Thâm cung bí sử (120 - 1): Một lao động hạng A

Năm 1971, chàng sinh viên Trần Tự, quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vào chiến trường theo lệnh tổng động viên. Năm 1975, Trần Tự ra Bắc và được cử đi học ở Liên Xô.

Ảnh minh họa

Bố mất, chỉ còn mẹ già nên Trần Tự phải cưới vợ trước khi bước chân đến xứ người. Mẹ Tự là bà Mận đã chọn cho con trai một cô gái cùng quê rất khỏe khoắn dù nhan sắc có phần khiêm tốn. Cô Nguyễn Thị Tẻ, người con gái được bà Mận chấm có làn da màu chum sành, mũi hếch, môi loe. Nhưng ở cái mảnh đất đồng chiêm trũng như Bình Lục không có sức vóc thì không thể trụ được. Lúc đó Trần Tự không mấy quan tâm đến chuyện xấu đẹp, miễn là có người cáng đáng mấy sào ruộng đỡ đần mẹ lúc anh xa nhà, thế là đủ. Vả lại niềm vui được đi học quá lớn đã lấn át tất cả.

Năm 1980, Trần Tự về nước với tấm bằng kỹ sư lắp máy. Lúc đó, đại công trường thủy điện sông Đà vừa mới được mở ra ở Hòa Bình. Ở đây có hàng chục nghìn lao động làm việc suốt ngày đêm, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, đào đất, gánh đá, đắp đập. Lực lượng lao động kỹ thuật chỉ chiếm 20%, trong đó công nhân, kỹ sư lắp máy chiếm 7%. Toàn bộ máy móc lúc đó đều được sản xuất từ Liên Xô. Bởi vậy một kỹ sư lắp máy được đào tạo bài bản từ Liên Xô đúng là thỏi vàng ròng của công trường.

10 năm lắp máy trên công trường thủy điện sông Đà, Trần Tự đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Trong nghề lắp máy, kinh nghiệm thực tế quan trọng hơn lý thuyết sách vở rất nhiều. Anh là kỹ sư lắp máy giỏi, được lãnh đạo công trường nhiều lần khen ngợi. Nhưng lương của kỹ sư không cao và quyền của kỹ sư cũng không lớn. Vì thế, sau khi khánh thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình, cấp trên điều Trần Tự vào Tây Nguyên để xây dựng Nhà máy thủy điện Ialy với cương vị Trưởng phòng kỹ thuật lắp máy nhưng anh vẫn từ chối. Anh bỏ biên chế ra mở công ty lắp máy riêng. Nghề lắp máy không bao giờ thiếu việc. Khi kinh tế phát triển, các doanh nghiệp phải nhập khẩu máy móc về để tổ chức sản xuất, thế là cần đến những người lắp máy. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, tháo máy móc ra, tra dầu mỡ để cất kho, lại cần đến những người lắp máy. Một ông chủ lớn đã mua nhà một nhà máy cơ khí lớn nhưng chỉ là mua mặt bằng chứ không mua máy móc. Thế là bên bán phải thuê công ty của Trần Tự tháo dỡ máy móc ra để bán sắt vụn. Rồi các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ mọc lên khắp nơi cũng phải cần đến công ty lắp máy của Trần Tự. Ông tuyển công nhân kỹ thuật ở các trường dạy nghề về đào tạo lại theo phương thức cầm tay chỉ việc. Không thể đùa với nghề lắp máy, một sơ suất nhỏ cũng có thể phá hỏng cả một cỗ máy, có khi còn làm chết người.

Ở Hà Nội, Trần Tự là ông Giám đốc công ty lắp máy giỏi. Còn ở Bình Lục, bà Nguyễn Thị Tẻ là lao động hạng A. Một mình bà canh tác mấy sào ruộng đồng chiêm trũng đạt năng suất rất cao và chăm sóc mẹ chồng đến nơi đến chốn. Bà cũng là người mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-120-1-mot-lao-dong-hang-a-20171121074946975.htm