Thâm hụt ngân sách Nhà nước tại Việt Nam đang ở mức cao nhất trong khu vực

Trong giai đoạn 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách Nhà nước thường xuyên ở mức cao, và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực.

 Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019

Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019

Thông tin trên được PGS.TS Ngô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019”, do trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng 25/3 tại Hà Nội.

Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao

Theo ông Thành, năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua, đồng thời chất lượng tăng trưởng có cải thiện. Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

“Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng đã đương đầu với nhiều sức ép. Dự địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng tăng” – ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, trong giai đoạn 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách Nhà nước (NSNN) thường xuyên ở mức cao, và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực.

Theo đó, Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi, và hệ quả là nợ công gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Thực trạng này cũng dẫn đến Chính phủ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Để phản ứng lại với những bất ổn vĩ mô do hậu quả của thâm hụt tài khóa kéo dài, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác thường áp dụng các biện pháp mang nặng tính hành chính như kiểm soát giá trong nước, áp trần lãi suất và tín dụng, kiểm soát tỷ giá, cắt giảm đầu tư công…

“Những biện pháp ít tính thị trường này chỉ có tác động ngắn hạn, nhưng có rủi ro gia tăng sự thiếu hụt tổng cung do chúng bóp méo thị trường các yếu tố sản xuất trong nước, nguồn lực sẽ được phân bổ không hợp lý, do vậy làm giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Điều này làm cho việc kiềm chế thâm hụt ngân sách càng khó khăn hơn, và việc tăng hoặc áp thuế/phí mới là một trong những biện pháp mà cuối cùng Chính phủ có thể sử dụng.

Gánh nặng thuế/phí cao sẽ làm giảm động cơ sản xuất, giảm tiết kiệm và đầu tư của khu vực tư nhân, và đẩy nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn hơn” – ông Thành phân tích.

Ông Thành nhấn mạnh, thâm hụt ngân sách và nợ công cao như hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vũng trũng suy giảm và tiến vào quỹ đạo tăng trưởng mới.

Ở khu vực tài chính ngân sách, ông Thành cho biết, Việt Nam vẫn ở trong tình trạng có mức mất cân bằng ngân sách cao so với các nước trong khu vực. Thâm hụt ngân sách cao qua các năm đã khiến nợ công gia tăng và so với nhiều nước đang phát triển thì Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ nợ công cao.

Tỷ lệ nợ công trên DGP ước đạt 61,4% GDP năm 2018. Mặc dù tỷ lệ này vẫn nằm trong mức trần nợ công 65% Quốc hội cho phép, nhưng quy mô nợ gia tăng đang khiến mức chi trả nợ lãi vay ngày càng cao, theo đó, tỷ lệ ngân sách còn lại đầu tư cho phát triển suy giảm.

Đặc biệt theo ông Thành, dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng các khoản nợ công của Việt Nam vẫn chưa tính đủ các gánh nặng nợ tiềm tàng từ hoạt động của khu vực ngoài ngân sách như hoạt động của BHXH, BHYT, khu vực ngân hàng và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thách thức

Ngoài ra, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng hơn, khiến cho nợ công có thể trở nên mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ…

Kinh tế Việt Nam năm 2019 đối diện nhiều thách thức

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong năm 2019, Việt Nam có thể tận dụng được một số tác động tích cực từ diễn biến kinh tế thế giới; dòng đầu tư quốc tế có thể có sự dịch chuyển từ điểm đến là Trung Quốc sang các quốc gia khác, tăng cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc đang chịu sự trừng phạt của Mỹ... Tuy vậy, kinh tế Việt Nam năm 2019 cũng sẽ đối diện với nhiều thách thức.

“Đó là những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới; rào cản thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh. Khó khăn nữa là dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp khi lạm phát năm 2019 có thể sẽ cao hơn 2018. Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát cơ bản ổn định và thấp do tốc độ tăng trưởng tín dụng 2019 theo kế hoạc chỉ tương đương 2018, nhưng các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh (ví dụ giá định, giá dịch vụ y tế, giáo dục…). Ngoài ra là tác động đáng kể của việc tăng giá xăng dầu do tăng thuế môi trường xăng dầu lên mức kịch trần (được áp dụng từ 1/1/2019) – GS. Đạt chỉ ra.

Theo TS. Ngô Trung Thành, để cải thiện tình trạng này, Chính phủ cần tăng cường chính sách trọng cung, phát triển kinh tế tư nhân. “Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là một động lực quan trọng, mà cần khẳng định là động lực cơ bản, là trụ cột chính nhằm tạo ra được những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng” – ông Thành nói.

Bên cạnh đó cần thay đổi chính sách ưu đãi cho khu vực FDI. Cụ thể là giảm dần việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế một cách tràn lan, “xé rào” ở các địa phương; rà soát lại toàn bộ các quy định pháp lý về ưu đãi thuế đối với các dòng vốn FDI kém chất lượng.

Ngoài ra, cần tăng cường khả năng chống đỡ tốt hơn những cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời, cần cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng.

Đặc biệt, theo ông Thành cần cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển, chỉ bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm chống dàn trải, lãng phí, thất thoát, tham nhũng…

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/tham-hut-ngan-sach-nha-nuoc-tai-viet-nam-dang-o-muc-cao-nhat-trong-khu-vuc-160444.html