Thầm lặng gieo chữ ở 'cổng trời' Đê Kôn

Mặc dù phải băng qua những con đường hiểm trở, cheo leo bên vực thẳm, nhưng các thầy cô cắm bản ở Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) vẫn hết lòng vì học trò nghèo. Thương thầy cô khó nhọc, phụ huynh chia sẻ từng mớ rau, con cá.

Các em học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn do bố mẹ chỉ quanh năm làm nương rẫy.

Các em học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn do bố mẹ chỉ quanh năm làm nương rẫy.

Chênh vênh “cổng trời”

Những ngày cuối năm, khi màn sương vẫn còn bao phủ trên nóc nhà của đồng bào người Bahnar ở làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) thì các giáo viên bám trường, bám bản phải vượt qua cái lạnh thấu xương để gieo chữ.

Với hành trang là chiếc xe máy, cặp sách đựng giáo án và những bộ quần áo dày cộm mặc trên người. Gần 5h sáng, cô Lê Thị Diệu (55 tuổi) và cô Hà Thị Linh (48 tuổi) thức dậy, bắt đầu di chuyển từ Trường Tiểu học Hà Ra số 2, vượt “cổng trời” để vào điểm trường làng Đê Kôn.

Nói là “cổng trời” bởi địa hình của xã được bao quanh bởi những dãy núi Hà Ra tạo thành một lòng chảo rộng. Còn làng Đê Kôn nằm biệt lập trên núi cao, người dân quanh năm chỉ biết dầm mưa dãi nắng để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống. “Chúng tôi cũng muốn đi xe cùng nhau cho đỡ buồn và lạnh, nhưng đường xấu, xe yếu nên đi hai người không leo dốc nổi. Do đó, mỗi người một xe, đoạn nào xấu thì đẩy phụ nhau thôi. Đẩy xong người ấm lên, chẳng còn biết cái lạnh mùa đông là gì nữa”, cô Linh nói.

Chạy xe khoảng 5km đường nhựa, cả đoàn bước vào chặng đường đất với những con dốc cheo leo, sình lầy, hai bên là vực sâu thăm thẳm. Đường xấu, các thầy cô dù quen đường nhưng chẳng ai dám đi nhanh. Những đoạn trơn trượt, bánh xe máy xoay ngang giữa đường, các thầy cô vừa rồ ga vừa dùng sức để vượt qua. Càng vào sâu, đường càng khó đi, các cô tay lái yếu phải xuống đẩy xe leo dốc.

“Mấy hôm nắng, đường bụi mù nhưng vẫn dễ đi. Gặp ngày mưa như thế này chúng tôi đẩy xe suốt, dắt bộ ngược dốc mãi cũng quen. Có hôm tôi bị trượt té, sình lầy bám đầy quần áo nhưng vẫn ráng chạy xe cho kịp giờ lên lớp của các em. Giáo viên cắm bản ở đây là vậy, không trượt té mới gọi lại chuyện lạ”, cô Linh bộc bạch.

Sau hơn một giờ vật lộn với con đường, chúng tôi mới có mặt tại điểm trường làng Đê Kôn. Ngôi trường nhỏ nằm lẩn khuất với mái nhà của người dân. Điểm trường có 2 lớp ghép, gồm một lớp 1 + 2 và một lớp 3+4 do cô Diệu và cô Linh phụ trách.

Khi chúng tôi đến, anh Klưnh - Trưởng thôn cùng tốp học sinh đang cùng nhau dọn dẹp lớp học. Do thấy giáo viên đi lại vất vả, đường khó khăn nên dân làng lên thay phiên nhau giúp đỡ. Sau khi phụ xong việc, lũ trẻ rửa tay rồi nô đùa ngoài sân. Thấy giáo viên đến, lũ trẻ ngoan ngoãn chào rồi chạy ùa vào lớp để tránh cơn gió lạnh. Một số em có áo khoác dày, số khác mặc áo mỏng dính đi sát lại với nhau để chia từng hơi ấm.

Người dân chia từng nắm rau, con cá với giáo viên

Điểm trường có 2 lớp ghép nên khó khăn hơn đối với giáo viên trong quá trình dạy học. ẢNH: ĐỨC HUY

Tiếng trống trường giục giã vang lên, ngay lập tức 28 học sinh thuộc 2 lớp ghép đứng thành hàng dưới sân trường. Do có 2 lớp, học trò ít nên các cô phát hiện ra ngay có 4 học sinh vắng mặt. Lúc này, cô Diệu và cô Linh mỗi người một hướng chia nhau đến từng nhà để đưa 4 học trò đến lớp.

Khi cô Diệu đến nhà thì A Chơng vẫn đang cuộn tròn trong chăn ấm. Nghe tiếng cô gọi, A Chơng mới giật mình tỉnh dậy rồi lật đật lấy cặp, luống cuống chạy ra ngoài thanh minh: “Trời lạnh quá, không ai gọi nên em ngủ quên mất ạ. Em xin lỗi cô”. A Chơng dứt lời, cô Diệu xoa đầu cậu học trò cười hiền rồi chở học sinh này thẳng về trường để kịp giờ dạy. Chẳng mấy chốc 4 học sinh đã có mặt đầy đủ để học kiến thức cùng các bạn. Các lớp học rộn rã tiếng ê a đọc bài vang vọng cả núi rừng.

Làng Đê Kôn có 54 hộ với 238 khẩu, 100% là người Bahnar. Mặc dù làng nằm trên đỉnh núi cao, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, người dân chỉ trồng mì và lúa rẫy, giá cả luôn thấp hơn các vùng khác. Tuy nhiên, người dân nơi đây sống rất tình cảm với các thầy cô giáo cắm bản.

Từng có thâm niên hơn 10 năm cắm bản, thầy Nguyễn Huy Ba rành mọi ngóc ngách trong làng Đê Kôn. Từng vách nhà, từng nương rẫy đều in dấu chân của thầy. Thầy Ba nhớ lại, năm 2008, thầy lên điểm trường Đê Kôn để dạy chữ cho các em học sinh. Khi đó, việc đi lại vô cùng khó khăn. Vì vậy thầy phải mất cả nửa ngày trời băng qua những con đường rừng mới tới nơi. Đường xấu, điểm trường lại cách xa trung tâm nên các thầy cô cuối tuần mới về thăm nhà được một lần. Thương giáo viên cắm bản nên dân làng có mớ rau, hay bắt được con cá suối đều mang lên tặng giáo viên để nấu cơm ăn.

“Người dân ở đây sống tình cảm lắm, hôm nào có rau cho giáo viên rau, có cá cho giáo viên cá. Họ xem chúng tôi như những người thân trong nhà nên hay chia sẻ và giúp đỡ nhiệt tình. Lâu lâu về xuôi chúng tôi lại mua cho họ ít mì tôm hay chai dầu ăn, nước mắm. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng dạy con cháu họ sõi con chữ để sau này cả làng đỡ khổ”, thầy Ba chia sẻ.

Sau nhiều năm gắn bó với làng với trường, năm 2018, thầy Ba và một thầy giáo nữa được phân công đến một điểm trường khác. Lúc này cô Diệu và cô Linh đã xung phong lên Đê Kôn dạy chữ cho các em học sinh. Mặc dù luân chuyển đến nơi khác nhưng thầy Ba vẫn luôn nhớ về làng Đê Kôn nên có dịp vẫn ghé thăm. Dân làng vẫn luôn niềm nở chào đón và hỏi han, tâm sự với thầy về chỗ mới với những điều thú vị.

Cô Lê Thị Kim Quy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Ra số 2 cho biết, toàn trường có 56 học sinh, trong đó đa phần là người đồng bào dân tộc Bahnar. Theo cô Quy, tại các làng đều có điểm trường cho các em thuận lợi đến lớp. Tuy nhiên, điểm trường làng Đê Kôn có điều kiện khó khăn, nằm tách biệt so với các điểm trường khác. Do điểm trường nằm trên đỉnh núi cao nên việc đi lại của giáo viên vô cùng khó khăn. Mùa nắng thì bụi mù mịt, mưa xuống đường trơn trượt, lầy lội, có những hôm giáo viên phải dắt bộ. Không chỉ giáo viên, hoàn cảnh của các học sinh cũng vô cùng khó khăn bởi gia đình chỉ quanh năm làm nương rẫy.

Được các thầy cô quan tâm, các nhà hảo tâm cũng thường xuyên hỗ trợ nên sĩ số các lớp luôn đông đủ. Không chỉ có 42 em học 2 lớp ghép, trong làng còn có 20 trẻ học mầm non và 17 em đang theo học bậc THCS ở trung tâm xã. Các em học sinh bậc THCS của làng được ăn ở nội trú tại trường.

Việc các em bị gia đình bắt ở nhà đi làm nương rẫy dường như không còn xuất hiện tại làng Đê Kôn. Cứ đúng độ tuổi đi học, không cần ai vận động các bậc phụ huynh tự giác đưa con mình đến trường. Các em ngày càng hào hứng khi đến lớp vì được gặp bạn bè, thầy cô và được học con chữ.

Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hà Ra cho hay, làng Đê Kôn hiện có 2 lớp ghép và một lớp mẫu giáo. Tuy nhiên, người dân có hoàn cảnh khó khăn, quanh năm làm nương rẫy nên cuộc sống nghèo khó. Dù vậy, các em học sinh luôn có ý thức tự giác học tập. Cũng theo ông Thanh, cái khó của làng hiện tại là con đường từ dưới lên làng bị hư hỏng nghiêm trọng, việc đi lại vất vả và nguy hiểm. Mặc dù trong các cuộc họp cử tri đã nhiều lần ý kiến, nhưng do nguồn kinh phí quá lớn nên chưa thể sửa chữa và nâng cấp được. Tuy nhiên, kế hoạch làm lại con đường được đưa vào giai đoạn 2021-2025 để trình cấp trên xem xét, phê duyệt.

Đức Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tham-lang-gieo-chu-o-cong-troi-de-kon-20191231195848535.htm