'Thâm cung' áo dài Lemur

Xuất hiện năm 1934 và thành công vang dội toàn Đông Dương, y phục tân thời Lemur trên báo Phong Hóa do họa sĩ Cát Tường (ảnh) thiết kế chứa đựng biết bao câu chuyện ly kỳ, và được hé lộ qua cuốn sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay của tác giả Phạm Thảo Nguyên, do Khai Tâm và NXB Hồng Đức sắp ra mắt độc giả.

Áo dài Lemur tại Sài Gòn - Ảnh: Tư liệu từ sách

Ban đầu, người Pháp cho mở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương để đào tạo thợ mỹ nghệ phục vụ việc khắc chạm, sơn, vẽ, trang trí đồ đạc, nhà cửa của họ... Nhưng tại đây, Hiệu trưởng Tardieu đã phát hiện nhiều tài năng xuất chúng trong số các sinh viên nên đã thử dạy vẽ sơn dầu thuần túy mỹ thuật Tây phương. Lớp thử nghiệm năm 1929 với 4 sinh viên giỏi nhất của khóa 1, 2, 3, 4 là Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu và Cát Tường. Họa sĩ Nguyễn Cát Tường (sinh năm 1912) tại Sơn Tây. Cát Tường nghĩa là “tốt lành”, một lời chúc bằng chữ Hán - Việt nhưng “tường” nôm na lại là “bức tường”, tiếng Pháp là “le mur” nên ông lấy tên hiệu đùa là Lemur, hay Lemur Cát Tường. Ngày 11.2.1934, Báo Phong Hóa Xuân có tiết mục mới Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô ra mắt độc giả, được chủ bút Nhất Linh tin tưởng giao cho một người chỉ mới 22 tuổi phụ trách, làm xuất hiện một nhà thiết kế Cát Tường tài hoa sau này.

Khai sinh áo dài tân thời

Tác phẩm như cuốn sử học về áo dài

Tôi chỉ có thể nói một từ: Tuyệt. Không chỉ là một cuốn sách viết về tác giả - tác phẩm, mà nó còn như cuốn sử học về áo dài phát triển trong bối cảnh xã hội VN thời bấy giờ, của một số phận tài hoa, gắn với tà áo hoa gấm - một biểu tượng văn hóa đẹp của người Việt cho đến tận bây giờ.
NTK Sĩ Hoàng

Tư liệu trong cuốn sách quý do ông Nguyễn Trọng Hiền, con trai họa sĩ Lemur Cát Tường sưu tầm và gìn giữ hơn 60 năm nay cung cấp nhiều thông tin thú vị. Áo dài VN đời Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ 19 đầu 20 kín đáo, như áo các ni cô Phật giáo ngày nay còn mặc. Thân áo từ nách xuống dưới tà được cắt thẳng, trên dưới bằng nhau. Áo này tách chia hai tà trước và sau tại điểm trễ dưới eo độ 8 cm… Trên Báo Phong Hóa số 90 ra ngày 23.3.1934, ông Cát Tường mạnh dạn đưa ra mẫu áo dài Lemur đầu tiên. Theo đó, điểm chia hai tà áo trước - sau cũng trễ dưới eo độ 8 cm. Điều khác biệt nhất là eo áo được nhấn nhẹ. Áo này khi mặc lên hơi sát vào bụng, nên trông như ngực nở ra. Đó là nét mỹ thuật Âu Tây đầu tiên được đưa vào y phục phụ nữ Việt mà cũng vì chuyện này từng gây phản ứng mạnh một thời trong dư luận.

Khi phát hiện chiếc áo dài mà người phụ nữ mặc trong lót áo yếm ngực lép xẹp, thân hình phẳng lì quá, họa sĩ Cát Tường tìm tới chủ hiệu Cự Chung chuyên sản xuất áo khoác, áo bơi ở phố Hàng Bông (Hà Nội), đề nghị dệt thêm… áo lót mới để nâng ngực cho người mặc. Được bạn thân đồng ý, người hối hả vẽ mẫu, người mang đi dệt, đến năm 1935 thì cho xuất xưởng những chiếc áo loại “coóc-sê” đầu tiên. Do được nội hóa, giá cả vừa phải hợp túi tiền người mua nên từ đó, phụ nữ VN có đầy đủ “phụ tùng”, hết ngại mặc chiếc áo dài Lemur tân thời duyên dáng mà sắc đẹp lại được nổi bật, sang trọng khiến các bà, các cô hãnh diện bước ra đường, tạo ra một phong trào đổi mới y phục phụ nữ quy mô sâu rộng nhất ở VN.

Họa sĩ Lê Phổ chưa từng thiết kế áo dài

Sau khi các mẫu Lemur tân thời thiết kế tạm xong, năm 1935, họa sĩ Cát Tường đã thực hiện một chuyến đi xuyên Việt để giới thiệu cho phụ nữ toàn quốc chiếc áo dài tân thời Lemur, khiến phong trào mặc áo mới của các bà các cô càng trở nên… dâng cao. Tại Huế, ông may mắn gặp bà Công Tằng Tôn Nữ Trinh Diêu, người từng được nhiếp ảnh gia Võ An Ninh chụp nhiều ảnh nghệ thuật, và ông được hoàng cung nhà Nguyễn mời thực hiện riêng một “tủ” áo dài tân thời Lemur cho Hoàng hậu Nam Phương. Sau này ông còn tiếp tục đi vào Nam vẽ áo dài cho nhiều nghệ sĩ cải lương, trong đó có nghệ sĩ Phùng Há. Năm 2013 tại Tokyo, họa sĩ Cát Tường được nước Nhật vinh danh trong cuốn Đại tự điển Danh nhân thế giới là một họa sĩ và nhà thiết kế tân tiến lớn.

Cuốn sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay còn kể lại rõ câu chuyện thời bà Lê Nghi Sương (cháu họa sĩ Lê Phổ) mở tiệm may Marie số 4 phố Nhà Chung (Hà Nội), có đăng dòng quảng cáo trên Báo Phong Hóa số 115 ngày 14.9.1934: “May quần áo phụ nữ lối mới và lối cũ. Có họa sĩ Lê Phổ CHO KIỂU”. (Xin chú ý: Cho kiểu không phải là vẽ kiểu mới, mà chỉ là chọn một kiểu trong số kiểu áo Lemur có sẵn cho mỗi khách hàng. Có thể chỉnh sửa chút ít cho hợp dáng người, cũng như chọn hàng hợp với màu da khách. Như bác sĩ “cho thuốc” là cho đơn, đi mua thuốc làm sẵn).

Mẫu áo dài Lemur đầu tiên - Ảnh: Tư liệu từ sách

Thì ra, khi tiệm Marie khánh thành, họa sĩ Cát Tường có giới thiệu một thợ may giỏi cho Lê Phổ. Họa sĩ Lê Phổ là sinh viên đỗ đầu khóa 1 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông du học Pháp 2 năm rồi trở về làm giảng viên cho trường này. Trong cuốn đặc san ĐẸP Mùa Nực 1934 của Cát Tường, Lê Phổ có một trang vẽ nữ trang chứ ông không hề thiết kế áo dài. Tới cuối tháng 10.1937, Lê Phổ trả người thợ may giỏi lại cho hiệu may Lemur để đi Pháp lần thứ hai, sau khi chuyện tình duyên của ông với người bạn gái bị tan vỡ thì Lê Phổ không trở về VN nữa mà lấy vợ đầm, ở lại hẳn nước Pháp vẽ tranh tới khi mất. Ông Nguyễn Trọng Hiền thông tin lại trong sách, khi tới Paris, ông có tới thăm bà quả phụ Lê Phổ và bà khẳng định như đinh đóng cột với ông rằng: “Ông Lê Phổ chưa từng bao giờ thiết kế áo dài”, xóa tan những dư luận đồn thổi.

Lê Công Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/tham-cung-ao-dai-lemur-1033842.html