Thăm làng Chuông - nơi sản sinh nón lá đẹp nức tiếng Bắc Bộ

Làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống đẹp nức tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ.

(Ảnh: hinatamoong)

(Ảnh: hinatamoong)

Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, là một trong những làng nghề làm nón cổ truyền đã tồn tại từ rất lâu đời. Hình ảnh nón lá làng Chuông từ lâu đã đi vào câu ca dao "Muốn ăn cơm trắng cá mè, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”, đủ để hiểu về độ nổi tiếng của chiếc nón lá bền đẹp nhất nhì ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Từ xa xưa, làng Chuông đã là nơi sản xuất, cung cấp nhiều loại nón cho nhiều tầng lớp, phục vụ đa dạng nhu cầu như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nhưng từ năm 1940 đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón.

Với người dân làng Chuông, nghề làm nón lá truyền thống không chỉ là là nguồn sống, đem lại thu nhập ổn định, mà còn là niềm tự hào, là cơ nghiệp hàng trăm năm tuổi và là thứ "tinh hoa" để truyền lại cho con cháu.

(Ảnh: myhuong_qt)

(Ảnh: vietnamnow_vnn)

Nghề làm nón gắn bó với người dân làng Chuông hàng trăm năm, thế nên cũng dễ hiểu khi người dân nơi đây nói vui với nhau rằng "sinh ra đã biết làm nón". Nhưng thực ra, để làm ra một chiếc nón, tốn rất nhiều công sức.

Một chiếc nón lá khi đã hoàn thiện là tổng hòa của sự tỉ mỉ và kiên nhẫn trong từng công đoạn. Nguyên liệu chính của nón là lá cọ, được vận chuyển từ những cánh rừng ở Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình về làng Chuông. Trải qua nhiều công đoạn như rẽ lá, là lá, bứt vòng, quay nón, dán nón, khâu nón, sửa nón hoặc nứt nón, lồng nhồi, quang dầu, cuối cùng chiếc nón lá làng Chuông bóng đẹp được đưa ra thị trường.

(Ảnh: lanphuongvn1)

(Ảnh: nguyenha_197)

Trong các công đoạn trên, khâu làm lá là vất vả khó khăn nhất. Nghệ nhân làm nón phải khéo léo sao cho lá không bị dập rách, họ thường dùng chân vò lá cọ trong cát khô có sỏi, đảo đi đảo lại đến khi lá mềm và đầu lá xoăn lại, mình lá tẽ ra mới đạt được chuẩn. Người làm lá rất vất vả, nắng quá hay mưa quá lá đều không đẹp, nắng quá thì lá sẽ bị đỏ, ra nón thành phẩm sẽ không được bóng đẹp. Phơi lá cũng phải thật cẩn thận, tách lá tươi từ màu xanh sau quá trình phơi dưới ánh nắng mặt trời sẽ dần chuyển thành màu trắng.

Sở dĩ nón lá làng Chuông nổi tiếng bền đẹp là bởi nón có tới 16 lớp vòng. Vòng nón được làm bằng những thanh tre cật vót tròn nhẵn và đều, các vòng tròn nhỏ dần đến chóp tạo ra khung nón, thường mỗi nút buộc dùng mây để buộc chắc chắn.Thợ làm nón xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu cẩn thận kẻo rách lá. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc.

Ấn tượng của du khách khi đến với làng Chuông là nơi này không quá nhộn nhịp, có lẽ bởi đặc thù của nghề làm nón là phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và tập trung cao độ. Những mảnh sân phơi đầy nón trắng hay các nguyên liệu làm nón làm nên vẻ đẹp của một ngôi làng cổ có nghề thủ công truyền thống.

(Ảnh: fuongy.nguyen)

(Ảnh: traveloka)

Nét đẹp độc đáo mà làng Chuông vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay là phiên chợ họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch và chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón. Nếu đến thăm làng Chuông vào đúng ngày diễn ra phiên chợ, sẽ thấy nón được xếp từng chồng dài, trắng lóa. Ngoài ra còn bày bán nguyên liệu làm nón như lá lụi, khung làm nón, vòng cái, mo cau, nan tre. Với những ai muốn tìm hiểu thêm có thể chứng kiến thêm quy trình làm nón cổ truyền. Nón làm càng cầu kỳ thì càng được giá. Một chiếc nón cho dân lao động được bán với giá khoảng 30 - 40 nghìn đồng. Chiếc nón được bán với giá cao nhất tại làng Chuông đạt mức 150.000 VND với nhiều họa tiết cầu kỳ.

Nếu như trước đây, nón lá chỉ là vật dụng che mưa che nắng cho người làm nông, đi chợ, thì nay nó được nâng tầm hơn khi trở thành một trong những đồ lưu niệm khách du lịch nhất định phải mua khi đến Việt Nam. Hình ảnh khách Tây tươi cười đội nón lá không đơn thuần là hình ảnh mang đậm tình hữu nghị, mà còn chứng minh sức sống trường tồn của nghề làm nón lá ở làng Chuông nói riêng và các làng nghề truyền thống khác trên cả nước.

Hải Yến

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tham-lang-chuong-noi-san-sinh-non-la-dep-nuc-tieng-bac-bo-75521.html