Thảm họa nhà thờ Đức Bà Paris: Hệ thống phòng cháy lỗi

Mới đây, Benjamin Mouton, kiến trúc sư phụ trách việc xây dựng tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã thừa nhận về sai sót trong hệ thống phòng cháy do ông dựng lên, có thể đã dẫn đến thảm họa hỏa hoạn ở di sản văn hóa nổi tiếng này.

Trả lời phỏng vấn phóng viên báo New York Times, kiến trúc sư Benjamin Mouton đã tiết lộ rằng ông chính là người phụ trách xây dựng lên hệ thống phòng cháy tại Nhà thờ Đức Bà. Toàn bộ hệ thống này đều được xây dựng với trọng tâm nằm ở khu vực gác mái, nơi được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ sồi và cực kì dễ cháy.

Theo tính toán của Mouton, nếu nhà thờ bị cháy, khu vực gác mái của nhà thờ sẽ cháy chậm nhất do làm bằng gỗ sồi và lực lượng an ninh, cứu hỏa sẽ có nhiều thời gian để dập tắt đám cháy. Ngoài ra, khác với những di tích lịch sử khác tại Pháp, hệ thống báo cháy do Mouton thiết kế không hề báo động ngay lập tức đến lực lượng cứu hỏa.

Theo đúng quy trình, khi nghe chuông báo cháy, một nhân viên an ninh của nhà thờ sẽ phải “thân hành” đến nơi có báo động. Nếu thấy có cháy, người nhân viên sẽ gọi đến bộ phận lính cứu hỏa. Trong trường hợp vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, khu mái gác là nơi bắt lửa đầu tiên.

Điều đó có nghĩa là khi chuông báo cháy vang lên, người nhân viên đã phải mất ít nhất 6 phút để leo lên hàng trăm bậc thang để đến gác mái và gọi điện cho lính cứu hỏa đến trong 10-15 phút. Tổng cộng trung bình 20 phút trôi qua kể từ khi đám cháy bắt đầu.

Vào buổi tối định mệnh hôm 15/4, khi ngọn lửa bắt đầu len lỏi ở khu vực gác mái, chuông báo cháy đã phát đi tiếng chuông đầu tiên vào lúc 6h20 tối 15/4/2019. Một nhân viên an ninh đã lên kiểm tra và… đi xuống sau khi không thể tìm thấy thấy dấu hiệu đám cháy nào.

Mãi đến khi chuông báo cháy kêu lần hai lúc 6h43, một nhân viên khác mới bắt đầu lên kiểm tra gác mái lần nữa và khi đó toàn bộ gác mái đang chìm trong biển lửa và cuối cùng đến 6h51, lực lượng cứu hỏa Paris mới nhận được tin báo nhà thờ cháy.

 Mất đến tận 30 phút kể từ khi đám cháy bắt đầu, lực lượng cứu hỏa mới nhận được tin báo cháy.

Mất đến tận 30 phút kể từ khi đám cháy bắt đầu, lực lượng cứu hỏa mới nhận được tin báo cháy.

Theo giáo sư Glenn Corbett, giảng viên Đại học John Jay, nguyên nhân khiến người nhân viên trên không đi kiểm tra có lẽ là do hệ thống báo cháy đã không chỉ rõ ràng vị trí của đám cháy. Hệ thống gác mái của nhà thờ rất phức tạp. Nếu kiến trúc sư phụ trách không dựng lên hệ thống chuông có khả năng định vị rõ ràng vị trí đám cháy thì tất nhiên, không ai có thể xác định đúng được nơi xảy ra hỏa hoạn.

Gullaume Poitrinal, Chủ tịch Hiệp hội Quảng bá Di sản Patrimoine, tiếc nuối: “Đáng lẽ ra thảm họa này đã có thể tránh được với hệ thống báo cháy hiện đại”. Theo ông Gullaume, hệ thống báo cháy của Nhà thờ Đức Bà không báo trực tiếp đến đội cứu hỏa địa phương mà phải theo các quy trình rối rắm ở trên. Nguyên nhân là do nỗi lo sợ hệ thống báo cháy "báo động giả” và khiến lực lượng cứu hỏa “tốn công vô ích”.

Jonathan Barnett, chuyên gia phòng cháy chữa cháy của Úc, đã nêu quan điểm: “Điều này thật vô nghĩa. 20 phút trì hoãn trước khi lực lượng chữa cháy đến hiện trường. Một khi mà đống gỗ trong nhà thờ bắt lửa, không ai có thể dập tắt chúng kịp. Tôi không hiểu nổi tại sao họ lại xây hệ thống phòng cháy tệ đến vậy”.

Không chỉ hệ thống chuông báo cháy, ngay cả việc tính toán xây dựng hệ thống báo cháy dựa trên quan điểm “gỗ sồi cháy chậm” là một sai lầm cực kì tai hại khác. Kiến trúc sư Mouton cho biết: “Tôi đã rất sốc khi biết được tốc độ bắt lửa của vật liệu gỗ sồi trong Nhà thờ Đức Bà. Thông thường, gỗ sồi không thể nào cháy nhanh như vậy được. Tôi thật sự không tài nào hiểu được chuyện gì đã xảy ra”.

Được dựng nên bởi hàng ngàn cây cọc gỗ sồi, khu vực gác mái của nhà thờ Đức Bà là nơi đã bén lửa đầu tiên. Ảnh: Pininterest

Các chuyên gia cứu hỏa kì cựu trên toàn thế giới đã lắc đầu trước lời giải bày của Mouton. Họ nhận định rằng bản thân vị kiến trúc sư này đã quá xem thường các nguy cơ hỏa hoạn ngay trước mắt và hệ thống phòng cháy mà ông ta xây dựng là một “thất bại hoàn toàn”.

Một số kiến trúc sư hàng đầu khác còn cho rằng ông Mouton không có đủ trình độ, kiến thức để xây dựng hệ thống phòng cháy cho Nhà thờ Đức Bà. Ông ta chỉ dựa trên hiểu biết phổ thông rằng gỗ sồi không có khả năng cháy tốt mà quên rằng vật liệu này lại có khả năng bén lửa khá nhanh. Chỉ cần một cọc gỗ sồi bén lửa sẽ kéo theo hàng ngàn cọc khác và có thể thiêu rụi cả nhà thờ. Đây là một sai lầm rất sơ đẳng.

Francois Chatillon, kiến trúc sư chuyên quản lý việc phục dựng các công trình kiến trúc cổ tại Pháp, nhấn mạnh rằng từ lâu, nguy cơ hỏa hoạn ở khu vực gác mái của Nhà thờ Đức Bà đã được cảnh báo từ trước. Đáng lẽ ra nhà thờ đã phải cháy từ trước đó chứ không phải đến tận bây giờ.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/tham-hoa-nha-tho-duc-ba-paris-he-thong-phong-chay-loi-162157.html