Thám hoa Phan Thúc Trực

Phan Thúc Trực (1808-1852) sinh giờ Mão ngày 12-2 năm Mậu Thìn (1808) tại làng Phú Ninh, tổng Vân Tụ, nay thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tên tự của ông là Sư Mạnh, hiệu là Hành Quí, Bồ phong Cẩm Đình, Dưỡng Hạo Hiên, đỗ Thám hoa triều Nguyễn, là nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà địa lý học trong lịch sử Việt Nam. Nguyên tên của ông thời kỳ đi học và thi cử là Phan Dưỡng Hạo, sau này (có thể là đến năm 1847) mới đổi là Phan Thúc Trực (?).

Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi - họ Phan - có đến 7 đời đăng khoa. Cha là cụ Phan Vũ, một tú tài nổi tiếng hay chữ, được dân trong vùng thường gọi là cụ "Nho bồ" với hàm ý là một bồ chữ. Được cha và các thầy đồ trong vùng dạy dỗ chu đáo, từ nhỏ Phan Dưỡng Hạo đã nổi tiếng là thần đồng và "Hầu như chẳng sách nào không đọc, đã đọc sách là quên hết mọi việc và đọc đến đâu nhớ đến đó". Năm 16 tuổi, Phan đỗ đầu xứ trong kỳ khảo hạch “Tiến ích” của tỉnh nên càng nổi tiếng khắp vùng. Nhưng rồi do hoàn cảnh gia đình (mồ côi cha từ 10 tuổi), ông phải đi dạy học để có điều kiện học tiếp, thi tiếp. Tuy nhiên việc thi cử sau đó của ông cũng rất lận đận, liên tiếp nhiều khoa thi Hương cũng chỉ đỗ tú tài.

Theo quy chế thời Nguyễn, đỗ cử nhân mới được đi thi Hội, nhưng đến năm Ất Tị (1845), nhà vua có chiếu chỉ đặc cách cho những ai đỗ 7 khoa tú tài trở lên được vào học ở trường Quốc Tử Giám ở Huế để rèn luyện văn bài và đi thi Hội. Gặp được điều may mắn đó, ông thi Hội tháng 3 năm Đinh Mùi (1847) và đỗ tiến sĩ. Tháng 4 cùng năm vào thi Đình, vua ra đề và cả duyệt bài thi. Khi đọc văn ông, ngài đã phê: Đặc ân cho Phan Thúc Trực đệ nhất giáp tiến sĩ, cập đệ đệ tam danh (tức Thám hoa). Triều Nguyễn không lấy Trạng nguyên, khoa ấy triều đình không lấy Bảng nhãn, nên ông được đậu Đình Nguyên. Như vậy Phan Thúc Trực là người đầu tiên ở Nghệ An đỗ đầu (thủ khoa) kỳ thi Đình triều Nguyễn. Khi về làng xã làm lễ vinh quy bái tổ, cạnh tấm biển “Ân tứ vinh qui” còn có tấm biển “Khôi đa sĩ” (đứng đầu trong đám đông kẻ sĩ) do vua Thiệu Trị ban tặng. Văn thân Nghệ Tĩnh có trướng chúc mừng.

Sau khi vinh quy bái tổ, ông được bổ làm Hàn lâm viện trước tác, sau được thăng Thừa chỉ, thẻ ngà khắc là "Tứ Phan Thúc nhập các", tức làm việc trong cung vua. Mùa xuân năm sau Viện Tập hiền mới đã được xây dựng xong, ông được sung vào Viện phụ trách việc tuyển trạch văn chương, sau đó được thăng Y viện thị giảng, hàm tụng ngũ phẩm, rồi sung Kinh diên Khởi cu chú. Làm việc ba năm tại Viện, ông luôn luôn được gần gũi bên cạnh nhà vua, nhiều lần vâng lệnh làm thơ văn, được vua khen ngợi và được ban thưởng khá hậu.

Ngày 1/7 năm Tân Hợi (1851), cùng một người đồng sự là Trần Đỗ Tích phụng chỉ đi ra bắc “cầu di thư”, tức sưu tầm những thư tịch cổ có giá trị trong các thư viện tư nhân. Ông đã ra Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng và nhiều tỉnh ở phía Bắc thu thập được những tác phẩm quí. Năm 1852, khi từ ngoài Bắc trở về, đến Thanh Hóa thì đột ngột lâm bệnh và qua đời ngày 13/10 năm đó, hưởng dương 44 tuổi.

Được tin, vua Tự Đức vô cùng thương tiếc, truy phong là “Thị giảng học sĩ”, trật tòng tứ phẩm và phái Tổng đốc Nghệ An mang phẩm vật tới viếng cùng bức trướng với 4 chữ “Học cao, hạnh thuần” (Học vấn cao thâm, đức hạnh thuần hậu). Gần 30 năm sau, theo sách “Đại Nam thực lục”, vua Tự Đức còn ca ngợi thực tài, thực học của ông.

Về gia đình, ông có hai người vợ, bà đầu là Tạ Thị Biện sinh được hai người con nhưng bà mất sớm. Sau đó ông lấy bà Nguyễn Thị Nhu sinh thêm hai con nữa. Các con trai là Phan Thúc Vĩnh đỗ cử nhân, Phan Thúc Định đỗ tú tài.

Với quãng đời ngắn ngủi, nhưng ông đã để lại cho đời 13 tác phẩm, gồm các thể loại: Về lịch sử có “Quốc sử di biên”, “Trần Lê ngoại truyện”, “Diễn Châu phủ chí”, về địa lý có “Diễn Châu Đông Thành huyện thông chí”, về văn thơ có “Vị Thành chi Kim thạch di văn tập”, “Cẩm Đình văn tập”, “Cẩm Đình thi tập”, “Hiệu tần thi tập”, “Tứ phương lan phả thi tập”, “Bắc hành nhật lan phổ thi tập”, “Nam hành nhật lan phổ thi tập”, “Cẩm Đình thi văn tuyển tập”, “Cẩm Đình trướng văn bi ký tập” (tập này hiện chưa tìm thấy mà chỉ thấy ghi trong gia phả).

Tác phẩm “Quốc sử di biên” bổ sung những điều còn thiếu sót hoặc ghi chưa đúng trong sách Quốc sử của triều đình được Giáo sư Trần Kính Hòa người Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, “Quốc sử di biên” chiếm một địa vị trọng yếu trong loại sử triều Nguyễn. Do có điều kiện đi nhiều nơi… và được ở trong cung vua nên tác giả thu thập được nhiều thông tin có độ tin cậy cao!

Tập thơ “Cẩm Đình thi tập” gồm 375 bài, trong đó có 369 bài thơ chữ Hán và 6 bài thơ Nôm. Thơ ông phản ánh hiện thực làng quê Việt Nam, nói lên tình yêu nhân dân, tình yêu thiên nhiên và tình nghĩa thắm thiết của những người trong gia đình, dòng họ. Về thơ chữ Hán nổi bật là 10 bài thơ khóc vợ. Vì bà vợ mất sớm nên ông phải lâm cảnh “gà trống nuôi con” nên rất thương vợ, có lúc gọi bà là “giai nhân” (người đẹp).

Tác phẩm “Đông Thành huyện thông chí” nói về duyên cách địa lý, về sông núi, về sự thay đổi tên gọi của các làng xã qua các thời đại ở hai huyện Yên Thành, Diễn Châu. Sách còn ghi tiểu sử một số nhân vật nổi tiếng ở hai huyện này. Ngoài ra, Phan Thúc Trực còn là một nhà folklore (văn hóa dân gian), được Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An tôn vinh là ông Tổ của ngành này và cũng là người hiểu biết nhiều về kinh tế nông nghiệp.

Tuy sống gần vua nhưng Quan Thám rất quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Dân chúng biết ông là người thanh liêm, chính trực và đức độ nên khi có dịp thường đến nhờ cậy ông. Những bổng lộc và phần thưởng triều đình ban cho, ông thường mang phân phát cho dân, ai thiếu gạo ông cho gạo, ai thiếu tiền ông cho tiền, còn ai có vấn đề oan khuất thì ông giúp họ kêu oan.

Thời bấy giờ, cánh đồng rộng lớn phía đông làng Phú Ninh cứ mỗi lần thủy triều dâng lên thường bị nước mặn từ sông Hang - dòng sông nhỏ nhưng sâu, nước chảy xiết đi qua phía bắc lèn Bảo Nham. Nước từ sông Vũ Giang (còn có tên là sông Cẩm Giàng) đổ xuống sông Hang để ra sông Điển rồi theo sông Bùng ra biển tràn vào làm cho đồng ruộng bị nhiễm mặn phải bỏ hoang. Thấy vậy, những lần về quê, ông đã cùng dân làng tổ chức đắp đê ngăn mặn, nắn dòng chảy tháo nước mặn chảy ra sông Vũ Giang, đắp đập để dâng nước lên cho dòng nước chảy ra phía bắc làng, cùng với nước ngọt từ bàu Liên Trì và rộc Mậu Long từ phía tây bắc làng chảy xuống rửa sạch phèn chua mặn để dân làng Phú Ninh có thể cày cấy.

Những năm dạy học ở Thanh Hóa ông đã mang về một số giống lúa có năng suất cao hơn cho dân Phú Ninh và các làng trong vùng cấy trồng. Đặc biệt có giống lúa nếp Rồng thơm ngon nổi tiếng được nhân dân tổng Vân Tụ và huyện Yên Thành lưu truyền mãi cho đến sau này.

Vào mùa lũ lụt, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, làm cho đoạn đê nằm ngang phía cuối sông (nay là đoạn chạy qua trước cổng UBND xã Khánh Thành) hay bị vỡ khiến nhiều nhà bị ngập nước... Ông đã hướng dẫn dân chúng đắp một con đê phía trong lòng sông để giảm lực đẩy của nước vào đê chính, cho trồng nhiều cây chịu nước như cây Tre, cây Hóp, cây Cừa, cây Lộc mưng, cây Dừa, cây Vội... có rất nhiều rễ để chống xói mòn, chắn sóng tốt và không bị đổ vào mùa mưa bão. Nhân dân đặt tên cho con đê đó là "bờ hàn".

Là một người sùng đạo Phật, ông đã vận động và cùng dân chúng xuất tiền của để tu sửa chùa Non Nước (nay thuộc xóm Tiên Khánh, xã Khánh Thành) bên cạnh bờ phía nam sông Vũ Giang, tạo điều kiện để các Phật tử trong vùng có nơi sinh hoạt tâm linh.
Với tấm lòng và những việc làm đó, sau khi ông mất, dân làng đã dựng đền Nhà quan, sau này gọi là đình Phú Ninh để thờ Ngài cùng hai quan võ trong làng. Tên ông được đặt cho một trường Trung học Phổ thông tại phía nam huyện Yên Thành và ở thành phố Vinh cũng có một con đường mang tên ông.

Thám hoa Phan Thúc Trực là một tấm gương sáng chói của một nhân cách cao cả, là tấm gương sáng vượt khó học tập, kiên trì thi cử thành tài, thành danh để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước - một Danh nhân Văn hóa Việt Nam thế kỉ XIX, niềm tự hào của quê hương xứ Nghệ. Tiên sinh thật xứng đáng với câu ngợi khen mà quan Tham tri Trương Quốc Dụng dành cho:
Bách hoa đầu thượng nhất chi mai
(Một nhành hoa mai trên cả trăm đóa hoa).

Nguyễn Tâm Cẩn - Phan Bá Hàm
(Hội viên hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tham-hoaphan-thuc-truc-tintuc432911