Thám hiểm xác tàu chiến chìm trong thế chiến II ở độ sâu kỉ lục

Tàu khu trục USS Johnston (DD-557) chìm trong Thế chiến II, được biết đến đắm ở độ sâu kỉ lục 6.456m giữa Thái Bình Dương, đã được các nhà thám hiểm tư nhân định vị thành công và tiến hành thám hiểm lần đầu tiên.

Trên cơ sở tài liệu và dữ liệu lịch sử của Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai cựu sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ đã định vị thành công vị trí và tiến hành khảo sát, quay được những thước phim hiếm hoi về xác tàu khu trục USS Johnston dưới đáy Thái Bình Dương, nằm ở vùng nước sâu hơn 62% so với nơi tàu RMS Titanic nằm dưới đáy biển Bắc Đại Tây Dương.

Chuyến thám hiểm được chủ công bởi cựu sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ Victor Vescovo, người đã đích thân điều khiển tàu lặn DSV xuống thám hiểm xác tàu trong hai lần lặn kéo dài 8 giờ. Theo Caladan Oceanic, đây là những chuyến lặn thám hiểm xác tàu sâu nhất trong lịch sử, kể cả tàu có người lái hoặc không người lái.

Tàu khu trục USS Johnston (DD-557). Nguồn: Hải quân Mỹ.

Tàu khu trục USS Johnston (DD-557). Nguồn: Hải quân Mỹ.

Các nhà thám hiểm (từ trái qua phải) Shane Eigler, Victor Vescovo và Parks Stephenson. Ảnh: Nick Verola/Caladan Oceanic.

USS Johnston (DD-557) dài 115m, rộng 12m, là một tàu khu trục lớp Fletcher của Hải quân Hoa Kỳ, bị chìm trong trận chiến vào ngày 25/10/1944. Con tàu bị đánh chìm ở ngoài khơi đảo Samar trong Trận chiến Vịnh Leyte, được coi là trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử với 200.000 lính hải quân tham gia.

Johnston đã đọ sức với những đối thủ vượt trội lớn hơn nó gấp 20 lần, đó là thiết giám hạm Yamato của Hải quân Nhật Bản, được coi là những thiết giáp hạm lớn nhất và nặng nhất từng được chế tạo, có lượng dãn nước lên đến 73.100 tấn, được trang bị dàn pháo chính gồm 9 khẩu đại pháo với cỡ nòng khủng 460 mm và những quả đạn nặng tới 1,5 tấn.

Súng MK37 trên tháp chỉ huy tàu khu trục Johnston. Ảnh: Victor Vescovo/ Caladan Oceanic.

Hai tháp pháo trên tàu Johnston. Ảnh: Victor Vescovo/ Caladan Oceanic.

Sau trận hải chiến khốc liệt, thủy thủ đoàn 327 người của Johnston chỉ có 141 người sống sót.

Các cảnh quay cho thấy số hiệu 557 của tàu Johnston có thể nhìn thấy rõ ràng ở cả hai bên mũi tàu. Đáng ngạc nhiên, hai tháp pháo, giá treo ngư lôi và nhiều bệ súng vẫn còn nguyên vị trí và có thể nhìn thấy trên cấu trúc thượng tầng.

Tàu khu trục USS Johnston phải đối đầu với những chiến hạm lớn gấp 20 lần nó là thiết giám hạm Yamato của Hải quân Nhật Bản, được coi là những thiết giáp hạm lớn nhất mọi thời đại từng được đóng. Ảnh: Wikipedia.

Những vết đạn pháo quanh bệ súng, phía trên là giá treo ngư lôi MK15. Ảnh: Victor Vescovo/ Caladan Oceanic.

Không có bất cứ thứ gì được lấy ra từ xác tàu. Ngoài một số bức ảnh hạn chế, tất cả dữ liệu sonar, hình ảnh và ghi chú thực địa do đoàn thám hiểm thu thập sẽ không được công khai tuy nhiên, sẽ được cung cấp cho Hải quân Hoa Kỳ.

Xác tàu Johnston được phát hiện lần đầu vào năm 2019 bởi tàu thăm dò RV Petrel ở độ sâu 6.218m. Mặc dù sử dụng phương tiện điều khiển từ xa (ROV) nhưng chuyến thám hiểm không thể lặn đủ sâu cần thiết để chụp toàn bộ các cấu trúc của con tàu.

Hiện vẫn còn 3 xác tàu của Hải quân Hoa Kỳ bị đắm trong trận hải chiến này vẫn chưa được tìm thấy.

Huy Anh/Navaltoday

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/tham-hiem-xac-tau-chien-chim-trong-the-chien-ii-o-do-sau-ki-luc-103598.html