Thâm hụt thương mại Mỹ kỷ lục: Do Fed hay Trung Quốc?

Chính sách tiền tệ làm tăng sức khỏe đồng USD thúc đẩy người Mỹ tiêu dùng nhiều hơn, nhập khẩu Mỹ tăng kỷ lục.

Thâm hụt thương mại Mỹ trong tháng 10/2018 chạm mốc cao kỷ lục trong 10 năm qua.

Báo cáo công bố ngày 6/12 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết chênh lệch xuất- nhập khẩu của Mỹ trong tháng 10 đã nhảy vọt 1,7%, chạm mốc 55,5 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại của Mỹ đã vọt lên mức kỷ lục.

Đây là tháng thứ 5 liên tiếp thâm hụt thương mại của Mỹ tăng. Trước đó, trong tháng 9, cán cân thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới thâm hụt 54 tỷ USD.

Thâm hụt nhập - xuất khẩu hàng hóa của Mỹ đạt mức kỷ lục trong tháng 10 với 78 tỷ USD.

Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đạt mức cao, tăng 1,5% đạt 266,5 tỷ USD.

Các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất bao gồm dược phẩm và linh kiện ô tô. Nhập khẩu ô tô cũng ghi nhận con số cao nhất từ trước tới nay là 31,8 tỷ USD. Nhập khẩu một số nhóm hàng như máy tính và thiết bị viễn thông suy giảm nhưng không đủ lực để kéo xuống "thành tích" của các nhóm hàng dược phẩm và ô tô trong tháng 10.

Ngoài ra, nhờ ưu thế từ đồng USD mạnh, người Mỹ cũng đi du lịch nhiều hơn, thúc đẩy nhập khẩu dịch vụ của Mỹ đạt kỷ lục 46,9 tỷ USD trong tháng 10.

Nhập khẩu Mỹ đạt kỷ lục trong khi xuất khẩu của nước này bị ảnh hưởng do chính sách thuế của ông Trump áp đặt lên Trung Quốc.

Chịu tác động từ thuế quan trả đũa của Trung Quốc từ tháng 7, ngành đậu nành của Mỹ bị giảm thêm 800 triệu USD trong tháng 10. Trong khi đó, xuất khẩu máy bay và linh kiện máy bay, cũng thuộc nhóm hàng chịu tác động từ căng thẳng thương mại, đã giảm 600 triệu USD.

Sự thâm hụt thương mại lên mức kỷ lục đối với thương mại Mỹ có thể khiến kinh tế gặp một số rủi ro.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải đối đầu thương mại Mỹ- Trung mà chính việc Cục dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất để đáp ứng với chương trình kích thích tài khóa mới khiến thâm hụt thương mại của Mỹ mở rộng.

Cựu Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen cho biết, không phải những hành động thương mại không công bằng của Trung Quốc khiến thâm hụt của Mỹ lớn tới như vậy.

"Tôi không thấy các hành động thương mại không công bằng ở Trung Quốc, hay bất cứ nơi nào trên thế giới, là những gì phải chịu trách nhiệm cho sự thâm hụt thương mại của Mỹ. Thâm hụt thương mại của Mỹ phản ánh thực tế là người Mỹ hiện chi tiêu nhiều hơn chúng tôi sản xuất ra được, và đành phải nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ quá mức từ phần còn lại của thế giới để đáp ứng nhu cầu đó" - bà Yellen giải thích.

Bà Yellen dự đoán Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất từ ba đến bốn lần trong năm tới "để ổn định tỷ lệ thất nghiệp", điều mà bà cho rằng đã giảm xuống dưới mức mà hầu hết các chuyên gia kinh tế xem là bền vững. Cụ thể là con số này chỉ nằm ở mức 3,7% trong tháng 10 vừa qua.

Lãi suất ở Mỹ cao hơn so với những quốc gia khác hiện gây áp lực lên tỷ giá đồng USD và khi đồng USD mạnh hơn thì xu hướng dẫn đến kim ngạch nhập khẩu cao hơn và xuất khẩu thấp hơn, khiến cho cán cân thương mại bị suy yếu. Đây là một phần lý do khiến thâm hụt thương mại Mỹ mở rộng.

Bà Yellen cho rằng, sự "thèm khát" của Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài đang "giúp" tạo ra thâm hụt thương mại.

"Một quốc gia mà hầu như ai cũng đã có được công ăn việc làm trước khi các đợt cắt giảm thuế gần đây diễn ra, và chi tiêu bổ sung đã thúc đẩy chính sách tài khóa mở rộng. Điều đó đã đẩy nền kinh tế Mỹ đến mức mà có lẽ là quá nóng" - cựu Chủ tịch Fed nhận xét.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tham-hut-thuong-mai-my-ky-luc-do-fed-hay-trung-quoc-3370601/