Thẩm định quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình

Ngày 29/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh chủ trì Hội nghị thẩm định.

Khu kinh tế (KKT) Thái Bình được thành lập theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg ngày 29/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 31/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1089/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

KKT Thái Bình có diện tích tự nhiên 30.583ha, bao gồm 30 xã và 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Trong đó, đất công nghiệp sẽ chiếm khoảng 8.020ha với tổng cộng 27 khu công nghiệp, bao gồm 5 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có tổng diện tích 618ha, lớn nhất là KCN Tiền Hải (446ha).

Năm 2017, KKT Thái Bình có tổng dân số 184.222 người và khoảng 99.936 lao động, chiếm 54% tổng dân số. Tổng giá trị sản xuất của KKT năm 2017 đạt 22.813 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013 – 2017 đạt 16,68%.

Hội nghị thẩm định quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình, tỉnh Thái Bình, đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050 có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và đại diện các bộ, ngành, cục, vụ liên quan.

Cơ cấu kinh tế của KKT tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại – dịch vụ và giảm tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp. Tính đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của KKT Thái Bình đạt 33 triệu đồng/người/năm, bằng 96% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh.

KKT Thái Bình có vị trí thuận lợi, nằm ở gần các đầu mối giao thông quan trọng của vùng, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 40km, cảng biển Hải Phòng khoảng 30km và tiếp cận trực tiếp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa của quốc gia; nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trong thời gian tới, KKT Thái Bình sẽ phát triển mạnh hơn khi 3 công trình hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia và vùng được hoàn thành, bao gồm đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh dài 160km nối liền các tỉnh duyên hải Bắc Bộ với trục đường cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và đường sắt ven biển dài 120km đi qua Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất của KKT Thái Bình.

Bên cạnh đó, KKT Thái Bình còn có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và thương mại nhờ nguồn tài nguyên du lịch phong phú như cồn đảo ven biển, rừng ngập mặn, bãi tắm, các di tích lịch sử văn hóa... Các nguồn tài nguyên tại chỗ như khí đốt, than nâu hay nguồn lợi thủy sản cũng đang góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của KKT Thái Bình.

Hiện tại, UBND tỉnh Thái Bình đang đầu tư các công trình có quy mô lớn là Trung tâm nhiệt điện Thái Bình với 2 nhà máy có tổng công suất 1.800MW; Cảng biển Diêm Điền với công suất dự kiến 4 – 4,5 triệu tấn/năm; Nhà máy sản suất hóa chất Amon Nitrat; Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Thái Bình & Hàm Rồng lô 102 – 106 giai đoạn 1 và Hệ thống phân phối khí thấp áp cho các hộ tiêu thụ trong KCN Tiền Hải.

Nhưng bên cạnh những thuận lợi, KKT Thái Bình còn gặp một số khó khăn, thách thức như thiếu nhà đầu tư lớn tạo đột phá, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch còn yếu. Việc tìm quỹ đất khu vực trong đê để phát triển công nghiệp, đô thị và khu xử lý rác thải còn nhiều hạn chế, chịu tác động lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu...

Về cơ bản, các chuyên gia và thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với nội dung của Đồ án quy hoạch chhung xây dựng KKT Thái Bình, khẳng định Đồ án đã thực hiện đúng nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đóng góp một số ý kiến để UBND tỉnh Thái Bình và đơn vị tư vấn hoàn thiện Đồ án.

Trong đó, Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung số liệu hệ thống giao thông công cộng, thực trạng giao thông nông thôn và giao thông liên kết toàn tỉnh Thái Bình; Bổ sung các hành lang bảo vệ đê sông, đê biển; Bổ sung tỷ lệ cấp nước đô thị, nông thôn và thực trạng ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu; lưu ý về quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải ở các KCN; làm rõ đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2025...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát lại diện tích và lộ trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chủ yếu là chuyển đổi sang mục đích công nghiệp và nhấn mạnh diện tích đất xây dựng công nghiệp hơn 8.000ha là quá lớn.

Bộ Công Thương đề nghị cập nhật các số liệu mới trong Đồ án thay cho các số liệu cũ từ năm 2017. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị bổ sung Luật Lâm nghiệp, Luật Đê điều và phòng chống thiên tai vào Đồ án; xây dựng phương án xử lý tác động do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp; bổ sung phương phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian của KKT Thái Bình.

Bộ Quốc phòng đề nghị không quy hoạch vào những khu vực địa hình loại I, có diện tích 1.856ha và lấy ý kiến của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đối với quy hoạch chi tiết vào những khu vực địa hình loại II, có diện tích 740ha.

Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam khẳng định không thể áp dụng chỉ tiêu kinh tế của đô thị loại II cho toàn bộ KKT vì khu vực được phân ra 3 loại đô thị; cần rà soát quy mô dân số đô thị. Đồ án thiếu báo cáo về lượng khách du lịch.

Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương Đảng; đề ra giải pháp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước; lưu ý các giải pháp bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, xem xét lại tỷ lệ lấp đầy KCN vào năm 2025 dường như không khả thi...

Vụ Quy hoạch kiến trúc Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ về hiện trạng sử dụng đất; tách riêng nội dung đất công nghiệp thuần túy và đất công nghiệp dịch vụ; bổ sung luận cứ về nguồn lực thực hiện, đặc biệt là nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ông Đặng Trọng Thăng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã chia sẻ quan điểm của chính quyền địa phương về quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và Hội đồng thẩm định, ông Đặng Trọng Thăng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: UBND tỉnh và đơn vị tư vấn sẽ nghiêm túc tiếp thu các đóng góp để hoàn thiện Đồ án.

Chủ tịch Đặng Trọng Thăng cũng cam kết tỉnh Thái Bình sẽ nỗ lực thu hút các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất trí với ý kiến phân kỳ quy hoạch lấp đầy 8.020ha diện tích đất công nghiệp và hoàn thiện cơ chế chính sách để bổ sung vào Đồ án.

Trong khi đó, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) khẳng định, quy hoạch 8.020ha đất công nghiệp không quá lớn vì đây là quy hoạch “mở” và diện tích đất vẫn có thể sử dụng để sản xuất nông nghiệp khi các nhà đầu tư chưa đến.

Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng của KKT Thái Bình.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đánh giá Đồ án đã được thực hiện đúng trình tự, tuân thủ Nhiệm vụ theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng đóp để hoàn thiện Đồ án; giao nhiệm vụ cho Vụ Quy hoạch kiến trúc phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình hoàn thiện Dự thảo Quyết định và Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2019.

Hữu Mạnh – Quyên Hoàng

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/tham-dinh-quy-hoach-chung-xay-dung-khu-kinh-te-thai-binh.html