Thảm họa 'ô nhiễm trắng' đe dọa môi trường

'Ô nhiễm trắng' là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường. Ô nhiễm trắng xảy ra khi chúng ta sử dụng quá nhiều túi nilon nhưng không được xử lý đúng cách dẫn đến tích tụ trong môi trường và hệ sinh thái.

Ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết - Ảnh: Internet

Ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết - Ảnh: Internet

Ngày 8.11, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn), tổ chức ICLEI (Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) và Đại sứ quán Hà Lan, tổ chức hội thảo “Giảm thiểu rác thải nhựa – Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân”.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7 - 8%. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày.

Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Theo ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở TN&MT, ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải phải sự chung tay, cam kết mạnh mẽ của các ngành, các cấp, các tỉnh thành và các thành phố trong khu vực để giảm thiểu vấn nạn này.

Cụ thể, đầu tháng 6.2019, 41 Đại sứ quán và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã cùng thông qua việc ký kết Quy tắc Ứng xử nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa; kêu gọi một quy tắc chung trong các hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích các bên liên quan cam kết thực hiện và chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam cho thế hệ tương lai.

Về phía các doanh nghiệp, với cam kết trách nhiệm xã hội, họ đã bắt đầu thực hành quản lý và hạn chế rác thải nhựa. Ngoài ra, các doanh nghiệp xã hội cung cấp sản phẩm thay thế để hạn chế rác thải trong tiêu dùng và thực phẩm sạch không chất độc hại như Xanh Shop, Sạp hàng chàng Sen, Lại Đây Refill Station… đã đi vào cuộc sống.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/tham-hoa-o-nhiem-trang-de-doa-moi-truong-125209.html