Thảm cảnh của trẻ em tại 'thánh địa chết chóc' Syria

Quỹ Nhi Đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhấn mạnh, các bên tham gia xung đột đang coi thường tính mạng của gần 7 triệu trẻ em Syria. Trẻ em không chỉ là mục tiêu tấn công trực tiếp mà còn bị từ chối tiếp cận các dịch vụ cơ bản, rơi vào tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc men.

Nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc can dự vào cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 8 ở Syria đang dần hé lộ. Toan tính của các bên trong “màn quyết đấu cuối cùng” ở Idlib, mà kết quả của nó có thể tạo bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng Syria, cũng đang làm phức tạp thêm tiến trình giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng.

Giữa lúc nguy cơ một cuộc chiến tranh đổ máu tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria ngày càng trở nên hiện hữu, Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức phi chính phủ không ngừng đưa ra các cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại quốc gia Trung Đông này. Trẻ em Syria đang thực sự là những nạn nhân trực tiếp của thảm họa nhân đạo được LHQ đánh giá là nghiêm trọng nhất thế kỷ này. Những đứa trẻ tại đây chưa bao giờ được cảm nhận niềm hạnh phúc trọn vẹn, thậm chí phải bỏ mạng giữa “mưa bom bão đạn” sau các đợt không kích.

Trẻ em bị thương vong trong những vụ không kích

Trong diễn biến mới nhất, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria vừa công bố báo cáo cho thấy, số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài tại Syria đã lên tới 360.000 người, trong đó có hơn 20.000 trẻ em. Trẻ em Syria không chỉ là những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất bởi bom đạn, các em còn dễ bị những phần tử khủng bố bắt cóc để phục vụ nhiều mưu đồ đen tối.

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cảnh báo, cần phải có các cách thức giải quyết vấn đề Idlib. Nếu không, trong những tháng tới, một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất sẽ xảy ra tại đây với sự chết chóc lớn nhất của thế kỷ 21.

“Chúng ta đã trải qua thảm họa sóng thần năm 2004 với 250.000 người thiệt mạng; nạn đói tại Somali năm 2011 với số người chết tương tự. Chúng ta không thể để một sự mất mát lớn hơn xảy ra với Idlib trong thời gian tới. Dân thường, đặc biệt là trẻ em, sẽ là đối tượng bị nguy hiểm nhất trong các cuộc tấn công nhằm vào Idlib”, ông Mark nói.

Tương lai đen tối của thế hệ măng non

Theo ông Geert Cappelaere - Giám đốc khu vực của UNICEF tại Trung Đông và Bắc Phi, trẻ em không thể chờ đến khi cuộc chiến kết thúc vì những cuộc khủng hoảng này tạo ra một mối đe dọa thảm khốc cho sự sống còn của các em. Nếu cộng đồng quốc tế không có những bước đi ngay lập tức để bảo vệ và hỗ trợ cấp bách, một tương lai đen tối đang chờ đợi các em.

Phụ nữ và trẻ em chạy loạn

Những ngày qua, tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria liên tiếp hứng chịu các đợt không kích dữ dội. Tại tỉnh này, hiện có khoảng 1 triệu trẻ em trên tổng số 3,5 triệu người dân. Trong số này, ít nhất 350.000 trẻ em đã phải sơ tán nhiều lần và phải trải qua ít nhất là 1 một cuộc tấn công. Tự chế mặt nạ, chạy xuống hầm trú ẩn là những gì trẻ em Idlib đang thực hành thành thạo trước trận tử chiến ở thành trì cuối cùng của phe nổi dậy Syria. Trong khu vực tâm điểm cuộc chiến, nhiều em dường như không biết đến ánh mặt trời.

Cuộc sống của trẻ em tại Idlib hiện rất bấp bênh, thiếu các dịch vụ y tế và xã hội thiết yếu. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Idlib rất đáng báo động, đã tăng gấp 4 lần so với trước đây.

Không có chỗ học khi trường lớp đã bị sập đổ

Phần lớn các em không được đến trường bởi bố mẹ các em lo sợ nguy cơ một cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào và thậm chí là ngay khi các em đang trên đường đến trường. Một nửa số ngôi trường tại Idlib cũng đã ngừng hoạt động do thiếu giáo viên. UNICEF đã kêu gọi dùng hơn 1/3 trong nguồn quỹ khẩn cấp 3,6 tỉ USD để khắc phục thảm họa cho trẻ em toàn thế giới nhằm hỗ trợ trẻ em Syria bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến hiện đã sắp bước sang năm thứ 8.

Nhu Thụy (Theo UNICEF, Reuters)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tham-canh-cua-tre-em-tai-thanh-dia-chet-choc-syria-post50251.html