Thâm hụt ngân sách Mỹ cao kỷ lục do chi tiêu tăng mạnh

Trong tháng 10 vừa qua, Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt ngân sách kỷ lục 284,1 tỷ USD, gần gấp đôi so với mức thâm hụt trong cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh nguồn thu giảm sút trong khi chi tiêu để giải quyết những hậu quả do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra lại tăng vọt.

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/11 cho thấy con số trên cũng vượt mức thâm hụt ghi nhận được hồi tháng 10/2009, ở mức 176 tỷ USD, khi chính phủ phải mạnh tay chi tiêu để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chỉ tính riêng tháng 10, tổng chi tiêu ngân sách chính phủ ở mức 521,8 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao kỷ lục trong tháng này. Sự tăng vọt chi tiêu được ghi nhận trong các cơ quan chính phủ khác nhau trong nỗ lực giảm nhẹ hậu quả của tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19. Ngược lại, nguồn thu giảm khoảng 3,2% xuống 237,7 tỷ USD, phần nào phản ánh việc giảm thuế thu nhập cá nhân, khi hàng triệu người Mỹ mất việc do đại dịch.

Xét toàn bộ tài khóa 2020 (kết thúc ngày 30/9 vừa qua), thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 3.100 tỷ USD, vượt mốc thâm hụt kỷ lục 1.400 tỷ USD được xác lập hồi năm 2009. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo mức thâm hụt trong tài khóa 2021 hiện nay sẽ vẫn trên 1.000 tỷ USD, cụ thể ở mức khoảng 1.800 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt lớn thứ hai song có sự cải thiện hơn mức thâm hụt 3.100 tỷ USD trong tài khóa 2020.

Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc trong việc thông qua gói kích thích kinh tế mới khi đảng Dân chủ mong muốn số tiền cứu trợ lớn hơn mức đảng Cộng hòa sẵn sàng chi. Trong khi đó, việc truyền thông Mỹ đưa tin ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, song đương kim Tổng thống Donald Trump từ chối công nhận kết quả càng khiến triển vọng thông qua gói kích thích kinh tế mới thêm mờ mịt.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ bị thất nghiệp và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn dịch lây lan. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 3.000 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES), được ban hành tháng 3 vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19, đã hết hạn và cần một gói cứu trợ mới trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tham-hut-ngan-sach-my-cao-ky-luc-do-chi-tieu-tang-manh-20201113135332254.htm