Thẩm định Sách giáo khoa: Qua vòng 1 có nhiều bản thảo đánh giá là không đạt

Thông tin được TS. Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT, đưa ra tại buổi tọa đàm 'Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục' do báo Lao động tổ chức sáng 17/9.

Trong thời gian qua có nhiều ý kiến về việc bộ Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục do GS.TS Hồ Ngọc Đại chủ biên gửi thẩm định chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới bị Hội đồng thẩm định loại ngay từ vòng đầu.

Trao đổi về quá trình làm việc của Hội đồng thẩm định, TS. Thái Văn Tài nói rõ về vai trò của Bộ GDĐT trong việc lựa chọn các bộ SGK để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ bộ SGK lớp 1 sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021.

Bộ sách lớp 1 "Công nghệ giáo dục" do GS.TS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "không đạt" nhận được sự quan tâm của dư luận (ảnh: Lao động)

Bộ sách lớp 1 "Công nghệ giáo dục" do GS.TS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "không đạt" nhận được sự quan tâm của dư luận (ảnh: Lao động)

Theo ông Thái Văn Tài thì việc thẩm định sách giáo khoa nên bắt đầu từ các câu chuyệ̣n thực hiện các văn bản: Nghị quyết 88 của Quốc hội và xuất phát từ chỉ đạo cao nhất là Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương. Từ Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành quyết định số 04 về chương trình sách giáo khoa. Trong các văn bản nói trên đã khẳng định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới phải đáp ứng những yêu cầu rõ ràng.

Trong luật cũng nói rất rõ về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia và trách nhiệm của Bộ GDĐT phân công các tổ chức thực hiện. Mọi quyết định của Bộ trưởng đối với sách giáo khoa đang thực hiện đúng luật.

TS. Thái Văn Tài cho rằng, khi thực hiện các nội dung đó Bộ GDĐT đã thực hiện đúng chúc năng và nhiệm vụ của mình, ban hành Thông tư 33 năm 2017 (ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa-PV) và Thông tư 32 năm 2018 (ban hành chương trình giáo dục phổ thông-PV).

"Hai Thông tư này Bộ GDĐT đã ban hành và đa số tác giả đã nghiên cứu kĩ. Cho tới thời điểm Bộ GDĐT thông báo, có 3 nhà xuất bản gửi lên 5 bộ bản thảo sách giáo khoa. Chúng tôi đánh giá đây là thành công bước đầu thực hiện các chỉ đạo của Đảng, sự đổi mới Chương trình sách giáo khoa trong giai đoạn mới", ông Tài cho biết.

Tuy nhiên trong 5 bộ, có sách Tiếng Việt, sách Toán, sách Giáo dục thể chất… nhiều sách giáo khoa không đạt. Vì những bản thảo này Hội đồng đã áp dụng những điều kiện tiên quyết từ Thông tư 33 về cấu trúc sách giáo khoa, những nội dung. Sau đó mới đi vào mạch kiến thức theo Thông tư 32.

Ông Tài cho biết thêm, qua chấm thẩm định vòng 1 có nhiều bản thảo đánh giá là không đạt. Ban Tổ chức nhận bản thảo từ đơn vị có chức năng là nhà xuất bản, nhà xuất bản có quyền thông báo tới tác giả, tác giả có quyền chỉnh sửa những bản thảo không đạt.

TS. Thái Văn Tài khẳng định, những bản thảo sách giáo khoa được đánh giá là không đạt hay đạt cần sửa chữa đều có quyền chỉnh sửa và nộp lại cho ban tổ chức để thẩm định lại.

Ông Tài cũng nói thêm, Hội đồng thẩm định được thành lập dựa trên 1 quy trình chặt chẽ có giáo viên, nhà quản lý, nhà khoa học chuyên sâu, có cả ở miền Nam, miền Trung, miền Bắc và cả ở vùng khó khăn.

Về thời gian, có 15 ngày để Hội đồng tiếp cận và 7 ngày để các thành viên hội đồng thảo luận với nhau.

Phương Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tham-dinh-sach-giao-khoa-qua-vong-1-co-nhieu-ban-thao-danh-gia-la-khong-dat-20190917114241171.htm