Tham gia Đề án chuỗi liên kết: DN tăng sản lượng tiêu thụ trên 200%

Tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp, HTX tăng trung bình 143%, cá biệt, có sản phẩm tăng trên 200%.

 Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Đề án

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Đề án

Đó là kết quả của Đề án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017-2018, do Sở Công thương Bắc tỉnh Giang chủ trì thực hiện. Tổng kinh phí 1.256.078.000 đồng, trong đó, ngân sách nhà nước là 928.000.000 đồng, 327.478.000 đồng là tiền đối ứng của các doanh nghiệp, HTX.

Đề án xây dựng 4 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 4 nhóm sản phẩm gồm: mỳ Chũ, nấm ăn, rau an toàn và thịt lợn sạch. 11 doanh nghiệp, HTX được lựa chọn tham gia.

Tham gia đề án, các doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ xây dựng website để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm; hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm…

Thông qua mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, các đơn vị chủ động mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sau khi tham gia Đề án, sản lượng tiêu thụ trung bình của các sản phẩm tăng 143%, cá biệt có sản phẩm tăng trên 200% như rau của HTX rau Yên Dũng, Công ty CP công nghệ cao Bách Khoa Hà Nội, HTX mỳ gạo Chũ Hiền Phước... Mô hình có sự liên kết tốt, các chủ thể tham gia đều bảo đảm lợi ích và ổn định.

Đặc biệt, mô hình Chuỗi liên kết thực hiện thành công tạo ra sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa các chủ thể; các chủ thể gắn kết cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo thương hiệu, nguồn gốc, an toàn thực phẩm trên thị trường.

Tạo tiền đề cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý, thay đổi tập quán sản xuất, tiêu thụ tự phát, nhỏ lẻ sang sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn; gắn kết cộng đồng...

Ông Đào Xuân Cường, PGĐ Sở Công Thương phát biểu tại Hội nghị.

Từ đây, góp phần thay đổi cơ cấu ngành nghề nông nghiệp nông thôn, tạo ra nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước cho biết, khi tham gia chuỗi liên kết, HTX được hỗ trợ thành lập trang Web riêng, giúp HTX quảng bá hình ảnh, tạo thương hiệu, trao đổi các thông tin một cách thuận lợi. Cùng với hỗ trợ về trang thiết bị máy móc, in bao bì mới giúp cho việc đóng gói, in hạn sử dụng bắt mắt, chuyên nghiệp hơn.

Đặc biệt, Sở Công Thương đã giúp các chủ thể tham gia đề án được gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các hệ thống siêu thị lớn, từ đó giúp chúng tôi thấy được những hạn chế cần khắc phục, cũng như tìm được nhiều đầu ra cho sản phẩm, bà Hiền cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Trung Đường, Phó giám đốc HXT Dịch vụ tổng hợp và Sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng, sau khi tham gia đề án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp của tỉnh, HTX đã phát triển được hệ thống mạng lưới tiêu thụ là các công ty chế biến thức ăn công nghiệp tại Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và phố mới Bắc Ninh. Kết quả, HTX đã cung cấp hơn 400 tấn thịt các loại cho mạng lưới này và trên 2 tấn xúc xích/tháng ra thị trường.

Ông Đường cho biết thêm, tời gian tới chúng tôi đang xây dựng nhãn hiệu và hệ thống mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho nhóm sản phẩm của mình, hứa hẹn sẽ tạo lập một thị trường ổn định cho nhóm sản phẩm này.

Nhiều sản phẩm của tỉnh Bắc Giang đã sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, Đề án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017-2018 có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện mô hình điểm, nhằm đánh giá kết quả, hạn chế, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Qua đây nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nhân dân.

Qua đây tôi xin đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển nông nghiệp an toàn của tỉnh thông qua nguồn vốn, cơ chế chính sách. Đề nghị các doanh nghiệp, HTX, nhân dân chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đầu tư công nghệ, hoàn thiện bao bì, mẫu mã tem nhãn. Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế, ông Cường cho biết.

Hy vọng, với những kết quả mà Đề án đạt được sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện và hoàn thành mục tiêu các Đề án liên quan, như: Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ nấm gắn với ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020; Đề án hỗ trợ sản xuất ra an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020 và các đề án, chương trình khác có liên quan.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/tham-gia-de-an-chuoi-lien-ket-dn-tang-san-luong-tieu-thu-tren-200-post24109.html