Thăm hỏi cũng cần đúng lúc, đúng chỗ

Những ngày qua, vụ việc 7 người tử vong, 5 người hôn mê sâu do sốc ma túy tại Lễ hội Âm nhạc Hồ Tây 'Trip to the Moon' đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Cho tới lúc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã xác định được chất ma túy Ketamin có trong một số tang vật bị thu giữ tại hiện trường, vì vậy đã khởi tố vụ án hình sự với các tội danh: "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy" và "Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy".

Dư luận quan tâm tới vụ việc này không chỉ bởi cùng lúc có tới 12 người chết và hôn mê vì sốc ma túy mà còn bởi sau đó, ngày 17-9, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý và Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã vào thăm hỏi 5 thanh niên đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện E.

Minh họa Lê Tâm

Theo báo cáo của hai bệnh viện thì qua test nhanh với các trường hợp này đều cho thấy kết quả dương tính với ma túy đá, cần sa và thuốc lắc. Vì thế điều mà nhiều người quan tâm là với những thanh niên may mắn thoát chết, sau khi ra viện sẽ bị xử lý như thế nào?

Nhìn từ góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội) đã đưa ra quan điểm: Theo quy định của Bộ Luật Hình sự hiện hành thì các cá nhân sử dụng trái phép các chất ma túy không bị coi là tội phạm nên hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, pháp luật buộc công dân phải nhận thức được khi tự mình sử dụng chất kích thích sẽ dẫn tới làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó, phải chịu trách nhiệm tương ứng với hậu quả gây ra. Pháp luật không miễn trừ xử lý trách nhiệm khi sử dụng chất kích thích.

Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, đã quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Vì vậy luật sư Thơm cho rằng cần phải xử lý hành chính những người sử dụng ma túy để răn đe và ngăn ngừa tệ nạn.

Ngay sau khi thông tin về việc ông Quý đi thăm kèm theo bức ảnh ông tặng phong bì cho 1 trong số 5 thanh niên đang điều trị tại bệnh viện được đăng tải trên báo, đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Ngoài số ít ý kiến ủng hộ thì phần đông đều cho rằng việc ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố đi thăm và tặng quà cho 5 thanh niên này là phản cảm.

Lý giải cho việc đi thăm này, ông Quý cho biết sau khi nắm bắt được sự việc, sáng 17- 9, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã họp chỉ đạo khắc phục sự cố, tập trung vào 4 nội dung.

Trong đó có giao cho lãnh đạo Thành phố cùng Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Y tế đến bệnh viện thăm các nạn nhân, động viên các bác sĩ tích cực cứu chữa giảm thiểu các ca tử vong. "Với tinh thần đó, lãnh đạo thành phố đã đến thăm động viên các bác sĩ để làm sao cứu chữa giảm thiểu tối đa các ca tử vong mà các cháu ở đây tuổi còn rất trẻ", ông Quý nói và cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ việc và trách nhiệm đến đâu thì sau khi công an làm rõ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Quý, đối với các nạn nhân sau đêm nhạc hội, quan điểm chung của toàn xã hội cũng như văn bản quy định của Chính phủ là không bỏ rơi những người nghiện ngập, làm sao kéo họ lại với xã hội.

Tuy nhiên, trước lời giải thích này của ông Phó Chủ tịch Thành phố, nhiều người vẫn không đồng tình và đặt câu hỏi việc lãnh đạo Thành phố dành thời gian để đi thăm những nạn nhân này có hợp lý hay không khi xã hội còn rất nhiều những mảnh đời đáng thương, khốn khổ hơn?

Nhiều người cho rằng 7 nạn nhân tử vong ở công viên nước Hồ Tây có độ tuổi từ 19 tới 29; 5 nạn nhân cấp cứu chỉ có 1 cháu 18 tuổi, còn lại đều ngoài 20 tuổi; nghĩa là theo quy định của pháp luật thì những người ở độ tuổi ấy buộc phải ý thức được sự nguy hiểm khi sử dụng ma túy.

"Vì vậy các anh các chị đừng có thương vay khóc mướn, bảo các cháu không biết gì, phải nâng đỡ các cháu... Bằng ấy tuổi mà cắn thuốc thì đừng có nói con tôi ngoan lắm, cháu bị dụ dỗ, lôi kéo", một người bình luận.

Khi đi vào bệnh viện thăm hỏi các nạn nhân, có lẽ ông Quý cũng không hình dung được rằng một việc làm tưởng như rất bình thường ấy lại khiến dư luận "nổi sóng" như vậy. Bình luận về câu chuyện thăm hỏi này, một vị đại biểu Quốc hội cho rằng: "Đã là người lãnh đạo thì người ta phải biết điểm nào là điểm quan tâm, cần ưu tiên. Tất cả chúng ta đều có những hoạt động như thế (thăm hỏi, chia sẻ), trong chính sách cũng có khái niệm ưu tiên, ưu đãi… Mình cũng phải có những điểm ưu tiên. Vấn đề là phải hết sức cân nhắc".

Đúng là cũng nên cân nhắc bởi khi các vị đại diện cho chính quyền thì dù là đi thăm hỏi thôi, nhưng việc làm ấy sẽ luôn có "quan trên trông xuống, người ta trông vào", vì thế, khi đứng trước một sự việc cụ thể sẽ phải cân nhắc ứng xử thế nào cho phù hợp.

Tân Lương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/tham-hoi-cung-can-dung-luc-dung-cho-511531/