Tham khảo kinh nghiệm các nước trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã lan rộng tới 7 tỉnh, thành phố của nước ta. Việc học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước trong công tác phòng, chống dịch là một trong những giải pháp cần thiết để kịp thời ngăn chặn tình trạng lây nhiễm của dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tácphòng chống DTLCP tại thành phố Hải Phòng. (Ảnh: KL)

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tácphòng chống DTLCP tại thành phố Hải Phòng. (Ảnh: KL)

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút và chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%. Bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn. Vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn. Bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh, các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.

Trên thế giới, theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 3/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh DTLCP.

Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 3/3/2019, quốc gia này đã thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh.

Tại Liên bang Nga, vi rút DTLCP phát hiện lần đầu tiên vào ngày 4/12/2007. Tính từ năm 2007 đến ngày 25/2/2019, tổng cộng đã có trên 1.000 ổ dịch xuất hiện tại 46 vùng của nước này, làm tổng cộng hơn 800.000 con lợn chết. Theo số liệu của FAO, từ năm 2007 đến giữa năm 2012, bệnh DTLCP đã gây tổn thất trực tiếp và gián tiếp tại nước này khoảng 30 tỷ Rúp (tương đương 1 tỷ USD).

Tại Mông Cổ, ổ dịch đầu tiên được báo cáo vào ngày 15/1/2019. Tính đến ngày 26/2/2019, tổng cộng đã có 10 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh.

Ngoài ra, theo thông tin chưa chính thức, các nước trong khu vực, nhất là các nước có chung biên giới với Việt Nam cũng đã xuất hiện bệnh DTLCP nhưng chưa công bố.

Tại Việt Nam, hiện nay, DTLCP đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hàng nghìn con lợn, gây nhiều tổn thất cho người chăn nuôi.

Kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh từ các nước

Khuyến cáo của OIE và FAO cho thấy, để phòng, chống DTLCP, cần tiêu hủy đàn lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP bằng phương pháp chôn sâu từ 3-4m, đồng thời bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột.

Tại Trung Quốc, nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch đã chỉ ra rằng 3 nguyên nhân chính làm bệnh DTLCP lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Để ngăn chặn dịch bệnh, quốc gia này đã thiết lập vùng dịch với bán kính 3km và vùng đệm xung quanh vùng dịch 10 km. Tạm dừng vận chuyển lợn sống, đóng cửa các chợ buôn bán lợn sống ở các tỉnh có dịch và tỉnh xung quanh liền kề với tỉnh có dịch, đồng thời đẩy mạnh việc vận chuyển thịt lợn thay vì vận chuyển lợn sống giữa các tỉnh. Thực hiện cấm sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn và tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi lợn.

Tại Ba Lan, nghiên cứu cho thấy, có đến 74% trường hợp bệnh DTLCP xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi lợn của nước này là do chưa kiểm soát chặt chẽ, thực hiện quy trình sát trùng người và phương tiện vào các trang trại chăn nuôi lợn và do sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Tại Mông Cổ, để phòng chống DTLCP, hạn chế vận chuyển, kể cả hạn chế việc đi lại của con người trong vùng dịch trong khoảng thời gian từ 14-28 ngày.

Việc tham khảo những biện pháp, cách thức phòng chống dịch cũng như xác nhận nguyên nhân lây nhiễm DTLCP từ các nước nêu trên là kinh nghiệm quan trọng cho Việt Nam học hỏi để góp phần ngăn chặn DTLCP hiệu quả./.

Bùi Thủy

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/tham-khao-kinh-nghiem-cac-nuoc-trong-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-515257.html