Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Cần hiểu khách hàng

Để trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn của nước ngoài, DN trong nước cần tìm hiểu thật kỹ về khách hàng, nhu cầu, yêu cầu cho từng loại mặt hàng cụ thể.

Doanh nghiệp FDI tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước thuộc nhiều ngành hàng, lĩnh vực

Thiếu các nhà cung ứng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương về khả năng cung ứng sản phẩm phụ trợ của DN trong nước, hiện Việt Nam có 605 DN lắp ráp khâu cuối cùng với khoảng 180.000 lao động. Tuy nhiên, DN chủ yếu tham gia những khâu có giá trị gia tăng thấp như sản xuất linh kiện cơ khí, nhựa, cao su, bao bì, đóng gói, sách hướng dẫn...

Ông Brian Mtonya - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới - cho biết, DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thường vấp phải những rào cản như thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, trình độ quản trị hạn chế, không thích ứng với sự thay đổi liên tục của khách hàng. Trong khi đó, DN FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối đều có chuỗi cung ứng của riêng mình. Do vậy, nếu không thực sự vượt trội, DN Việt Nam rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng.

Trong nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được công bố gần đây về những vấn đề liên quan đến DN trong nước và FDI cũng cho thấy năng lực hấp thụ công nghệ của DN Việt Nam xếp thứ 93, hệ số chuyển giao công nghệ 89, độ sâu 106. Các chỉ số này cho thấy còn thiếu sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, thua cả Lào và Campuchia.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh - cho hay, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của khu vực tư nhân ngày càng lớn song quy mô DN lại có chiều hướng nhỏ đi. Cơ sở hạ tầng hạn chế, khó tiếp cận vốn... càng làm cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ khó chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài.

Nắm bắt nhu cầu của nhà sản xuất

Với kinh nghiệm tìm nhà cung ứng cho DN của Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiều năm qua, ông Milton Hagler - đồng Chủ tịch Ban sản xuất, Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) – chia sẻ, để trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, DN nên đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu yêu cầu của nhà sản xuất về sản phẩm, chất lượng, số lượng, khả năng sản xuất. Nhà sản xuất nào cũng kỳ vọng ở đơn vị cung cấp sự nhất quán, rõ ràng, chuyên nghiệp, trung thực… để yên tâm giao những hợp đồng lớn.

Theo ông Lê Hoàng Dân - đại diện Coca - Cola Việt Nam, vấn đề lớn nhất mà DN vừa và nhỏ Việt Nam phải lưu tâm là hiểu khách hàng. DN FDI mong muốn nhìn thấy những phương pháp phân tích, hỗ trợ chuyên nghiệp khi có vấn đề rắc rối xảy ra. Truyền thông giao tiếp cũng là một phần quan trọng. Dù vậy, nhà cung cấp sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ khách hàng vì điều họ quan tâm nhất là nhận được hàng đúng thời gian và chất lượng.

Để thu hẹp khoảng cách giữa DN cung ứng trong nước và DN FDI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ chọn một số DN theo từng nhóm ở mỗi tỉnh, thành phố để kết nối với DN FDI.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-can-hieu-khach-hang-111254.html