Thăm chùa Tứ Giáp - nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân

Chùa Tứ Giáp nằm ở phía Tây làng Nguộn của xã Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang. Ngôi chùa này có tên chữ là 'Đại Phúc tự', tên Nôm là 'chùa Gốc Gạo' và tên thường là chùa Nhã Nam. Chùa Tứ giáp lưu dấu ấn của phong trào cách mạng từ những năm 40 của thế kỷ trước, đặc biệt đây là nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân.

 Chùa Tứ Giáp, làng Nguộn, xã Nhã Nam (Tân Yên, Bắc Giang) được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII - 1771), bao gồm 7 gian khu tiền đường, trung đường 5 gian và thượng điện 3 gian, hai dãy hành lang, dãy nhà tổ, nhà khách và nhà trụ trì.

Chùa Tứ Giáp, làng Nguộn, xã Nhã Nam (Tân Yên, Bắc Giang) được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII - 1771), bao gồm 7 gian khu tiền đường, trung đường 5 gian và thượng điện 3 gian, hai dãy hành lang, dãy nhà tổ, nhà khách và nhà trụ trì.

Tuy nhiên, phần lớn công trình tín ngưỡng, tôn giáo này đã bị thực dân Pháp phá hủy vào năm 1885. Đến năm 1886, nhân dân xã Nhã Nam và nhân dân hai xã Dương Lâm, Lý Cốt đã góp công, góp của phục dựng lại hai ngôi chùa trên đất làng Nguộn theo kiểu tiền thần hậu Phật. Chùa vẫn mang tên chùa Tư Giáp để thể hiện tình đoàn kết và thành quả của nhân dân 4 làng Chuông, Nguộn, Thượng, Hạ cùng toàn tâm, nhất ý phục dựng lại ngôi chùa.

Năm 1947, chùa Tứ Giáp bị thực dân Pháp bắn phá thêm lần nữa. Đến nay vẫn còn nhiều vết đạn trên thân cột trong chùa. Ở thời kì tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), chùa Tứ Giáp là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng.

Trong thời gian báo “Bạn dân” của Công an khu XII tiếp tục xuất bản những số báo mới, trong đó có số báo Tết. Đồng chí Hoàng Mai đã gửi biếu Bác Hồ một số báo Xuân. Sau khi nhận được báo biếu và lời đề nghị được Bác dạy cách làm báo, nghiệp vụ Công an của đồng chí Hoàng Mai, ngày 11-3-1948, Bác Hồ viết một bức thư gửi đích danh đồng chí Hoàng Mai. trong thư có nêu 6 lời dạy về tư cách người Công an cách mệnh: Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ; Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép; Đối với công việc phải tận tụy; Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo.

Chùa Tứ Giáp được xây dựng cách đây trên 300 năm. Gọi là Tứ Giáp vì khi xã Nhã Nam còn 4 làng. Mỗi làng là một giáp, gồm: Giáp Chuông, Giáp Nguộn, Giáp Thượng, Giáp Hạ cùng nhau hưng công xây dựng chùa. Đại Phúc tự là tên chữ, đó là tên chính nhưng lại ít được dùng đến. Chùa Gốc Gạo là bởi bên chùa có cây gạo cổ. Chùa Nhã Nam là cái tên gọi theo tên của xã Nhã Nam.

Chùa xưa gồm 7 gian tiền đường 5 gian trung đường, 3 gian tam bảo, 2 dãy hành lang, 1 tòa nhà tổ, nhà khách, nhà sư ni. Bố cục theo lối nội công ngoại quốc đặt trên đồi Phủ ở phía sau đình. Trong chùa có hệ thống tượng lớn bằng đất nung rất phong phú. Lại có quả chuông nặng mấy trăm cân, tiếng vọng ngân nga.

Cuối năm 1886, dân Nhã Nam và dân xã hàng ước Dương Lâm, Lý Cốt cùng nhau xây lại đình, chùa. Ngôi đình do ba xã dựng xây gọi là đình Ba Xã. Còn ngôi chùa xây trên đất làng Nguộn chủ yếu do 4 giáp hưng công gọi là chùa Tứ Giáp, gồm, tiền đưòng, nhà chung, phật điện, nhà tổ, nhà tăng ni, cổng tam quan có gác chuông, tường bao.

Trải qua hơn 300 năm, hiện nay, chùa Tứ Giáp còn 3 tòa tiền đường 7 gian, tòa trung đường 5 gian nối với tòa thượng điện 3 gian. Trên các cấu kiện kiến trúc trang trí đề tài tứ linh, tứ quý, hoa dây cách điệu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Hàng năm, hội chùa được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng. Trong ngày lễ hội, ngoài phần nghi lễ dâng hương, cúng Phật còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.

Trước đó, ngôi chùa cách mạng này đã từng có giai đoạn bị lãng quên, ngoài các chiến sỹ CAND, gần như không có nhiều người biết về ngôi chùa. Thậm chí, người dân trong làng đã từng có thời gian không có vai trò, không được sử dụng cho hoạt động tâm linh chính đáng của mình.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, chùa Tứ Giáp đã được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn quan tâm tu sửa khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân địa phương.

Cụ Nguyễn Đức Cư (người trông coi chùa) cho biết: “Hồi nhỏ, bố tôi là cụ Nguyễn Văn Ứng khi đó là cán bộ xã, ông thường xuyên đến chùa, nhưng tôi không biết ông làm gì và ở đây có những ai. Ông chỉ dặn nếu có ai hỏi đều phải im lặng, hoặc trả lời không biết. Chúng tôi cứ thế mà thực hiện. Mãi sau này khi lớn lên, được bố kể tôi mới biết ngôi chùa là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy CAND”.

Cụ Cư cho biết, vị trí này từng là nơi làm việc của Công an khu 12. Cụ Cư tỉ mẩn chỉ vào những vết tích chiến tranh còn hằn sâu trên những cây cột trong chùa sau khi bị địch oanh tạc nhiều lần. Theo cụ, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND được thực hiện trên bản in với chất liệu đất sét khắc chữ. Sau đó, bản in được bôi mực rồi in lên giấy pô luya nhân bản ra cho cán bộ, chiến sỹ đọc.

Đến nay, mặc dù đã được quan tâm tu sửa nhưng nhiều khu vực, công trình của chùa vẫn ở trong tình trạng ngổn ngang.

75 năm đã trôi qua, 6 điều Bác dạy lực lượng CAND là chuẩn mực về nhân cách và là kim chỉ nam cho mọi hành động công tác của mình ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Hàng năm, các cán bộ chiến sỹ CAND vẫn thường xuyên thăm viếng, tìm về ngôi chùa cách mạng này để tìm hiểu thêm những trang sử hào hùng của dân tộc, của người chiến sỹ CAND.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tham-chua-tu-giap-noi-phat-tich-6-dieu-bac-ho-day-cong-an-nhan-dan-206370.html