Thảm kịch nếu Armenia-Azerbaijan tấn công đập nước, nhà máy điện

Bộ Quốc phòng Azerbaijan dọa sẽ tấn công tên lửa vào nhà máy điện hạt nhân của Armenia, nếu đối thủ tấn công đập nước của họ.

Cuộc đụng độ ở biên giới Armenia-Azerbaijan, bắt đầu vào ngày 12 tháng 7, tiếp tục cho tới nay đã là ngày thứ tư ở các vùng lân cận Tovuz và Tavush, cũng giáp ranh với Gruzia và cách Nagorno-Karabakh vài trăm km, nơi tình hình hiện đang yên ổn.

Ở nơi pháo kích, có những đồn chiến đấu đóng quân gần làng Movkes. Theo Baku, 11 binh sĩ Azerbaijan đã thiệt mạng, bao gồm một vị tướng. Phía Armenia tuyên bố về hai nạn nhân và năm người bị thương, trong khi giới truyền thông công bố con số thiệt mạng là 4 người.

Hiện nay, Azerbaijan và Armenia đang đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích và tuyên bố sẽ không nhân nhượng trước hành động quân sự của đối thủ.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên đối thoại. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Baku và Yerevan để ổn định tình hình. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực ở biên giới giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi hai bên ngừng bắn.

Giao tranh xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chỉ trích các nhà trung gian hòa giải quốc tế, cho rằng nỗ lực đàm phán hòa bình với Armenia là vô nghĩa. Ông cũng cáo buộc Armenia tìm cách trì hoãn thỏa thuận duy trì hiện trạng ở Nagorno-Karabakh.

Khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh được cho là gốc rễ mâu thuẫn giữa hai nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô. Cộng đồng quốc tế công nhận Nagorno-Karabakh là lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng nó lại nằm dưới quyền kiểm soát thực tế của chính quyền tự trị gốc Armenia.

Quân đội Armenia và Azerbaijan đã nhiều lần đụng độ trên biên giới

Quân đội Armenia và Azerbaijan đã nhiều lần đụng độ trên biên giới

Azerbaijan gần đây tỏ ý không hài lòng khi các cuộc đàm phán với Armenia trong gần 30 năm không mang lại kết quả. Hai nước nổ ra đụng độ lớn hồi tháng 4/2016 khiến hơn 200 binh sĩ và dân thường thiệt mạng, suýt dẫn tới chiến tranh tổng lực. Căng thẳng chỉ được giải tỏa với sự hòa giải của Nga, nhưng hiện nay, tình hình đang leo thang đến mức độ cực kỳ nguy hiểm.

Hôm 15/7, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cảnh báo nước láng giềng rằng, trong trường hợp Yerevan tấn công vào hồ chứa Mingechevir (Mingachevir reservoir), Baku sẽ đáp trả bằng đòn giáng nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Metsamor.

Trước đó các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã đưa ra những ý kiến cho rằng, chính quyền Yerevan có thể hạ lệnh cho quân đội tấn công hồ chứa Mingechevir của Azerbaijan.

Chính quyền Baku lưu ý rằng, quân đội Azerbaijan này có hệ thống phòng không hiện đại, kẻ thù không những không thể phóng tên lửa phá hủy công trình chiến lược của nước, mà còn nhận lại những đòn đáp trả tàn khốc, không loại trừ cả nhà máy điện hạt nhân.

"… phía Armenia không nên quên rằng các hệ thống tiên tiến nhất đang phục vụ trong lực lượng vũ trang của chúng tôi có khả năng tấn công nhà máy điện hạt nhân Metsamor với độ chính xác cao, và điều này sẽ biến thành thảm kịch lớn cho Armenia" - người đứng đầu cơ quan báo chí của quân đội, Đại tá Vagif Dargahli tuyên bố với giới truyền thông.

Cộng động quốc tế đang hết sức lo ngại về những tuyên bố cứng rắn của hai bên và đang ra sức ngăn chặn xung đột leo thang, bởi nếu hồ nước hay nhà máy điện hạt nhân của hai bên bị tấn công, số người thiệt mạng và tài sản bị phá hủy sẽ không thể lường trước được.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tham-kich-neu-armenia-azerbaijan-tan-cong-dap-nuoc-nha-may-dien-3413635/