Thảm họa hạt vi nhựa đe dọa cuộc sống con người

Hạt vi nhựa (HVN, microbead) được John Ugelstad, kỹ sư hóa học người Nauy tạo ra năm 1970, một phát minh sáng giá vì ứng dụng vô cùng rộng rãi. Nhưng hiện thời, con người đang cảm nhận sâu sắc sự 'xâm lăng' của chất thải nhựa.

Các nhà khoa học Mỹ lấy 47 mẫu tế bào cơ thể người trong ngân hàng tế bào để nghiên cứu các bệnh suy thoái hệ thần kinh. Họ phát hiện trong các tế bào phổi, gan, lách, thận chứa hàng chục loại nhựa ở dạng vi hạt, trong đó có Polyethylen terephthalat (PET, PETE, PETP, PET-P, loại nhựa polyme (hợp chất cao phân tử) nhiệt dẻo (mềm như chất lỏng với nhiệt độ cao, rắn lại khi làm nguội) phổ biến nhất trong "họ" polyester (loại sợi tổng hợp có thành phần cấu tạo đặc trưng là ethylen), dùng sản xuất sợi vải; chai, hộp đựng chất lỏng, thực phẩm; khuôn đúc nhựa; trộn sợi thủy tinh sản xuất nhựa kỹ thuật) và Polyethylen (PE, gồm nhiều nhóm ethylen), cũng là nhựa nhiệt dẻo không dẫn điện, nhiệt; không thấm nước và khí; dùng bọc dây điện; bọc hàng; sản xuất tấm che mưa, túi nilon, chai lọ, thiết bị trong ngành sản xuất hóa học; làm ống bắn pháo hoa...

Nhân viên tổ chức Hòa bình xanh lấy HVN trong nước biển.

Nhân viên tổ chức Hòa bình xanh lấy HVN trong nước biển.

Họ cũng phát hiện chất Bisphenol A (BPA, chất nhân tạo dùng trong sản xuất sản phẩm nhựa, gồm 8 loại) độc hại ở tất cả 47 mẫu tế bào. Nghiên cứu này được báo cáo ở Hiệp hội Hóa chất Mỹ, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe toàn cầu bởi sự độc hại của HVN. GS Varun Kelkar, Đại học Arizona, thành viên nhóm nghiên cứu nói rằng: "Điều đáng lo ngại là chất không phân hủy này hiện diện ở khắp mọi nơi và đã xâm nhập, tích tụ trong tế bào cơ thể người...".

Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, con người ăn và hít phải ít nhất 50.000 HVN mỗi năm và sự ô nhiễm vi nhựa đang ngày càng phổ biến trong cư dân thành phố. Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Rome, Italy, vừa phát hiện HVN trong nhau thai, bộ phận nuôi dưỡng thai nhi. Hồi cứu lại, họ thấy quá trình mang thai, những sản phụ này không gặp bất thường. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại HVN có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. TS Antonio Ragusa, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản nói: "Khi phát hiện HVN trong nhau, tôi đã rất ngạc nhiên. Nếu bạn tìm thấy thứ gì đó trong nhau thì thứ đó có trong thai". Khi vào cơ thể HVN sẽ làm hoạt động miễn dịch rối loạn, ảnh hưởng đến cấu trúc gene và tác động xấu đến sự phát triển của trẻ.

HVN là tên gọi chung cho những mảnh, hạt hoặc sợi nhựa có kích thước dưới 5mm. HVN được tạo nên từ 2 nguồn: sản xuất hạt nhựa và nhựa chống mài mòn, cho in 3D...; phân rã, mài mòn từ các vật dụng nhựa (đồ nhựa, bộ phận ô tô, chi tiết máy, rác thải nhựa...) do tia cực tím; nhiệt; nước; gió; va đập, cọ xát cơ học và các loại sóng..., ví dụ sóng vi ba trong lò vi sóng (sóng điện từ tần số 2,450 megahec).

HVN có thể có nguồn gốc polyme tổng hợp như PE, hoặc từ sản phẩm hóa dầu như Polypropylen (PP), Polystyren… Người ta sản xuất những HVN kích thước cỡ micromet (1/ngàn milimet) để trộn trong kem đánh răng, cạo râu; sữa tắm, rửa mặt; các loại mỹ phẩm; sơn móng... Vào Thế chiến I, J. Brandenberger (người Thụy Sĩ, làm việc ở Pháp) chế tạo được "giấy bóng kính" (ông gọi là "cellophan") dán cho "mắt" mặt nạ phòng độc. Năm 1923, ông bán bản quyền cho Tập đoàn DuPont, Mỹ, làm đồ bọc socola, nước hoa và hoa.

Mỗi năm, rác nhựa đủ phủ kín 4 lớp bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra đại dương; riêng ở Mỹ, rác ống hút nhựa một ngày xếp được 2 vòng quanh trái đất, đây là nguồn tạo ra HVN vô cùng lớn. Ở Mỹ, mỗi ngày có khoảng hơn 8.000 tỷ HVN xả vào hệ thống xử lý nước thải tuôn ra biển. Sinh vật biển ăn HVN vì không phân biệt được với thức ăn hoặc hấp thu khi thở. Theo báo cáo của Viện Hải dương học Scripps Mỹ, các loài cá, nhuyễn thể (vẹm, hàu...), cua... đã "ăn" 12.000 - 24.000 tấn nhựa/năm. Trong đó, loài vẹm và hàu nhiễm HVN cao hơn nhiều loài khác. Một nghiên cứu cho thấy vẹm, hàu thực phẩm chứa 0,36 - 0,47 HVN/gam và người ăn nhiều động vật có vỏ "ăn" khoảng 11.000 HVN/năm.

Tổ chức phi chính phủ Hòa bình xanh (Greenpeace) phát hiện hơn 90% muối ăn thế giới nhiễm HVN (39 mẫu nhiễm/3 mẫu sạch). Ở châu Á, mật độ HVN trong muối đặc biệt cao, nhất là Indonesia - nước thải nhựa ra biển nhiều thứ hai thế giới. Nghiên cứu này ước tính một người trưởng thành mỗi năm hấp thụ khoảng 2.000 HVN qua muối ăn.

Phân tích nước của 11 thương hiệu nước đóng chai ở Mỹ và trên thế giới cho thấy, trung bình có 325 HVN/lít. Nước đóng chai có HVN gấp 22 lần nước máy, người uống nước đóng chai thường xuyên sẽ "ăn" khoảng 90.000 - 130.000 HVN/năm từ riêng nguồn này, trong khi từ nước máy là 4.000 hạt.

Trường Trinity College Dublin, Ireland đã dùng 10 bình sữa trẻ em bằng nhựa PP và thực nghiệm theo quy trình hướng dẫn pha sữa của WHO gồm làm sạch, khử trùng và hòa nước với sữa. Lý do thử nghiệm là 83% thị trường bình sữa trẻ em thế giới là nhựa PP và thường xuyên được rửa nước nóng. Với nước 70°C, bình giải phóng 16 triệu HVN/một lít và phần lớn các HVN này nhỏ hơn 20 micromet.

Với nước 95°C (nhiệt độ nước pha sữa được khuyến nghị gần đây), lượng HVN được giải phóng là 55 triệu HVN/lít. Kết hợp dữ liệu ở 48 vùng lãnh thổ, với 78% dân số thế giới, các nhà nghiên cứu ước tính trẻ bú bình "ăn" trung bình 1,6 triệu HVN/ngày trong 12 tháng đầu đời; trẻ Mỹ, Úc và châu Âu phơi nhiễm cao nhất, hơn 2 triệu hạt/ngày. Ước tính, một người đưa vào cơ thể khoảng 5g nhựa/tuần, tương đương 1 thẻ tín dụng loại mỏng. Đây là mối nguy hiểm đe dọa thực sự tới chất lượng sống của loài người, cần phải được hạn chế.

Bs Nguyễn Kiên

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/tham-hoa-hat-vi-nhua-de-doa-cuoc-song-con-nguoi-630568/