Thảm họa sông băng bị xóa sổ

Bức ảnh gây sốt chụp hàng dài khách du lịch mòn mỏi đợi leo núi để chinh phục đỉnh Everest khiến nhiều người lo lắng về nóc nhà của thế giới bị vắt kiệt vì mục đích thương mại. Nhưng đó chỉ là một trong những vấn đề cỏn con so với thực trạng đau đầu hơn mà các quốc gia hạ lưu phải đối mặt - các sông băng trên dãy Himalaya đang tan chảy quá nhanh.

Bức ảnh gây sốt chụp hàng dài khách du lịch mòn mỏi đợi leo núi để chinh phục đỉnh Everest khiến nhiều người lo lắng về nóc nhà của thế giới bị vắt kiệt vì mục đích thương mại. Nhưng đó chỉ là một trong những vấn đề cỏn con so với thực trạng đau đầu hơn mà các quốc gia hạ lưu phải đối mặt - các sông băng trên dãy Himalaya đang tan chảy quá nhanh.

* * *

Các sông băng thuộc Himalaya và các dãy núi lân cận là khởi nguồn cho các con sông lớn nhất của châu Á như sông Hằng, sông Ấn, Mekong, Dương Tử, Hoàng Hà, Amu Darya, Salween, Irrawaddy và Brahmaputra. Các lưu vực sông này là các vựa lúa nuôi sống khoảng 3 tỷ người trên toàn thế giới và tạo ra 4,3 nghìn tỷ USD GDP hàng năm.

Tuy nhiên, do áp lực môi trường, cạnh tranh trong khu vực và quản lý không hiệu quả, dòng chảy sự sống này hiện đang phải đối mặt với sự gián đoạn, từ đó gây ra xung đột cục bộ trong khu vực. Đã đến lúc các nước châu Á học hỏi từ những nỗ lực từ quốc tế để bảo vệ các tài nguyên môi trường quan trọng khác - như Bắc Cực, và kết hợp với Hội đồng Himalaya.

Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan là các quốc gia có nhu cầu sử dụng nước lớn thứ nhất, thứ hai và thứ tư trên toàn thế giới. Kể từ những năm 1970, nhu cầu nước ở ba quốc gia này đã tăng gần một nửa khiến nước đang dần trở thành tài nguyên khan hiếm.

Tại khu vực hạ lưu thuộc dãy Hindu Kush – một phần của Himalaya, tại Nam Á với hơn 250 triệu dân ở Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan, lượng nước mặt và nước ngầm hàng tháng đều vượt quá nguồn cung sẵn có.

Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán việc sử dụng nước trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng thêm 30 - 40% vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.

Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức về nước của dãy Himalaya, cùng với đó là những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán được dự báo sẽ tăng về tần suất và mức độ.

Nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng các dòng sông đã mất khoảng 35cm băng mỗi năm kể từ năm 2000, tốc độ tan chảy đã nhanh hơn nhiều so với giai đoạn 25 năm trước. Trong những năm gần đây, sông băng đã mất khoảng 8 tỷ tấn nước mỗi năm, tương đương với lượng nước trong 3,2 triệu bể bơi có kích cỡ chuẩn Olympic.

Vào tháng 2/2019, một báo cáo do Trung tâm Quốc tế vì sự phát triển của các rặng núi (ICIMOD) ban hành đã cảnh báo rằng dãy Himalaya có thể mất đi 1/3 lượng băng tới cuối thế kỷ này, ngay cả khi thế giới có thể hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng đó là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mục tiêu này đã được các nhà khoa học xác định là rất quan trọng để ngăn chặn các đợt nắng nóng thảm khốc và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác, tuy nhiên vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng thêm 1 độ trong 150 năm qua. Cùng với đó là sự gia tăng của lượng khí thải nhà kính. Các chuyên gia ước tính rằng nhiệt độ trên Trái đất có thể tăng từ 3-5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Một nghiên cứu khác, được công bố vào tháng 5 vừa qua, cho thấy các sông băng ở dãy Himalaya đang tan chảy nhanh hơn vào mùa hè trước khi được bổ sung thêm tuyết vào mùa đông. Hiện tượng tan chảy sông băng là một trong những hậu quả rõ rệt nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng nhiệt độ, khi nguồn nước từ thượng lưu dần cạn kiệt cũng là lúc con người lâm vào cảnh khan hiếm nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất lương thực.

Trong một thời gian ngắn, các sông băng tan chảy gây ra tình trạng lũ lụt, đe dọa tới mạng sống của hàng trăm triệu người tại các khu vực hạ lưu. Về lâu dài, việc các sông băng biến mất đồng nghĩa với việc châu Á sẽ không có nguồn cung cấp nước tự nhiên, ảnh hưởng đến sinh kế, an ninh lương thực và sản xuất năng lượng trên khắp châu Á.

Ông Tobias Bolch, khoa Địa lý của Đại học Zurich cho biết: “Hiện tượng tan băng sẽ khiến cho mực nước sông Ấn tăng nhanh, điều này làm tăng nguy cơ gây lũ lụt cho các vùng hạ lưu, ngoài ra các lớp băng vĩnh cửu khi tan chảy có thể làm mất ổn định cấu tạo địa chất của các ngọn núi tại thượng nguồn”.

Lưu vực sông Ấn, vốn phụ thuộc rất lớn từ nguồn nước do tuyết và băng tan, đã là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Những rủi ro này có thể sẽ tiếp tục gia tăng vì sự xuất hiện của các đập thủy điện, bao gồm các dự án ở Pakistan được Trung Quốc hỗ trợ theo kế hoạch Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Theo Ngân hàng Thế giới, nếu không có các biện pháp đối phó tích cực, áp lực kinh tế xã hội kết hợp và tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp nước có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội từ 6% trở lên trên đối với hầu hết các quốc gia thuộc dãy núi Hindu Kush vào năm 2050.

Tuy nhiên, bức tranh về tài nguyên nước châu Á hết sức phức tạp. Hầu hết các con sông lớn chảy từ Himalaya đều đi qua ít nhất hai quốc gia.

Chẳng hạn, một con đập được xây dựng để cung cấp thủy điện cho quốc gia nằm ở thượng lưu, có thể thay đổi dòng chảy của sông và lưu lượng nước, gây ảnh hưởng tới sinh kế của các quốc gia hạ lưu.

Nếu không có sự hợp tác, giao tiếp hiệu quả giữa các quốc gia để giúp khắc phục vấn đề, sự ngờ vực và tranh chấp có thể gây mâu thuẫn và xung đột lợi ích.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần một Hội đồng Himalaya, tương tự như Hội đồng Bắc Cực. Cho đến nay, gần như không có nỗ lực nào nhằm xây dựng các cấu trúc quản trị đa phương để quản lý “tháp nước của châu Á”. Chẳng hạn, hiện vẫn chưa có một cơ chế hoặc thỏa thuận hợp tác nào được ký kết giữa các quốc gia có 8 con sông lớn bắt nguồn từ Himalaya chảy qua.

Trong khi đó, Bắc Cực lại cung cấp một mô hình thích hợp. Hội đồng Bắc Cực, được thành lập năm 1996, thúc đẩy việc trao đổi thông tin và quản lý môi trường tại Bắc Cực, từ kiểm soát ô nhiễm đến bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Để củng cố nhiệm vụ này, các nhóm cố vấn khoa học sẽ thu thập và đánh giá dữ liệu giám sát và nhiều thông tin khác, từ đó báo cáo lên hội đồng. Các hoạt động hợp tác mang tính xây dựng giữa 8 quốc gia thành viên của hội đồng, bao gồm cả Nga và Mỹ, đều được thúc đẩy mạnh mẽ, bất chấp các mâu thuẫn vốn có giữa hai nước.

Châu Á cần một tổ chức tương tự được thiết lập để cải thiện việc quản lý các hệ sinh thái xuyên biên giới và tài nguyên thiên nhiên bắt nguồn từ dãy Himalaya, tổ chức này sẽ có khả năng xây dựng niềm tin và tạo môi trường tương tác giữa các quốc gia, vốn thường xuyên có những sự canh tranh lợi ích gay gắt.

Trong nhiều thập kỷ qua, ICIMOD, một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Kathmandu, đã đóng vai trò là “trung tâm chia sẻ kiến thức và học tập” cho 8 quốc gia thuộc dãy Hindu Kush.

Mặc dù nhiệm vụ của ICIMOD hạn hẹp hơn nhiều so với nhiệm vụ của Hội đồng Himalaya, nhưng sự tồn tại và hoạt động của nó là minh chứng rõ nét cho thấy hợp tác đa phương chính là tương lai để bảo tồn tài nguyên nước cho châu Á.

Thiết kế: Mẫn San

Huy Vũ

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/tham-hoa-song-bang-bi-xoa-so-150498.html