Thăm lại vùng đất Mã Đà sơn cước

Vùng đất huyền thoại Mã Đà - Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu) là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng bậc nhất của 'Miền Đông gian lao mà anh dũng' trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, một địa chỉ đỏ thường xuyên đón du khách về nguồn tham quan. Ảnh: B.Nguyên

Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, một địa chỉ đỏ thường xuyên đón du khách về nguồn tham quan. Ảnh: B.Nguyên

Bước ra khỏi chiến tranh, vùng Mã Đà sơn cước gian lao, nghèo khó từng được người dân ở đây ví von là “vùng đất chết” với bao năm dài gắn liền với tên gọi “xã 4 không” vì đa số các hộ dân trong xã đều là người nhập cư nghèo không hộ khẩu, không đất đai, không trường học... Nay vùng đất ấy đã hoàn toàn thay đổi. Nhiều người trẻ ở vùng chiến khu xưa chọn về quê lập nghiệp, tìm cơ hội làm giàu. Những giá trị văn hóa, lịch sử; giá trị của rừng tự nhiên nơi bảo tồn các loại động thực vật quý, hiếm của miền Đông Nam bộ… là nơi lý tưởng để phát triển du lịch về nguồn, du lịch sinh thái tiếp tục góp phần làm nên sự giàu đẹp của vùng đất cách mạng này.

* Xuân về với rừng chiến khu xưa

Vùng “rừng thiêng nước độc” Mã Đà trong kháng chiến chỉ có đường mòn đi bộ, việc đi lại rất khó khăn, thực dân Pháp rồi Mỹ và quân đội Sài Gòn có phương tiện hiện đại nhưng cũng rất khó đổ quân xuống đánh chiếm. Ngày nay, những đoàn khách về nguồn, khách tham quan dễ dàng vào tận khu căn cứ cách mạng xưa bằng ô tô nhờ những tuyến đường thênh thang nối dài. Dù vậy, vùng chiến khu Đ vẫn giữ được những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với nhiều cây cổ thụ trăm năm, nhiều loại cây dược liệu quý…

Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cùng với quần thể rừng tự nhiên đang được bảo vệ khá tốt, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn là vùng đất cách mạng, là căn cứ trọng yếu trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. 3 di tích lịch sử cách mạng là Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, địa đạo Suối Linh, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ… trở thành điểm du lịch về nguồn của nhiều thế hệ.

Trên con đường vào Khu ủy miền Đông dịp Tết Tân Sửu, khách về rừng càng như đắm như say khi được ngắm những vệt hoa rừng nở rộ. Đây cũng là mùa của hoa thành ngạnh, loài hoa được ví như hoa anh đào của rừng chiến khu Đ.

Ông Võ Quang Trung, Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) cho biết, điểm đặc biệt của rừng chiến khu là có rất nhiều cây trung quân. Loại lá cây này vừa dai, vừa bền, nhất là có đặc tính dù bị lửa đốt cũng không bị cháy lan ra nên ngay cả những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, những ngôi nhà lợp bằng lá trung quân vẫn hiên ngang tồn tại dưới những cánh rừng già bạt ngàn, đồng hành cùng lực lượng cách mạng cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, tại Nhà Dài của đồng bào dân tộc Chơro ở xã Phú Lý, những người canh giữ Nhà Dài vẫn duy trì việc đan lá trung quân để lợp mái cho nhiều di tích của Khu ủy miền Đông.

Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, một địa chỉ đỏ thường xuyên đón du khách về nguồn tham quan Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Đã gắn bó với khu ủy được hơn 8 năm trong hơn 30 năm làm bạn với rừng xanh, với trách nhiệm của một người kiểm lâm, ông Trần Nhật Trường, Trạm tưởng Trạm Kiểm lâm Khu ủy miền Đông chia sẻ: “Khi phụ trách ở đây, tôi mới cảm nhận được những hy sinh rất lớn của các bậc tiền nhân. Từ đó, tôi càng thấy rõ trách nhiệm phải giữ gìn, tôn tạo, quản lý và bảo vệ khu di tích này”.

Nơi đất lành cho dân an cư và là điểm du lịch về nguồn

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá xưa nay đã thành nơi đất lành để người dân lập nghiệp, làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Phượng, thành viên HTX Dịch vụ thương mại 481 Mã Đà, chia sẻ, trước đây vùng này đều là dân nghèo, nông dân chủ yếu trồng cây hằng năm và làm vườn tạp nên thu nhập rất thấp. Dần dần, diện tích cây ăn trái, đặc biệt là cây xoài được nhân rộng. HTX được thành lập thu hút nhiều xã viên trẻ, năng động tham gia với mong muốn xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để có đầu ra thật sự bền vững cho nông sản.

Đạp xe dã ngoại trong rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai

Di tích Trung ương Cục miền Nam đã đón rất nhiều đoàn khách tham quan, về nguồn là các cựu chiến binh, học sinh, thanh niên… Phần lớn du khách đều muốn tìm hiểu về địa chỉ đỏ này với thái độ nghiêm túc, trân trọng lịch sử và niềm tự hào sau khi nghe kể về những chiến tích và nhiệm vụ thiêng liêng của khu ủy trong thời chiến. Có những vị khách tỏ ý tiếc nuối vì không được viếng thăm điểm căn cứ cách mạng sớm hơn để có cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử của cái nôi cách mạng này.

Đây cũng là tấm lòng trân trọng của lớp thanh niên trẻ được sinh ra, trưởng thành nơi vùng đất chiến khu xưa khi chọn lập nghiệp ở quê nhà. Anh Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Bói Cá Việt (Viet Kingfisher) ở xã Hiếu Liêm là một trong những người trẻ chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch về nguồn. Anh chia sẻ: “Điều tôi mong muốn là cảnh làng quê vẫn yên bình như vậy, những khu rừng vẫn giữ nét hoang sơ. Tôi làm du lịch sinh thái, du lịch xanh để ngày càng có thêm nhiều người biết trân trọng những giá trị thiên nhiên, giá trị lịch sử vốn là kho tàng vô giá của rừng chiến khu Đ”.

Là doanh nghiệp trẻ chuyên tổ chức các tour du lịch khám phá rừng, hồ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, anh Thân Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure (H.Vĩnh Cửu) cho biết, công ty của anh thường xuyên tổ chức các chuyến khám phá rừng, hồ kết hợp tham quan các di tích lịch sử tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho học sinh, sinh viên đến nhóm trẻ trong và và ngoài tỉnh.

Tùy theo đối tượng, độ tuổi mà công ty sẽ thiết kế những tour phù hợp. Đối với lứa tuổi học sinh sẽ có những tour khám phá rừng, bảo vệ môi trường kết hợp tham quan các di tích lịch sử, trong đó lồng ghép các trò chơi trải nghiệm làm chú bộ đội, hành quân xuyên rừng tìm hiểu về sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, khám phá các địa đạo. Tại mỗi điểm tham quan, học sinh sẽ được nghe hướng dẫn viên thuyết minh và dâng hương tưởng nhớ đến những liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến tranh. Để tạo sự hứng khởi trong chuyến du khảo, các trò chơi dân gian như: đánh trận trong hang, truy tìm kho báu... cũng được tổ chức để tăng sự hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, ngoài giá trị lịch sử, các điểm di tích cách mạng cũng là những điểm kết nối du lịch của khu bảo tồn với các hình thức du lịch như đi thuyền xem ngư dân đánh bắt cá trên hồ, tham quan các làng cá bè và được thưởng thức các món ăn dân dã từ nguồn thủy sản nước ngọt đặc trưng của vùng hồ Trị An. Hiện nay, tại khu vực rừng của khu bảo tồn có khá nhiều dự án du lịch lớn: Khu du lịch (KDL) Thác Ràng, KDL Bà Hào, Địa đạo Suối Linh, Công viên Hàng không, KDL sinh thái Safari… đang được UBND tỉnh hỗ trợ, mời gọi đầu tư, nhằm tăng giá trị về mặt kinh tế, vừa tạo điểm nhấn riêng cho du lịch Đồng Nai...

Ngọc Liên - Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202102/tham-lai-vung-dat-ma-da-son-cuoc-3044304/