Thăm đền thờ ông tổ vũ khí nước Việt

Nằm nép mình bên bờ sông nơi dòng Đuống lững lờ đổ vào hệ thống sông Thái Bình có ngôi đền thờ danh tướng Cao Lỗ Vương, theo truyền thuyết là người chế tạo nỏ thần Liên Châu.

>> Bảo Tháp với nghi án Lê Văn Thịnh
>> Huyền bí khu lăng mộ Thủy tổ nước Việt

QUÊ CAO LỖ KHÔNG CÓ HỌ CAO

Chúng tôi chạy xe tới thôn Đại Trung, xã Cao Đức (Gia Bình - Bắc Ninh) khi trời hửng sáng, dòng Đuống vẫn êm đềm vỗ sóng vào khu đền thờ danh tướng Cao Lỗ Vương. Hình ảnh một ông cụ với áo nâu sồng, miệt mài quét lá đa tại sân đền thờ khiến tôi nhớ lại hình ảnh quen thuộc của những làng quê yên bình xưa kia. Qua trò chuyện, chúng tôi hay biết cụ tên Âu Văn Nhâm, năm nay đã ngoài 72 tuổi, được dân làng giao trọng trách cao cả làm thủ từ đền Cao Lỗ Vương 3 năm qua.

Thắc mắc, tại sao Đền thờ Cao Lỗ Vương tại chính quê hương ông lại không phải người dòng họ Cao làm thủ từ, cụ Nhâm tâm sự, hiện nay tại xã Cao Đức gần như không có ai mang họ Cao, mỗi dịp đến ngày giỗ của ngài con cháu họ Cao từ các nơi như Nam Định, Nghệ An tìm về thắp hương chứ quanh vùng Bắc Ninh rất ít người có họ này.

Theo lí giải của ông Nhâm, rất có thể ngày xưa sau khi bị Triệu Đà truy sát, do sợ bị trả thù, tiêu diệt nên hậu duệ, thân thích của Cao Lỗ buộc phải thay tên đổi họ hoặc lưu lạc tha phương để duy trì dòng dõi, nên họ Cao giờ mới không còn ở Cao Đức.

Mặc dù không có ai họ Cao, song dân các thôn quanh khu đền thờ Cao Lỗ Vương đều tôn sùng ông như vị thánh trấn thủ cho làng. Cụ Hoàng Văn Điền, năm nay ngoài 90 tuổi, cho biết, thời xưa mỗi dịp đến ngày giỗ của Cao Lỗ Vương từ mùng 8 đến 10 tháng ba âm lịch hằng năm, ở gần sông Đuống, có một hang lớn thông từ hậu cung ra sông có hai con giải bò lên bám vào hai cây cột cái hầu thánh.

Đền thờ Cao Lỗ Vương tại xã Cao Đức (Gia Bình - Bắc Ninh)

Do có 5 thôn cùng thờ nên không thôn nào chịu vào lễ sau. Sau đó, quan huyện phải về làm chủ viết tên thôn vào một quả bưởi rồi thả vào hang xem bưởi thôn nào ra trước thì được vào lễ trước. Kết quả được xếp thứ tự trước sau là: Tiểu Than, Đại Than, Phù Than - Kênh Phố (Kênh Phố sau tách ra từ Phù Than), Đại Trung, Văn Than, Đông Trung, Mĩ Lộc. Ngày nay, thứ tự này vẫn được duy trì.

Các cụ cao niên ở thôn Đại Trung chia sẻ, tương truyền Cao Lỗ quê ở thôn Đại Trung, xã Cao Đức. Ông là một tướng giỏi giúp An Dương Vương xây dựng thành công Thành Cổ Loa và chế tạo nỏ thần Liên Châu đánh bại quân xâm lược Triệu Đà nhiều lần. Ông đã huấn luyện cho hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. An Dương Vương thường xem tập bắn trên “Ngự xa đài”, dấu vết này nay vẫn còn ở góc đông bắc ngoài thành nội ở Thành Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội).

Tuy nhiên, do sau này An Dương Vương chủ quan, nghe lời xiểm nịnh đã đuổi Cao Lỗ về quê và bị Triệu Đà tương kế tựu kế gả con trai là Trọng Thủy lấy Mỵ Châu, ở rể rồi ăn cắp công nghệ chế tạo vũ khí và cách bố trí thành Cổ Loa rồi quay trở lại xâm lược khiến An Dương Vương bị thua trận, đưa đất nước rơi vào cảnh 1.000 năm Bắc thuộc. Cao Lỗ, mặc dù ra ứng cứu, song cũng bị thất bại và hy sinh, thi thể của ông được dân làng đem chôn cất tôn thờ tại quê nhà cho đến tận ngày nay.

NỎ THẦN CÓ THẬT?

Được biết, những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng quan tâm đầu tư, tôn tạo khu di tích đền thờ Cao Lỗ Vương tại xã Cao Đức và đền thờ ông đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Vừa qua, địa phương này phối hợp với nhiều đơn vị như Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bộ VH-TT-DL… tổ chức các cuộc hội thảo nhằm mổ xẻ và làm sáng tỏ những bức màn bí mật còn phủ lên vị danh tướng Cao Lỗ và tìm câu trả lời “Linh Quang Thần Cơ” chỉ là truyền thuyết hay là sự thật.

Trong một nghiên cứu của mình, PGS.TS Lê Đình Sỹ (nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho rằng, với việc tìm ra hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh cùng bộ lẫy nỏ tại di chỉ Cầu Vực và nhiều khuôn đúc tên trong khu vực thành nội là những bằng chứng thuyết phục nhất chứng tỏ nỏ thần Liên Châu không chỉ là huyền thoại mà có cơ sở từ thực tế.

Dựa trên những mẫu vật tìm được này, Bảo tàng Lịch sử quân sự VN và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng các nghệ nhân người Mường ở Hòa Bình đã phục dựng thành công chiếc nỏ thần kiểu Cao Lỗ sáng chế có thể bắn được 5 mũi tên đồng một lúc với sức mạnh và độ chính xác khá cao, từ đó phần nào giải mã được về chiếc nỏ Liên Châu thời An Dương Vương.

Còn dưới góc nhìn sử học của PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học Việt Nam, trong truyền thuyết nỏ thần, bên cạnh những yếu tố huyền thoại còn chứa đựng một cốt lõi lịch sử, đề cập đến một nhân vật lịch sử là danh tướng Cao Lỗ, người có công lớn nhất trong việc tổ chức quân đội Âu Lạc và trực tiếp chế tạo loại vũ khí lợi hại là cung nỏ và mũi tên đồng, có tác dụng to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà (thế kỷ II trước CN).

Ông được tôn thờ là Tổ sư của ngành quân khí Việt Nam. Hiện nay, Lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ tọa lạc trên địa bàn thôn Đại Trung, xã Cao Đức trên một khu đất cao ven bờ nam sông Đuống, hướng mặt về Lục Đầu giang, được nhân dân vô cùng tôn thờ, kính trọng.

Cũng nghiên cứu dưới góc độ xã hội học, song PGS.TS Phạm Bích San - Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học Việt Nam nói lên sự phát triển cũng như tiềm năng của quê hương danh tướng Cao Lỗ ngày nay. Tác giả cũng đặc biệt lưu ý đến ảnh hưởng tốt đẹp của phong tục thờ thần Cao Lỗ đến tinh thần gắn kết cộng đồng làng xã ngay tại chính quê hương xã Cao Đức của ngài ngày nay giúp góp phần làm tăng tinh thần đoàn kết và giữ chân người dân bám làng, bám quê lao động, sinh sống.

Thành cao hào sâu, tướng giỏi, quân đội mạnh thì tốt. Nhưng khi đã bị hãm vào thế bao vây, bị tách ra khỏi nhân dân và mất hết khả năng huy động sức mạnh của nhân dân thì cuộc chiến đấu bị cô lập và thất bại là điều khó tránh khỏi. Đó là một bài học đau xót trong lịch sử cần phải ghi nhớ để tránh khỏi mắc sai lầm lặp lại về sau.

Bởi trong quá khứ, người dân tại xã Cao Đức có hai lần di cư rất lớn, có thời điểm đi cả nửa làng vì điều kiện để phát triển kinh tế tại khu vực này cũng không thật sự thuận lợi.

Theo GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì với các chứng cứ lịch sử có được có thể khẳng định nỏ thần Liên Châu là có cơ sở. Tuy nhiên, cái mà danh tướng Cao Lỗ đã để lại cho lịch sử không phải là công nghệ làm ra nỏ thần mà chính là bài học sâu sắc trong quá trình dựng và giữ nước.

Thực tế khí đó, thành Cổ Loa kiên cố, nỏ thần lợi hại, quân đội đông được huấn luyện và trang bị tốt, lại có tướng tài, kiên cường và trung thành như Cao Lỗ. Nhưng chỉ vì sai lầm của An Dương Vương, không thấy hết bản chất thâm hiểm của đối phương, không biết nghe lời khuyên của những bầy tôi trung thành và thông thái dẫn đến nước Âu Lạc bại vong…

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/24/109165/tham-den-tho-ong-to-vu-khi-nuoc-viet.aspx