với công việc bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, khí tài; quản lý kho an toàn, góp phần giúp đơn vị duy trì hệ số kỹ thuật vũ khí, khí tài, bảo đảm khi có lệnh là mở niêm, sẵn sàng cơ động chiến đấu được ngay.

Quá trình công tác, chỉ huy đơn vị nhận thấy Huân cần mẫn, luôn cẩn trọng, làm việc tỉ mỉ, khoa học nên khi Ban Tham mưu đề nghị cần có một nhân viên văn thư bảo mật để thay thế người đã chuyển công tác, vậy là Huân được chọn đi bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, biên chế về Ban Tham mưu.

- Ban đầu, tôi cũng không thích công việc này, vì nghĩ mình là thanh niên mới 24 tuổi, sức lực vạm vỡ, lại ngồi "bàn giấy", quanh quẩn trong bốn bức tường. Khi được đồng chí Chính trị viên Kho K380, Thủ trưởng Ban Tham mưu động viên, tôi xác định tốt nhiệm vụ và nỗ lực công tác. Đến nay đã tròn mười năm tôi làm nhân viên văn thư bảo mật. Nghĩ lại, thời gian trôi nhanh quá, anh ạ!

Trong căn phòng nhỏ, ngồi bên chiếc bàn cũ, Huân mở đầu câu chuyện với tôi như thế. Tôi hỏi: "Công việc cứ đều đặn hằng ngày, Huân có thấy nhàm chán không?". Huân cười, trả lời không đắn đo: "Ai cũng nghĩ công việc văn thư, bảo mật đơn điệu. Nhưng khi mình thấy yêu nghề thì phải luôn nghĩ, vận động, đổi mới phương pháp làm việc nên không có gì nhàm chán. Tôi quản lý toàn bộ trang thiết bị văn phòng phục vụ công tác văn thư, bảo mật nên trước tiên là phải hằng ngày làm tốt công tác bảo quản, khai thác hiệu quả chúng. Tôi nghiên cứu các tính năng của trang thiết bị, sử dụng đúng cách, chấp hành nghiêm các chế độ bảo quản, bảo dưỡng hằng ngày, hằng tuần để giữ gìn, nâng cao tuổi thọ, không để trang thiết bị hỏng hóc, từ đó hiệu quả làm việc của trang thiết bị cao. Vào "Ngày kỹ thuật", cán bộ, nhân viên đơn vị vào khu kỹ thuật, còn tôi, một mặt bảo đảm các tài liệu, hồ sơ cho các bộ phận, mặt khác, tôi cũng thực hiện "ngày kỹ thuật" của mình. Như kiểm tra, sắp xếp lại kho, tủ tài liệu; kiểm tra việc đăng ký sổ sách, công văn, con dấu... Nhờ đó, công văn tài liệu không bị mất mát, nhàu nát sau nhiều năm lưu trữ. Tôi cũng suy nghĩ, đề ra các ý tưởng, sáng kiến đề nghị chỉ huy đơn vị, khi được trên đồng ý, tôi thực hiện các sáng kiến để ứng dụng trong bảo quản, sắp xếp công văn tài liệu. Cụ thể như làm hệ thống giá kê, bảng biểu, tem dán thống nhất, khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ, tài liệu. Qua đó, khi lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoặc các bộ phận chức năng cần hồ sơ, công văn, tài liệu đã lưu trữ từ nhiều năm, việc tìm kiếm trở nên dễ dàng, nhanh chóng, chính xác. Khi Ban Bảo mật Binh chủng Pháo binh kiểm tra nghiệp vụ và nền nếp chính quy, Kho K380 và tôi luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, được biểu dương, khen thưởng.

- Nghề văn thư, bảo mật bận "như con mọn", gia đình lại ở xa tận Thái Bình, vậy thời gian về thăm vợ con là khi nào?-Tôi hỏi.

Như gợi đúng vào nỗi niềm sâu kín, Huân bảo: "Một năm, tôi chỉ về tranh thủ thăm vợ con được mấy lần, thường là chia số ngày của chế độ nghỉ phép thôi. Bây giờ cũng thuận lợi hơn là có sóng điện thoại để hỏi thăm tình hình gia đình hằng ngày, chứ mấy năm trước, sóng điện thoại chưa có, tất cả thông tin đều phải chờ đến khi tranh thủ ra trung tâm huyện gọi điện về...".

Nghe Huân nói tôi mới nhớ, ở đây cách trung tâm huyện tới hơn 20 cây số, chỉ riêng việc đi ra khỏi cổng đơn vị đã mất gần một tiếng đi bộ. Xung quanh đơn vị, cây cối rậm rạp, rừng như còn nguyên sinh. Chính vì thế, nhiều cán bộ, nhân viên lên công tác ở đây được thời gian ngắn là tìm cách chuyển vùng, hay xin đi học rồi lựa thời cơ về đơn vị mới. Những năm gần đây, thực hiện chế độ trợ cấp thu hút vùng sâu, vùng xa và sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Pháo binh nên cơ sở vật chất, nhà cửa của Kho K380 đã khá hơn, đời sống bộ đội được cải thiện. Bộ đội đã được tắm nước nóng trong những ngày mùa đông lạnh giá.

Chúng tôi đang trò chuyện về công việc nghiệp vụ, bỗng có những cơn gió mạnh thổi thốc vào cửa, đập lên tường. Rồi tiếng mưa nghe rõ gõ lên mái nhà. Huân bảo tôi: ''Mưa dông rồi anh ạ. Anh đợi tôi một chút nhé!''. Nói rồi Huân vội vàng mặc áo mưa, đội mũ cối, mở cửa đi nhanh vào hun hút bóng đêm.

Căn phòng còn lại tôi và Chủ nhiệm Chính trị Trần Văn Thắng. Thắng bảo: Cậu ấy chắc lên kiểm tra phòng bảo mật đấy, sợ mưa hắt vào hành lang dềnh nước vào phòng văn thư, làm hỏng máy, thiết bị văn phòng và tài liệu… Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa rồi, trời bỗng đổ mưa đá và mưa rào rất to, Huân lo lắng nên từ quê lên sớm hơn để chăm sóc, che chắn vườn rau. Thời tiết, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt; đất đồi núi, độ dốc cao. Để có vườn rau của Ban Tham mưu thường xuyên xanh tốt, Huân cùng nhân viên, chiến sĩ phải đi lấy đất màu từ xa mang về, rồi cắt lá, ủ phân xanh. Nhờ thế, chẳng năm nào Huân không vượt định mức rau xanh nhập vào bếp ăn cả. Huân còn là một cây văn nghệ, chơi thể thao rất tốt. Nhờ có Huân mà đội bóng chuyền của Ban Tham mưu luôn là đội mạnh của đơn vị… Trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của Kho K380, Huân luôn gương mẫu, là một điển hình tiên tiến tiêu biểu, nhiều năm được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được tặng Giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Huân được Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Kho K380 lựa chọn là đại biểu đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng Binh chủng Pháo binh giai đoạn 2014-2019.

Ngoài trời vẫn hun hút mưa. Tôi nghĩ, Huân sau khi kiểm tra phòng văn thư, bảo mật, rồi tiếp tục kiểm tra vườn rau tăng gia nữa…

Hà Nội, tháng 3-2020

HƯƠNG HỒNG THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/tham-lang-voi-cong-viec-van-thu-bao-mat-611870