Thăm hầm vũ khí bí mật giữa nội đô Sài Gòn

Ẩn mình trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, căn nhà số 287/70 từng là nơi bí mật nuôi giấu cán bộ và cất giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Chi, cựu chiến binh phường, người được phân công nhiệm vụ trông coi nơi đây thì người có công lớn xây dựng căn hầm này là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai) và vợ là bà Đặng Thị Thiệp - một chiến sĩ biệt động lúc bấy giờ.

Khách thăm hầm bí mật chứa vũ khí

Khách thăm hầm bí mật chứa vũ khí

Ông Chi cho biết, căn nhà 287/68-70-72 Phan Ðình Phùng (nay 287/70 Nguyễn Đình Chiểu) là một trong 3 căn nhà liền nhau được ông Trần Văn Lai mua năm 1967. Thời điểm đó, ông Năm Lai vừa làm việc tại cơ quan viện trợ U-SOM của Mỹ và được nhận vào làm Dinh Độc Lập với cái tên Mai Hồng Quế nhờ nổi danh trong nghiệp đoàn trang trí nội thất.

Bà Đặng Thị Thiệp, vợ của ông Trần Văn Lai kể lại, bà gặp ông Năm Lai lúc đó chỉ độ tuổi đôi mươi (khi đó bà đang học ở Đà Lạt). Lúc đó, ông Năm Lai đã có vợ là bà Phạm Thị Phan Chính (thường gọi là Phạm Thị Chinh) nhưng chưa có con, bà Chinh đã mất. Ông Năm Lai đã xin Ban chỉ huy giữ bà lại ở Sài Gòn để học và hoạt động cách mạng.

Ở Sài Gòn, bà đóng vai vợ bé của ông Lai đi mua nhà đào hầm chứa vũ khí, đạn dược... Thời điểm đó, ông Năm Lai ngày đêm nghĩ kế đào hầm, có khi đang ngủ bật dậy suy nghĩ việc thiết kế xây dựng, việc đào hầm, đào làm sao để số vũ khí ở dưới hầm lâu không bị sét. Cái khó nữa là làm sao để người xuống ở dưới hầm được mà không bị ngộp, làm sao khi chiến đấu thoát ra ngoài không ai biết...

Vợ chồng bà đã quyết tâm hoàn thành căn hầm có đủ sức chứa trên 2 tấn vũ khí với lỗ thông hơi, nắp hầm bên trên nền nhà. Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ.

Hiện vật còn lưu giữ

Khi đào hầm thành công, tháng 9/1967, ông Năm Lai bắt đầu tập kết vũ khí. Đây được xem là một nhiệm vụ khó khăn nhất, vì địch lúc này kiểm tra rất gắt gao trong nội thành. Nếu bị địch phát hiện, các chiến sĩ biệt động phải tự phá hủy cho nổ vũ khí, cũng có nghĩa sẽ hy sinh để giữ bí mật cho cả tuyến vận chuyển lẫn hầm giấu vũ khí. Vì thế, ông Năm Lai phải ngụy trang dưới là vũ khí bên trên là các chậu kiểng, giỏ trái cây nhằm tránh bị phát hiện. Các loại vũ khí như B40, B41, súng đạn, thuốc nổ TNT, C4… được giấu vào các tấm ván rỗng bên trong. Sau đó, được chèn bằng gạo để tránh tiếng động. Ngoài ra, vũ khí còn được cất giấu, ngụy trang trong các sọt hoa quả. Nhờ cách làm này, hơn 2 tấn vũ khí đã được cất giấu an toàn trong hầm.

Sau đó, khi có lệnh tấn công của Chủ tịch Ủy ban mặt trận giải phóng miền Nam, đội Biệt động Sài Gòn và các tiểu đoàn chủ lực đã bất ngờ tập kích chiếm giữ các mục tiêu, trong đó, 15 chiến sĩ Đội 5 đã nhận vũ khí từ căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, rồi anh dũng tiến về Dinh Độc Lập thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội dưới sự chỉ huy của ông Trương Hoàng Thanh (tức Ba Thanh).

Tới nay, hơn 50 năm đã qua, ngôi nhà trở thành một chứng tích lịch sử, là một trong những minh chứng hiển hách của quân và dân ta để làm nên ngày toàn thắng 30/4/1975. Ngày nay, ngôi nhà được công nhận là di tích với tên gọi “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968” và được coi là địa chỉ đỏ, đã đón hàng trăm đoàn khách trong nước, quốc tế tới thăm quan, tìm hiểu về căn hầm.

Hiện tại ông Trần Văn Lai đã mất, con trai ông là Trần Kiến Xương đang tiếp quản di sản của cha để lại. Ông Xương cho biết, để gìn giữ giá trị lịch sử ý nghĩa ấy, gia đình đã tốn rất nhiều công sức trùng tu, thu thập hiện vật. Với ông, đó vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tham-ham-vu-khi-bi-mat-giua-noi-do-sai-gon-118869.html