Thẩm định công viên địa chất Đắk Nông - những trải nghiệm thú vị

Qua quá trình xem xét hồ sơ, tổ chức UNESCO đã cử 2 chuyên gia về công viên địa chất toàn cầu đến Công viên Địa chất Đắk Nông để thẩm định thực địa.

Đoàn chuyên gia của UNESCO đã vừa kết thúc đợt thẩm định Công viên địa chất Đắk Nông. Kết quả thẩm định sẽ được báo cáo tại Hội nghị Công viên Địa chất châu Á Thái Bình Dương của UNESCO tiến hành tại Indonesia vào tháng 9 sắp tới. Sau đó, Hội đồng UNESCO sẽ tổ chức họp, đánh giá mới quyết định công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu vào tháng 4/2020.

Phóng viên VOV phỏng vấn bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông.

Khám phá hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài nhất khu vực Đông Nam Á.

Khám phá hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài nhất khu vực Đông Nam Á.

PV: Thưa bà, trong những ngày vừa qua, Đoàn chuyên gia của UNESCO thúc đã tiến hành thẩm định Công viên địa chất Đắk Nông. Xin cho bà cho biết hành trình thẩm định được thực hiện như thế nào?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Công viên Địa chất Đắk Nông đã đệ trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO đề nghị Công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu vào cuối tháng 11/2018. Qua quá trình xem xét hồ sơ, tổ chức UNESCO đã cử 2 chuyên gia về công viên địa chất toàn cầu đến Công viên Địa chất Đắk Nông để thẩm định thực địa.

Đoàn thẩm định đã được trải nghiệm 3 tuyến du lịch đặc trưng với nhiều điểm đến độc đáo, kết nối các giá trị di sản địa chất, văn hóa và cảnh quan tự nhiên của khu vực. Tuyến 1 với chủ đề “Trường ca của lửa và nước là hành trình khám phá các giá trị địa chất nổi bật.

Bên cạnh những ngọn núi lửa hùng vĩ và những thác nước tuyệt đẹp, khám phá hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan vô vùng độc đáo dài nhất khu vực Đông Nam Á và một số hang động còn lưu giữ các di tích cư trú của người tiền sử. Tuyến 2 với tên gọi “Bản giao hưởng của làn gió mới”. Đây là hành trình về nguồn, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc M’nông, Êđê như: sử thi, nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống,... và các di tích lịch sử thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

“Âm vang từ trái đất” là tên gọi của tuyến 3, mang đến cho đoàn thẩm định những trải nghiệm về cảnh quan thiên nhiên như hồ Tà Đùng, thác nước granit, điểm gỗ hóa thạch...và thưởng thức nhạc cụ truyền thống dân tộc tại nhà trưng bày các nhạc cụ cổ xưa, Cồng chiêng người Mạ, Nhà triển lãm âm thanh”.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông.

PV: Thưa bà, kết quả của chuyến thẩm định này của Đoàn chuyên gia của UNESCO có ý nghĩa như thế nào đối với Công viên địa chất Đắk Nông?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Chuyến thẩm định thực địa của các chuyên gia UNESCO không chỉ là một phần bắt buộc, quan trọng trong quá trình xét duyệt hồ sơ xin gia nhập Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của Công viên Địa chất Đắk Nông, mà đây còn là dịp để Công viên Địa chất Đắk Nông được lắng nghe những khuyến cáo, góp ý rất thiết thực và hữu ích trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trong vùng công viên địa chất. Đây cũng là cơ hội để Công viên Địa chất Đắk Nông kết nối và mở rộng mối quan hệ hữu nghị với các công viên địa chất anh em, trong đại gia đình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Sau ba ngày trải nghiệm, đoàn chuyên gia đã ngồi lại và trao đổi và chấm điểm công khai tiêu chí của UNESCO, chúng tôi cũng giải trình và làm rõ thêm những gì họ cần biết. Đoàn chuyên gia đánh giá rất cao việc chuẩn bị, sự nỗ lực của địa phương. Bước đầu, đoàn chuyên gia đã có nhận xét chúng ta đã đáp ứng được cơ bản những tiêu chí và đoàn cũng đã có những góp ý, khuyến cáo một số nội dung.

Sau khi đoàn trở về sẽ có những báo cáo chính thức cụ thể. Đây mới là kết quả cơ sở để họ có báo cáo sẽ trình tại hội thảo công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 9/2019 tại Indonesia, trình ra ban thư ký của Công viên địa chất toàn cầu để thảo luận, đánh giá. Đến tháng 4/2020 mới có kết quả.

“Âm vang từ trái đất” - tuyến du lịch trải nghiệm của đoàn thẩm định công viên địa chất Đắk Nông.

PV: Để có kết quả thẩm định tốt nhất, xin bà cho biết những nỗ lực của địa phương trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị của Công viên địa chất Đắk Nông ?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Ý thức được tính cấp thiết và tầm quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong vùng Công viên Địa chất Đắk Nông, thời gian qua, Ban Quản lý Công viên Địa chất Đắk Nông đã phối hợp với các sở ban ngành và các địa phương để triển khai nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về di sản địa chất và Công viên Địa chất, cách bảo vệ, phát huy giá trị di sản đến người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên.

Ban quản lý cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn thanh niên để lồng ghép các nội dung tuyên truyền này vào các môn học, các hoạt động giáo dục phù hợp để nâng cao ý thức cho học sinh các cấp. Từ đó, hình thành niềm tự hào và nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản địa phương.

Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý đã phối hợp với các địa phương, trường học để tổ chức các chuyến tham quan trong vùng Công viên Địa chất cho người dân địa phương, qua đó giúp họ tiếp cận mô hình phát triển Công viên Địa chất một cách đầy đủ nhất.

Từ đó, định hướng, khuyến khích cộng đồng địa phương xây dựng các mô hình phát triển du lịch bền vững, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm quảng bá hình ảnh Công viên Địa chất Đắk Nông đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!/.

Quốc Học – Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên (thực hiện)

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tham-dinh-cong-vien-dia-chat-dak-nong-nhung-trai-nghiem-thu-vi-931841.vov