Tham gia CPTPP: Tư duy phải 4.0 chứ 2.0 thì khó thay đổi

Tại Quốc hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Hiệp định CPTPP dự kiến mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam - Ảnh: Internet

CPTPP giúp tăng 1,32% GDP

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ KH-ĐT thực hiện, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Ngoài ra, việc có quan hệ FTA (hiệp định thương mại tự do) với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế; có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao báo cáo thuyết minh hiệp định CPTPP - Ảnh: VPQH

Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.

Về mặt xã hội, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000-26.000. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.

Thảo luận tại tổ sáng nay về dự thảo hiệp định, đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM lưu ý: "Tư duy quản trị phải 4.0, cứ 2.0 thì khó thay đổi lắm. Mình phải tạo điều kiện để sự sáng tạo phát triển" và cho rằng năng lực thực thi của chính quyền và văn hóa của cộng đồng cũng phải được chuẩn bị vì khi ra sân chơi thế giới, các văn hóa phải thay đổi, không để thực trạng chôm, copy khi hội nhập”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng trong CPTPP, thuế sẽ giảm cả 2 chiều và sẽ có lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên ở chiều nhập khẩu, nếu doanh nghiệp Việt không cố gắng thì sẽ mất thị trường.

"Chăn nuôi vừa qua chúng ta có một số việc gây mất uy tín nên hàng ngoại đang chiếm ưu thế. Ví dụ như bò, hiện các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nhập thịt mà còn nhập bò về nuôi. Khi thuế giảm thì nguy cơ rất lớn cho chăn nuôi nếu không chịu thay đổi", bà Lan nói.

Lắm cơ hội, nhiều thách thức

Trong một cuộc trả lời phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng CPTPP là một hiệp định lớn và có ý nghĩa đối với không chỉ các nước thành viên hiện tại của CPTPP mà còn là một hình mẫu, là động lực khuyến khích hình thành các FTA khác trong khu vực.

Tuy vậy, CPTPP vẫn là một hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam nên việc thực thi hiệp định này được dự đoán là sẽ tạo ra không ít thách thức.

Thứ nhất, CPTPP bao gồm rất nhiều vấn đề nằm sau đường biên giới mà Việt Nam chưa từng có, hoặc có cam kết rất hạn chế trong các thỏa thuận thương mại khác như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, mua sắm công….

Do đó để thực thi CPTPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi hàng loạt các quy định pháp luật trong nước. Đây thực sự là khối công việc khổng lồ và phức tạp đối với các bộ, ban ngành của Việt Nam.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp, cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường trong nước theo TPP sẽ tạo ra áp lực không nhỏ buộc các doanh nghiệp phải cải tổ, nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể tồn tại. Ngoài ra, việc thực thi các tiêu chuẩn cao của CPTPP như bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn lao động cũng tốn kém nhiều chi phí.

“Làm sao để việc sửa đổi các quy định pháp luật nội địa vừa phù hợp với cam kết trong CPTPP vừa mang lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp? Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thay đổi pháp luật thực thi TPP. Việc tham vấn này cần được thực hiện minh bạch, đồng bộ và liên tục, tránh các trường hợp tham vấn rời rạc, tham vấn chỉ tập trung ở một số ngành, một số doanh nghiệp lớn...”, bà Phương nói.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM - Ảnh: Lam Thanh

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, CPTPP thể hiện sự hội nhập cao, doanh nghiệp có thêm thị trường rộng lớn.

“Một trong những mấu chốt là doanh nghiệp cần phải đầu tư vào khoa học, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao độ, đây là những 'bảo bối' cho doanh nghiệp có thể trụ vững và tiến xa hơn”, ông Doanh nói.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo các doanh nghiệp về việc giữ kiểu làm ăn dựa trên mối quan hệ với cơ quan công quyền, quan chức. “Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn tìm cách kiếm lợi nhanh bằng cách tiếp cận với một số thế lực có quyền hành. Trên cơ sở đó, họ nghĩ họ có thể được lợi và sẽ dễ dàng có lợi nhuận cao”. Nhưng ông Doanh cho rằng điều này chỉ vận dụng được ở thị trường trong nước, nếu muốn cạnh tranh quốc tế hoặc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong nước thì việc đi đêm với quan chức không giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.

“Họ thu lợi nhiều khi dựa vào trốn thuế, ân huệ, chênh lệch giá… thì không bền vững, không đi lên bằng năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần phải nhìn thấy rõ đây là điểm yếu chết người của mình”, ông Doanh nói.

Theo một báo cáo của World Bank, các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hàng da được dự báo là sẽ có mức độ tăng trưởng cao nhất về sản lượng sau khi hiệp định này có hiệu lực. Tuy nhiên, dự báo này chủ yếu dựa trên các tính toán về cắt giảm thuế quan từ CPTPP. Rất nhiều các yếu tố khác như những rào cản phi thương mại hay khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan vẫn chưa được tính đến.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/tham-gia-cpttp-tu-duy-phai-40-chu-20-thi-kho-thay-doi-100117.html