Thăm lại 'Ngã ba máu' Cò Nòi

Cho đến nay, dẫu không ai biết chính xác về mặt từ vựng địa danh 'Cò Nòi' mang ý nghĩa gì, tuy thế, nó vẫn tồn tại không chỉ trên thực địa mà còn trong tâm thức nhiều thế hệ người dân Tây Bắc. Nhân Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2019), mời bạn tới thăm Cò Nòi - một vùng đất với cái tên dân dã đã đi vào huyền thoại và là một phần của trận thư hùng 'năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm'...

Tượng đài di tích Ngã ba Cò Nòi.

Tượng đài di tích Ngã ba Cò Nòi.

Từ thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) về Hà Nội, ngã ba Cò Nòi (thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) nằm ở giao điểm giữa quốc lộ 6 với đường số 13 (đi huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), cách thành phố Sơn La 45 km, cách thị trấn Mai Sơn 10 km. Đây là Đài tưởng niệm các liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Các tài liệu của tỉnh Sơn La, địa phương quản lý di tích, cho biết: Thời điểm trước và trong khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi là điểm giao thông quan trọng nhất mà lực lượng không quân Pháp liên tục bắn phá, nhằm ngăn chặn nguồn tiếp tế sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Được sự giúp đỡ của Hội Cựu TNXP tỉnh Sơn La, chúng tôi dễ dàng tìm đến nhà của ông Hồ Ngọc Toàn (tổ 6, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). Khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, ông Hồ Ngọc Toàn là tiểu đội trưởng, Đại đội C408, Đội 40 đoàn TNXP Trung ương, cùng đồng đội bảo đảm giao thông tại ngã ba Cò Nòi.

Theo ông Hồ Ngọc Toàn, ngã ba Cò Nòi có vị trí vô cùng quan trọng, nối đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với chiến trường Điện Biên Phủ bởi mạng lưới vận tải gồm ba tuyến chính: Tuyến từ Việt Bắc xuống rồi qua Ba Khe - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo; tuyến từ Liên khu 4 - Nghệ An - Thanh Hóa - Suối Rút qua Mộc Châu - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo; tuyến từ Liên khu 3 - Nho Quan - Hòa Bình - Suối Rút qua Mộc Châu - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo. Điểm chung nhất là cả ba tuyến đều buộc phải đi qua ngã ba Cò Nòi, sau đó vượt đèo Pha Đin lên tập kết tại Trạm hậu cần Tuần Giáo (thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên ngày nay).

Cuối năm 1953, lúc các đơn vị bộ đội hối hả hành quân lên Tây Bắc, theo lệnh điều động của Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ, riêng lực lượng TNXP phục vụ thường xuyên từ đầu đến cuối chiến dịch có trên 18.000 người. Thường trực tại điểm ngã ba Cò Nòi có khoảng 1.000 đội viên, thuộc các đơn vị: C293, C300 thuộc Đội 34; C403, C406, 408 thuộc Đội 40. Nhưng sau đó, xuất phát từ yêu cầu của chiến trường, hơn 6.000 TNXP chuyển sang trực tiếp cầm súng đối mặt với quân thù, còn lại khoảng 12.000 người rải dọc đường 41 (nay là quốc lộ 6) từ Chợ Bờ - Suối Rút (Hòa Bình), qua ngã ba Cò Nòi (Sơn La), vượt đèo Pha Đin lên Trạm hậu cần Nà Tấu (nay thuộc địa bàn bản Tẩu Pung, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Mọi con đường lên Tây Bắc và lên Điện Biên, đều phải vượt qua vô vàn những đèo cao, vực thẳm, suối dữ, sông sâu. Để bảo đảm giao thông cho cơ động xe pháo và hậu cần chiến dịch, cùng với bộ đội và dân công, lực lượng TNXP giữ vai trò chủ chốt trong việc mở mới và sửa chữa một số trục đường từ chiến khu Việt Bắc lên chiến trường Tây Bắc.

Từ những nguồn tin tình báo thu thập được, ngày 3-12-1953, Nava - Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương - có một động thái nhằm làm thay đổi cục diện chiến trường, đấy là ra chỉ thị: “Về việc điều hành những cuộc hành quân ở vùng Tây Bắc - Bắc Kỳ”. Trong đó, yêu cầu không quân: “Những điểm cần đánh phá với sức mạnh tối đa, là: Trên trục đường 13, đặc biệt là điểm nút giao thông Yên Bái và bến phà Tạ Khoa. Trên đường 41, là vùng Cò Nòi và Hát Lót”. Bình quân mỗi ngày, Pháp ném xuống ngã ba Cò Nòi gần 70 tấn bom, tuy thế, lực lượng TNXP vẫn ngày đêm hiên ngang bám trụ, bảo đảm liên tục thông đường.

Trong tác phẩm “Thanh niên xung phong ngày ấy” (Nhà xuất bản Thanh Niên - 1997), dẫn lời Bác Hồ: “Âm mưu của địch là đánh phá đường vận tải của ta, mong gây cho chúng ta những khó khăn về cung cấp, nhất là trong mùa mưa sắp tới. Vì vậy nhiệm vụ của anh, chị em rất nặng nề và quan trọng. Nó đòi hỏi một tinh thần hy sinh dũng cảm. Một tinh thần bền bỉ, dẻo dai cũng như tinh thần xung phong giết giặc của anh chị em chiến sĩ ở mặt trận. Mong anh, chị em ra sức thi đua bảo đảm đường sá thông suốt, bảo đảm cho bộ đội đủ cơm ăn và đủ vũ khí, đạn dược để giết giặc, góp phần vào chiến dịch này”. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, khoảng 100 TNXP thuộc Đội 34 và Đội 40, đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Cò Nòi.

Bảng chỉ dẫn di tích Ngã ba Cò Nòi.

Để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” như truyền thống muôn đời của người Việt Nam, địa điểm ngã ba Cò Nòi được quy hoạch với diện tích hơn 20.000 m2 để xây dựng “Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong”. Ngày 22-10-2000, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng công trình.

“Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong” Cò Nòi cao 12 mét, bằng đá xanh nguyên khối từ Thanh Hóa vận chuyển ra. Điều thú vị là người phụ trách thi công công trình, lại là người từng phục vụ ở ngã ba Cò Nòi hồi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ - đó là doanh nhân Nguyễn Trung Thành, cựu TNXP thuộc biên chế Đội 40 (Đoàn TNXP Trung ương). Sau gần hai năm thi công, ngày 7-5-2002 công trình được cắt băng khánh thành, nhân kỷ niệm 48 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1954 - 5-2002). Hai năm sau, ngày 29-4-2004, “Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong” ngã ba Cò Nòi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia.

65 năm trước, vào những ngày Xuân Giáp Ngọ (1954), bằng con đường hôm nay mà sức người sức của đưa lương thực, vũ khí vào Trạm Hậu cần tiền phương Nà Tấu (nay thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), hàng nghìn tấn bom đạn của quân thù đã đổ xuống con đường huyết mạch này, cướp đi sinh mạng của hơn 300 cán bộ, chiến sĩ TNXP (chưa kể số bị thương). Ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) và đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), là hai vị trí chịu nhiều bom đạn nhất.

Đây Cò Nòi, đây Pha Đin - những địa danh kiêu hùng của những ngày cả nước ra trận, tấp nập “chị gánh anh thồ”. Bom đạn Pháp đã không san phẳng được Cò Nòi, Pha Đin, thì lẽ dĩ nhiên, phải khuất phục trước bản lĩnh ngoan cường của những TNXP quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! Lịch sử “ngã ba máu” Cò Nòi là hình ảnh thu nhỏ lịch sử của một cuộc chiến tranh toàn dân vệ quốc, toàn diện vệ quốc, lấy quả tim đọ với quả bom, lấy lòng dũng cảm của những người giữ nước chống lại dã tâm xâm lược của quân cướp nước...

LÊ LAN - NHƯ QUỲNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40067102-tham-lai-%E2%80%9Cnga-ba-mau%E2%80%9D-co-noi.html