Thăm chốn kỳ duyên Thiên Tâm tự

Xe bon bon chạy trên Quốc lộ 1A đưa chúng tôi từ thủ đô ngược lên đất Kinh Bắc. Nằm bên con đường thiên lý xưa nối kinh thành Thăng Long với vùng biên viễn Lạng Sơn, ngôi chùa cổ Thiên Tâm nằm ở xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) hiện lên như viên ngọc quý giữa một vùng mây bay khói tỏa.

Chẳng thế mà ngay từ thuở khai sơn lập tự, chùa đã mang tên Thiên Tâm (ở giữa trời). Còn dân gian vẫn quen gọi là Tiêu Sơn vì chùa được dựng trên đỉnh núi Tiêu.

Qua cổng chùa nối bậc thang mây, chúng tôi dừng chân trước sân chính điện. Sư cụ Thích Đàm Chính thong dong chống gậy trúc bước ra. Đã ngoại cửu thập niên mà vị ni trưởng trụ trì vẫn mạnh khỏe, thông tuệ. Cụ về đây lễ Phật bái tổ từ năm 1967. Khi ấy, chùa nằm chon von bên sườn núi, tường rêu mái lở, cảnh sắc đìu hiu. Nhờ công đức phát nguyện của các quý phật tử cùng với chư tăng, chùa mới dựng xây được khang trang như ngày hôm nay. Theo lời cụ, chúng tôi vòng lên tam bảo lễ Phật. Mặc dù được trùng tu lại nhưng toàn bộ tượng thờ, cổ vật, hoành phi, câu đối vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc thời Lê, Nguyễn. Cũng chính ngôi tam bảo này là nơi vinh dự được cung nghinh xá lỵ Phật tổ Thích Ca để tăng chúng tôn thờ.

 Tượng đài Vạn Hạnh thiền sư trên đỉnh Tiêu sơn.

Tượng đài Vạn Hạnh thiền sư trên đỉnh Tiêu sơn.

Sau khi dâng hương đức Phật, bước lên 80 bậc đá xanh, chúng tôi được chiêm ngưỡng tượng đài Vạn Hạnh thiền sư trên đỉnh non Tiêu. Đây là chốn tổ thiền sư tu luyện và dạy dỗ Lý Công Uẩn từ thuở thơ bé, sau phò giúp lên ngôi vua. Chính vì vậy, trong gian nhà tổ có bức tượng đồng cổ cùng bài vị ghi rõ “Lý triều nhập nội, tể tướng Lý Vạn Hạnh thiền sư thần vị”. Hằng năm, khi đền Lý Bát Đế mở hội đều phải đến chùa Tiêu rước nước về tế thể hiện lòng biết ơn công lao của thiền sư đối với vương triều nhà Lý. Gắn với cội nguồn Lý gia nên trong chùa còn thờ tấm bia đá khắc 4 chữ Hán lớn “Lý Gia Linh Thạch”. Đây là hòn đá thiêng khắc ghi nhân vật, sự kiện tiêu biểu của dòng họ Lý trong suốt 216 năm song hành cùng lịch sử dân tộc.

Chùa thiêng lưu dấu bước chân của tổ quý. Thật là hạnh ngộ khi chúng tôi còn được chiêm bái nhục thân thiền sư Như Trí. Nhờ tu hành đắc đạo nên ngài đã để lại toàn thân xá lợi. Đây là một trong những trường hợp thiền táng độc đáo và hiếm có trên thế giới. Khi viên tịch, thiền sư nhập bảo tháp. Năm 2004, nhục thân được thỉnh ra để tu bổ và bảo quản. Sau khi trùng tu, tượng nặng 34kg với 13 lớp sơn và thếp bạc, được đặt trong khám chứa đầy khí ni-tơ để bảo quản vĩnh viễn cho phật tử đời sau chiêm bái, phụng thờ.

Đứng bên sườn núi Tiêu “Trắng mây Kinh Bắc, thị xòe bóng trưa”, chúng tôi như lạc vào cõi xưa với bao câu chuyện lịch sử đắp bồi. Đưa tầm mắt ra xa, dòng Tương giang uốn quanh chân núi. Đây chính là con sông Tiêu Tương xưa văng vẳng tiếng hát của chàng đánh cá Trương Chi khơi nguồn cho những câu ca quan họ tình tứ, mượt mà. Dòng sông cổ tích ấy còn gắn với câu chuyện tình dang dở. Tiếng sáo, lời ca của Trương Chi “chèo đò ngang dọc đêm đông dãi dầu” đã làm say đắm nàng Mỵ Nương xinh đẹp nhưng cuối cùng đành “xin hẹn duyên sau sẽ thành”. Giữa một vùng sơn thủy hữu tình, gió đưa xào xạc như nghe đâu đây tiếng sáo Trương Chi.

Đến thăm chùa lễ Phật nhớ tổ, lại thêm cảm kích trước tấm lòng rộng lượng hải hà của sư cụ chùa Tiêu. Người giáo pháp, khai trí cho chúng sinh với cái tâm sáng không vương vấn bụi trần. Chẳng thế mà lão ni trưởng không đặt một hòm công đức nào ở Thiên Tâm tự. Ai có tâm đến lễ chùa, người còn phát lộc răn dạy việc đạo, việc đời. Chính cảnh tiên, cõi phật, tâm người từ bi đã khiến lòng tôi lưu luyến để khi thong dong dạo bước bộ hành vẫn còn nhớ lời sư cụ thỉnh dạy: "Thiên Tâm tự chốn kỳ duyên/ Cái vui thì đến cái phiền thì đi”.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/tham-chon-ky-duyen-thien-tam-tu-592951