Thẩm định tài liệu giáo dục địa phương: Đã sẵn sàng!

Tài liệu giáo dục địa phương được các tỉnh, thành tích cực xây dựng. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT, các công việc chuẩn bị cũng nhanh chóng được triển khai để địa phương có thể tiến hành thẩm định khi Thông tư này có hiệu lực (ngày 1/11/2020).

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tràng An, Hà Nội trong buổi đầu tiên tới trường. Ảnh: IT

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tràng An, Hà Nội trong buổi đầu tiên tới trường. Ảnh: IT

Thuận lợi cho địa phương

Nhận định của ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Thư ký của Ban Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh Đồng Tháp, Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương đưa ra những tiêu chí rõ ràng. Theo đó, tiêu chí đầu tiên - cũng là điều kiện tiên quyết của tài liệu: Nội dung, hình thức tài liệu không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm; không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội.

Ngoài ra, 4 tiêu chí khác liên quan đến nội dung tài liệu; phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá trong tài liệu; cấu trúc và hình thức trình bày tài liệu; ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu. Thông tư 33 đồng thời hướng dẫn cụ thể thành phần hội đồng thẩm định, quy trình thẩm định, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi triển khai thực hiện. Cụ thể, hội đồng thẩm định tài liệu do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập. Sở GD&ĐT là đơn vị tổ chức thẩm định tài liệu.

“Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện, Bộ GD&ĐT nên tập huấn phương pháp, quy trình thẩm định cho các sở GD&ĐT; trong đó có cả đại diện Ban Biên tập và đại diện Hội đồng thẩm định” - ông Bùi Quý Khiêm kiến nghị.

Ông Khiêm cho biết: Đồng Tháp cơ bản biên soạn xong tất cả chuyên đề của tài liệu giáo dục địa phương. Theo đó, cấp tiểu học có 1 tài liệu sử dụng cho cả 5 lớp; cấp THCS và THPT có 1 tài liệu. Bên cạnh tài liệu sẽ có hướng dẫn để giáo viên khai thác nội dung tài liệu vào giảng dạy. Những tài liệu này được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia gồm giảng viên Trường ĐH Đồng Tháp, giáo viên phổ thông, chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp, các phòng GD&ĐT và sở, ngành liên quan. “Địa phương đang chuẩn bị nhân sự để sau khi Thông tư 33 có hiệu lực là triển khai công tác thẩm định” – ông Bùi Quý Khiêm cho hay.

Cũng có nhận định tích cực về Thông tư 33, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc), ông Nguyễn Lê Huy cho rằng: Những tiêu chí đưa ra trong Thông tư 33 phù hợp, linh hoạt với các địa phương. Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã có báo cáo xin ý kiến Bộ GD&ĐT về biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Theo đó, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc phối hợp với Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục miền Bắc, cùng đội ngũ nhà giáo, cán bộ các sở, ngành tổ chức xây dựng khung chương trình tài liệu GD địa phương từ lớp 1 - 12; tổ chức biên soạn, dạy mẫu và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.

Tháng 7/2020, trên cơ sở góp ý của các thành viên trong Hội đồng thẩm định, Ban biên soạn đã tiếp thu, chỉnh sửa, đồng thời gửi lại bản sách mẫu sau chỉnh sửa tới các thành viên trong Hội đồng thẩm định. Tại phiên họp thẩm định, tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 được các thành viên thông qua với tỷ lệ 100% phiếu đồng ý. Ngày 27/8, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 tỉnh Vĩnh Phúc; kịp thời triển khai trong năm học mới.

Học sinh tiểu học tại Bình Dương trong học tập, trải nghiệm thực tế, vui chơi.

Giúp học sinh phát triển toàn diện

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục địa phương là một thành phần hữu cơ của kế hoạch tổng thể thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường. Nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương; ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề đời sống đặt ra.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở THCS, THPT, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và báo cáo để Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Chia sẻ của ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, từ khi chưa ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quan tâm đến giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương cho học sinh. Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục địa phương của Thừa Thiên - Huế cũng thuận lợi bởi địa phương còn lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…

Quan tâm đặc biệt đến xây dựng tài liệu giáo dục địa phương, theo ông Nguyễn Tân, ngoài tài liệu cho học sinh từ lớp 1 - 12, địa phương còn chú trọng giáo dục nội dung này cho cả cấp học mầm non. Ở bậc phổ thông, ngoài mời giảng viên đại học, Thừa Thiên - Huế cũng mời nhà nghiên cứu ở địa phương tham gia Ban biên soạn; phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng bộ tài liệu giáo dục địa phương. Bộ tài liệu chú trọng vấn đề giáo dục truyền thống lịch sử và con người Huế; giáo dục đặc điểm, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, điều kiện tự nhiên của địa phương.

Nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình mới được triển khai năm nay với lớp 1. Với những lớp chưa có chương trình cụ thể, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm. Vì ở tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm nên với Thừa Thiên - Huế việc triển khai rất thuận lợi. - ông Nguyễn Tân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tham-dinh-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-da-san-sang-JQIjuRcMR.html